Quốc hội thảo luận, góp ý các dự án luật
Ngày 23-10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội đã nghe các tờ trình, báo cáo thẩm tra, giải trình, bổ sung và thảo luận trực tuyến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) và Dự thảo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi).
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều khoản của Luật phòng, chống HIV/AIDS năm 2006 dựa trên hai chính sách là tăng cường tiếp cận thông tin người nhiễm HIV và bảo đảm quyền được tiếp cập dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS của mọi đối tượng. Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 14 điều, khoản và bãi bõ 2 điều so với Luật Phòng, chống HIV/AIDS năm 2006.
Toàn cảnh phiên họp tại Hội trường Diên Hồng. Ảnh: quochoi.vn |
Các đại biểu tán thành sự cần thiết và phạm vi sửa đổi, bổ sung dự án Luật đã được thể hiện trong Tờ trình; nhấn mạnh thể chế quan điểm, chủ trương Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, trong đó có mục tiêu “cơ bản chấm dứt dịch bệnh AIDS” vào năm 2030 và giải pháp “tăng cường nguồn lực trong nước cho công tác phòng, chống HIV/AIDS”; khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật hiện hành, đáp ứng yêu cầu của công tác phòng, chống HIV/AIDS trong tình hình mới…
Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người. Ảnh: quochoi.vn |
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng tập trung thảo luận về một số vấn đề cụ thể của dự thảo Luật như về phạm vi sửa đổi, bổ sung của dự án Luật; việc mở rộng đối tượng tiếp cận thông tin người nhiễm HIV; kinh phí xét nghiệm HIV tự nguyện để dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con; độ tuổi tối thiểu của người tự nguyện xét nghiệm HIV; Quỹ hỗ trợ, điều trị, chăm sóc người nhiễm HIV...
Các đại biểu tham dự phiên họp tại điểm cầu tỉnh Đắk Lắk. |
Đối với Dự thảo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) thì tại Kỳ họp thứ 9, đã có 94 lượt ý kiến phát biểu thảo luận ở tổ và 17 lượt ý kiến phát biểu thảo luận tại Hội trường nhằm góp ý, hoàn thiện luật. Dự thảo Luật sau khi chỉnh lý gồm 8 Chương và 76 Điều (giảm 3 điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9); so với Luật hiện hành, dự thảo Luật có 34 điểm mới thuộc 8 nhóm nội dung lớn.
Tại phiên thảo luận trực tuyến, đã có 22 đại biểu đóng góp ý kiến và 2 đại biểu tranh luận, tập trung vào các nội dung, như: chủ trương đưa người lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật đi làm việc tại các thị trường lao động có thu nhập cao, tiếp thu thành tựu khoa học, tiến bộ kỹ thuật tiên tiến; cấp giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; quy định về Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước…
Duy Tiến
Ý kiến bạn đọc