Multimedia Đọc Báo in

Thực hiện các biện pháp bình ổn thị trường trong thời điểm dịch Covid-19

10:57, 03/08/2020

Sở Công thương vừa có văn bản gửi các đơn vị liên quan về việc triển khai thực hiện các biện pháp dự trữ hàng hóa, cân đối cung cầu, góp phần bình ổn thị trường do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Theo đó, Sở yêu cầu các siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh tiếp tục tăng cường công tác dự trữ nguồn hàng, nhất là các loại nhu yếu phẩm như gạo, thịt heo, thịt gia cầm, thủy hải sản, dầu ăn, nước mắm… phục vụ người dân trong thời gian chống dịch. Đặc biệt, thực hiện khai thác nguồn cung khẩu trang từ các doanh nghiệp sản xuất để người tiêu dùng có thể mua được khẩu trang từ các siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh, thực hiện việc niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết… Cùng với đó, cam kết thực hiện đúng các quy định, khuyến cáo về phòng, chống dịch Covid-19 tại khu dịch vụ, tăng cường thực hiện tổng vệ sinh, có biện pháp khử trùng phun thuốc diệt khuẩn, rửa tay bằng xà phòng tại đơn vị mình; vận động thương nhân đeo khẩu trang trong quá trình tiếp xúc, giao dịch với khách hàng, người dân tham quan, mua sắm…

Khách thực hiện mang khẩu trang khi mua sắm tại siêu thị Co.opmart Buôn Ma Thuột
Khách thực hiện mang khẩu trang khi mua sắm tại Siêu thị Co.opmart Buôn Ma Thuột

Sở cũng đề nghị UBND các huyện, thị xã, TP. Buôn Ma Thuột tăng cường công tác quản lý hàng hóa thiết yếu, nắm tình hình dự trữ hàng hóa, bình ổn thị trường tại các chợ truyền thống và các cửa hàng tiện ích, siêu thị mini… trên địa bàn, bảo đảm phục vụ tốt nhu cầu mua sắm của người dân, không để xảy ra tình trạng găm hàng, tăng giá bất hợp lý. Cùng với đó, chỉ đạo các ngành chức năng trên địa bàn thường xuyên tổ chức kiểm tra việc niêm yết giá, bán đúng giá niêm yết các mặt hàng thiết yếu phục vụ người dân trong thời điểm dịch Covid-19 gây ra.

Đối với chủ đầu tư các khu, cụm công nghiệp và các nhà máy sản xuất công nghiệp trên địa bàn, thực hiện nghiêm túc về công tác phòng, chống dịch Covid-19; kịp thời nắm bắt, thông tin các chuyên gia nước ngoài đến công tác, công nhân viên của nhà máy đi và đến từ các vùng có dịch để có biện pháp theo dõi, cách ly theo quy định, hướng dẫn của ngành y tế. Đồng thời tăng cường công tác vệ sinh, tiêu độc, khử trùng nơi sản xuất…

Các ban quản lý chợ chủ động tăng cường kiểm tra, giám sát, kiên quyết ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp kinh doanh, tiêu thụ động vật hoang dã, gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch trong chợ… Đồng thời, chủ động sắp xếp, tổ chức tổng vệ sinh, phun thuốc diệt khuẩn trong khuôn viên chợ ngoài giờ hoạt động. Vận động tiểu thương kinh doanh trong chợ đeo khẩu trang y tế trong quá trình tiếp xúc, trao đổi mua bán, giao dịch với người tham quan, mua sắm tại chợ.

 

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.