Khôi phục rừng lưu vực sông Sêrêpôk trong bối cảnh biến đổi khí hậu
Ngày 24-7, Trung tâm Nghiên cứu Lâm nghiệp Nhiệt đới (Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam) phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật tỉnh tổ chức Hội thảo “Khôi phục, bảo vệ và phát triển rừng trong bối cảnh biến đổi khí hậu ở vùng lưu vực sông Sêrêpôk tỉnh Đắk Lắk”.
Tham dự hội thảo có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Y Giang Gry Niê Knơng và 50 đại biểu là các nhà khoa học, đại diện các cơ quan quản lý và chủ rừng.
Lưu vực sông Sêrêpôk về phía Việt Nam có tổng diện tích tự nhiên là 15.300 km2, diện tích lưu vực phân bổ chủ yếu ở tỉnh Đắk Lắk (10.400 km2), còn lại tập trung ở tỉnh Đắk Nông (3.600 km2) và Lâm Đồng (1.300 km2).
Các đại biểu tham dự hội thảo |
Lưu vực sông này có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội khu vực Tây Nguyên khi tài nguyên nước và đất đang đem lại lợi ích lớn cho khu vực này. Đặc biệt, rừng ở lưu vực này không chỉ có vai trò quan trọng phòng chống xói mòn đất, điều tiết nguồn nước, hạn chế thiên tai mà đất và rừng còn là nguồn sinh kế đặc biệt của người dân lưu vực, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Tuy nhiên, hiện nay do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và nạn phá rừng, lấn chiếm đất rừng khiến hệ sinh thái bị ảnh hưởng nặng nề. Cụ thể, chỉ trong vòng 30 năm (1990 - 2020), diện tích rừng ở đây đã giảm từ hơn 900.000 ha xuống còn khoảng 540.000 ha. Mất rừng cùng với biến đổi khí hậu đang làm suy kiệt nguồn tài nguyên đất và nước tại lưu vực sông Sêrêpôk, khiến dòng chảy kiệt vào mùa khô và dòng lũ tăng vào mùa mưa.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Y Giang Gry Niê Knơng phát biểu tại hội thảo |
Để giảm thiểu sự tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đối với lưu vực của sông Sêrêpôk, các đại biểu cho rằng việc bảo vệ và phát triển rừng là điều hết sức cấp thiết. Trong đó, địa phương cần nâng cao năng lực của các chủ rừng để bảo vệ tốt diện tích rừng đang có; tổ chức thu hồi diện tích rừng bị phá, lấn chiếm trái phép để trồng lại rừng; kiểm soát tốt tình trạng di dân tự do; có chính sách hưởng lợi thỏa đáng đối với các chủ thể quản lý rừng, đặc biệt đối với hộ dân, nhóm hộ nhận giao khoán bảo vệ rừng; tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân sống gần rừng, giảm thiểu sự phụ thuộc của họ đối với rừng…
Bà Lê Thị Ánh Tuyết, cán bộ Chi cục Kiểm lâm tỉnh trình bày tham luận tại hội thảo |
Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Y Giang Gry Niê Knơng đánh giá cao những nghiên cứu của các nhà khoa học, đây là những thông tin quý giá hỗ trợ cho tỉnh trong việc đưa ra được những quyết sách phù hợp để bảo vệ và phát triển rừng, bảo vệ nguồn nước; lựa chọn được những phương án sản xuất phù hợp hạn chế những rủi ro do biến đổi khí hậu gây ra.
Vạn Tiếp
Ý kiến bạn đọc