Multimedia Đọc Báo in

Khai mạc Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2021

11:02, 28/12/2020
Sáng 28-12, tại Thủ đô Hà Nội đã khai mạc Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương nhằm triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2021  dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc
 
Tham dự Hội nghị có Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng cùng các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, lãnh đạo Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, các bộ, ban, ngành Trung ương.
 
Tại điểm cầu Đắk Lắk, các đồng chí: Bùi Văn Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Y Biêr Niê, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Phạm Ngọc Nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh tham dự.
  
Hội nghị nhằm đánh giá, tổng kết tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, nhìn lại chặng đường 5 năm và đề ra nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để hoàn thành các mục tiêu phát triển trong năm 2021 cũng như các năm tiếp theo.
 
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu khai mạc Hội nghị. (Ảnh chụp qua màn hình). Ảnh: H.Gia
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu khai mạc Hội nghị. Ảnh: TTXVN
 
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những nỗ lực và thành tựu mà các bộ, ban, ngành, địa phương đạt được trong năm 2020. Với phương châm hành động “Kỷ cương, liêm chính, hành động, trách nhiệm, sáng tạo, hiệu quả” và với 138 nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, 49 nhiệm vụ cải thiện môi trường kinh doanh năm 2020 là năm thử thách chưa từng có đối với Chính phủ để đạt kết quả cao hơn các năm trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra và thiên tai, bão lũ hoành hành dữ dội. Dù vậy, trên tinh thần “khó khăn gấp đôi thì chúng ta cố gắng gấp ba”, năm 2020 được xem là năm thành công nhất của nước ta trong 5 năm qua về ý chí vươn lên, tinh thần vượt khó trong mọi khó khăn, thử thách.
 
Thủ tướng Chính phủ cho rằng, mức độ thành công được xác định không chỉ bởi thành tựu chúng ta đã đạt được mà bởi cả những trở ngại đất nước đã vượt qua. Năm 2020, Việt Nam đã làm những việc mà thế giới khâm phục đó là thực hiện thành công “mục tiêu kép”, là một điển hình khống chế dịch Covid-19 của thế giới và đạt mức tăng trưởng dương (2,91%, thuộc nhóm cao nhất thế giới). Quan trọng hơn, Việt Nam đã duy trì được nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát dưới ngưỡng 4%. Trong bối cảnh khó khăn toàn cầu, chuỗi cung ứng quốc tế đứt gãy, kim ngạch xuất nhập khẩu của nước ta vẫn đạt mức kỷ lục 543,9 tỷ USD, xuất siêu hơn 19 tỷ USD. Việt Nam đã đảm nhận thành công vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 với số lượng văn kiện được thông qua lớn nhất từ trước đến nay; ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) có quy mô lớn nhất thế giới. Thành quả đó đã được các tổ chức quốc tế hàng đầu ghi nhận, với sự thăng tiến của các bảng xếp hạng cũng như những dự báo tốt hơn về triển vọng phát triển Việt Nam.
 
Kết quả năm 2020 càng có thêm ý nghĩa khi chúng ta tổ chức thành công nhiều sự kiện trọng đại của đất nước, như: kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng; 75 năm Ngày thành lập nước, 45 năm Chiến thắng 30-4, 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và tổ chức thành công Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
 
Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Đắk Lắk
Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Đắk Lắk.
 
Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương nhằm triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 dự kiến diễn ra trong 1,5 ngày, sẽ tập trung xem xét, thảo luận các Báo cáo về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 và 5 năm 2016 - 2020; dự kiến phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới; kiểm điểm công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ năm 2020 và 5 năm 2016 - 2020; kết quả cải cách thủ tục hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử và hoạt động của Tổ công tác của Thủ tướng năm 2020 và 5 năm 2016 - 2020 phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ…
 
Hội nghị cũng xem xét Báo cáo đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 và đề xuất, kiến nghị giải pháp hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp đến năm 2025, tầm nhìn 2030; Báo cáo kết quả thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng năm 2020; Báo cáo công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và đấu tranh phòng, chống tham nhũng năm 2020; Báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết số 17/NQ-CP về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử 2019 - 2021, định hướng 2025…
 
Khả Lê
 

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.