Multimedia Đọc Báo in

Năm 2021, ngành kế hoạch và đầu tư xác định 12 nhiệm vụ trọng tâm

17:39, 08/01/2021
Chiều 8-1, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) Nguyễn Chí Dũng đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ 5 năm 2016 – 2020 và triển khai các nhiệm vụ trọng tâm năm 2021.
 
Tham dự hội nghị tại điểm cầu Đắk Lắk có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Y Giang Gry Niê Knơng cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành hữu quan của tỉnh.
 
Theo báo cáo tại hội nghị, trong 5 năm 2016 – 2020, Bộ KH-ĐT đã triển khai toàn diện các mặt công tác về xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật; xây dựng, điều hành thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, đầu tư công; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; đổi mới sáng tạo, xây dựng các mô hình kinh tế mới và chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư…
 
Các đề án, báo cáo, kiến nghị tham mưu của Bộ đều nhất quán quan điểm đổi mới của Đảng và Nhà nước, luôn lấy người dân và doanh nghiệp làm đối tượng ưu tiên phục vụ, tập trung tháo gỡ khó khăn, khuyến khích khởi nghiệp, sáng tạo nhằm tận dụng tối đa các cơ hội phát triển đất nước. Đặc biệt, trong thời gian qua, Bộ KH-ĐT đã theo dõi sát sao, thường xuyên, dự báo phân tích tình hình để kịp thời đề xuất các giải pháp tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong điều hành phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm kế hoạch đề ra trong bối cảnh trong và ngoài nước thường xuyên có nhiều biến động. 
 
Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Đắk Lắk
Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Đắk Lắk.
 
Năm 2021, Bộ KH-ĐT xác định 12 nhiệm vụ trọng tâm, trước hết là tập trung vào thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong các Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, Quốc hội và Chính phủ, nhất là Nghị quyết số 01/NQ-CP, ngày 1-1-2021 của Chính phủ. Tập trung vào các khâu đột phá chiến lược, các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp căn cơ, quan trọng phục vụ thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, đầu tư công gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng…
 
Tại hội nghị, lãnh đạo các vụ, cục của Bộ KH-ĐT đã trình bày một số lưu ý quan trọng trong thực hiện các quy định về thi hành Luật Đầu tư năm 2020, Luật Doanh nghiệp năm 2020, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư. Các đại biểu tham dự hội nghị cũng dành nhiều thời gian để thảo luận và đưa ra các đề xuất, kiến nghị về các vấn đề trọng tâm, nổi bật trong thực hiện nhiệm vụ 5 năm 2016 – 2020 và triển khai các nhiệm vụ năm 2021 như: hoàn thiện cơ chế điều phối phát triển các vùng kinh tế; tiếp tục hoàn thiện và sớm ban hành các quy định, nghị định hướng dẫn thực hiện các luật mới… 
 
Các đại biểu tham dự Hội nghị. (Ảnh chụp màn hình)
Các đại biểu tham dự hội nghị. (Ảnh chụp qua màn hình)
 
Phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, ngành KH-ĐT có vị trí quan trọng trong việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của cả nước. Với những mục tiêu đã xác định, để bắt đầu một giai đoạn mới, nhiệm vụ đặt ra cho ngành KH-ĐT là hết sức nặng nề, đòi hỏi sự nỗ lực tối đa, quyết liệt hành động. Chính vì vậy, Bộ trưởng yêu cầu toàn ngành cần tập trung để tham mưu tốt về công tác xây dựng thể chế, chiến lược, kế hoạch, quy hoạch… phát triển kinh tế - xã hội; thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong các Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, Quốc hội và Chính phủ, nhất là Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 1-1-2021 của Chính phủ; tiếp tục thực hiện linh hoạt, hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới.
 
Bên cạnh đó, cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan trong việc điều hành hiệu quả các chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách khác; tập trung hoàn thành và nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư; quyết liệt thực hiện các giải pháp về đẩy mạnh giải ngân; thu hút có chọn lọc các nguồn lực đầu tư từ bên ngoài; hoàn thiện khung khổ pháp lý cho các loại hình kinh doanh mới; tháo gỡ khó khăn vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm; thúc đẩy các hiệp định thương mại tự do đã ký kết…
 
Khả Lê
 

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.