Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV: Tiếp tục thảo luận nhiều nội dung quan trọng
Ngày 24-10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển và Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, các đại biểu đã nghe các tờ trình, báo cáo thẩm tra, giải trình, bổ sung và thảo luận các dự án luật quan trọng.
Vào buổi sáng, Quốc hội đã nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý và thảo luận một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi).
Các đại biểu đã tập trung thảo luận, cho ý kiến về một số vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau như: tính thống nhất của dự án Luật với các luật khác có liên quan; phân loại dự án đầu tư thực hiện đánh giá tác động môi trường; thẩm quyền thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường…
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày Tờ trình Dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Ảnh: quochoi.vn |
Ngoài ra, các đại biểu cũng đóng góp thêm một số ý kiến như: chính sách của Nhà nước về bảo vệ môi trường; nguyên tắc bảo vệ môi trường; vai trò của cộng đồng dân cư, các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình trong bảo vệ môi trường; những hành vi bị nghiêm cấm; về quỹ bảo vệ môi trường; cải cách thủ tục hành chính, rà soát và điều chỉnh các quy định pháp luật nhằm tạo điều kiện cho nhà đầu tư vào lĩnh vực bảo vệ môi trường...
Buổi chiều, Quốc hội đã nghe Tờ trình và các báo cáo thẩm tra dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi); Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi); Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Các ĐBQH tỉnh trao đổi bên lề phiên họp tại điểm cầu tỉnh Đắk Lắk. |
Các đại biểu cũng đã nghe các tờ trình, báo cáo thẩm tra, thảo luận Dự thảo Nghị quyết về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.
Theo đó, đa số các đại biểu cơ bản thống nhất với dự thảo nghị quyết và cho rằng việc ban hành nghị quyết sẽ tạo cơ sở pháp lý chặt chẽ và khẳng định vị thế của Việt Nam là thành viên tích cực, trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.
Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo nghị quyết, các ĐBQH đề nghị cần rà soát và làm rõ thêm những nội dung: phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng; về phạm vi, hình thức và lĩnh vực tham gia; thẩm quyền quyết định việc cử, điều chỉnh, rút lực lượng; công tác quản lý nhà nước, sự phối hợp giữa các cơ quan; vị trí, vai trò của các chủ thể, nhất là Hội đồng Quốc phòng An ninh trong hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc; về kỹ thuật văn bản, bố cục các chương, điều của dự thảo nghị quyết…
Duy Tiến
Ý kiến bạn đọc