Multimedia Đọc Báo in

Chứng nhận UTZ Certified - Sức hút đối với người làm cà phê

15:18, 14/04/2010

Canh tác bền vững, sản xuất các sản phẩm có chất lượng cao, an toàn thực phẩm và thân thiện với môi trường là xu thế chung của ngành cà phê thế giới hiện nay. Nắm bắt được nhu cầu này, nhiều nông dân và nhiều doanh nghiệp cà phê ở Việt Nam nói chung và Dak Lak  nói riêng  đã từng bước tiếp cận với các loại hình sản xuất cà phê bền vững. Chứng nhận UTZ Certified  được xem là một trong những viên gạch đầu tiên đặt nền móng cho sự thay đổi này tại Việt Nam.

UTZ Certified là một tổ chức phi chính phủ (NGO), phi lợi nhuận hoạt động trên phạm vi quy mô toàn cầu trong lĩnh vực cấp chứng chỉ sản xuất các sản phẩm cà phê tốt, có trách nhiệm, truy nguyên nguồn gốc, an toàn thực phẩm và bền vững trong 3 lĩnh vực kinh tế - môi trường và xã hội. UTZ Certified đến Việt Nam vào cuối năm 2001 và triển khai công tác chứng nhận vào năm 2002.
Cà phê được chứng nhận theo tiêu chuẩn UTZ Certified, người sản xuất có các giá trị thặng dư nhất định như: ngoài giá cả thị trường, người mua chấp nhận trả thêm giá thưởng theo thỏa thuận để bù đắp các chi phí khi thực hiện chương trình; người nông dân được tập huấn canh tác bền vững, quản lý giá thành hợp lý, năng suất và chất lượng sản phẩm được nâng cao; môi trường sản xuất trong lành, sử dụng hóa chất nông nghiệp có kiểm soát, người lao động được quan tâm nhiều hơn về sức khỏe, an toàn lao động .v.v…
Sau 8 năm có mặt  tại Việt Nam, UTZ Certified đã nhận được sự đồng tình ủng hộ của nhà nước, mà đại diện là Bộ Nông nghiệp, ngành Cà phê Việt Nam (VICOFA), các nhà khoa học tại các trung tâm, viện nghiên cứu. Đặc biệt là sự tham gia của các nhà sản xuất, chế biến, kinh doanh và bà con nông dân tại các tỉnh trồng cà phê, trong đó có Dak Lak địa phương dẫn đầu về đơn vị, diện tích và sản lượng tham gia.

Việc thu hoạch bảo đảm yêu cầu kỹ thuật sẽ góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm cà phê (Ảnh: Nam Sơn)
Việc thu hoạch bảo đảm yêu cầu kỹ thuật sẽ góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm cà phê     Ảnh: Nam Sơn

Công ty Cà phê Phước An  đã có được diện mạo mới kể từ khi tham gia chương trình UTZ Certified vào năm 2005. Chương trình này được xem như kim chỉ nam cho hành trình bước vào hội nhập của Công ty. Những thay đổi đó bắt đầu từ việc sản xuất trên nương rẫy. Người nông dân, công nhân lao động được trang bị kiến thức khoa học kỹ thuật một cách  bài bản hơn để có một vườn cà phê tốt, bảo đảm về chất lượng nhưng vẫn đạt sản lượng như mong muốn, hạ giá thành sản phẩm. Đặc biệt người sản xuất trực tiếp trên nương rẫy đã chú ý đến việc hái quả chín đạt tỷ lệ cao, để giúp cho công đoạn sản xuất chế biến ướt của Công ty bảo đảm yêu cầu. Từ những công đoạn sản xuất, Công ty cũng đã mạnh dạn đầu tư gần 40 tỷ đồng để xây dựng hệ thống dây chuyền sản xuất khép kín, bắt đầu từ khâu chế biến ướt, phơi sấy khô, xay xát, phân loại, đánh bóng cho đến khi vào bao thành phẩm. Việc đầu tư máy móc hiện đại đã giúp cho Công ty hạn chế tối đa lao động chân tay, và trên hết là người lao động được làm việc trong điều kiện tốt nhất. Ông Phạm Ngọc Tuấn - Phó GĐ Công ty Cà phê Phước An cũng cho biết: Từ chỗ đăng ký tham gia chương trình UTZ Certified với diện tích khá khiêm tốn, đến nay Công ty đã đăng ký 1.500 ha cà phê; trong đó diện tích sở hữu là 1000 ha, liên kết trong dân 500 ha với sản lượng đăng ký bán là 3.500 tấn. Tuân thủ đầy đủ những yêu cầu của bộ quy tắc, 4 năm liên tục Công ty Cà phê Phước An đều được cấp chứng nhận của UTZ Certified. Và chứng nhận này đã giúp Công ty được hưởng giá thưởng hàng tỷ đồng, thu nhập của người lao động vì thế cũng được tăng cao.
Với Công ty TNHH Một thành viên Xuất nhập khẩu 2-9, một trong những đơn vị xuất khẩu uy tín của Việt Nam, tuy sản phẩm cà phê của Công ty đã có mặt trên 170 quốc gia và vùng lãnh thổ, nhưng đến năm 2009 Công ty cũng đã không bỏ qua cơ hội để có được sản phẩm cà phê chứng nhận bởi UTZ Certified. Trao đổi với chúng tôi, anh Lê Đức Huy - Trợ lý tổng giám đốc, Phó trưởng Ban cà phê bền vững - Công ty TNHH Một thành viên Xuất nhập khẩu 2-9 cho hay: Mặc dù không có vùng nguyên liệu, nhưng Công ty đã liên kết với 951 hộ dân thuộc địa bàn TP.Buôn Ma Thuột, các huyện Krông Năng, Ea Kar và Krông Ana để thực hiện. Dù là bước khởi đầu mới, nhưng Công ty cũng đã nhanh chóng tiếp cận với người trực tiếp sản xuất.
Được biết đến cuối tháng 12-2009, UTZ Certified đã chứng nhận được 28 đơn vị sản xuất, chế biến xuất khẩu cà phê  trong cả nước. Tổng sản lượng chứng nhận là 93.000 tấn. Trong đó, Dak Lak có 12 đơn vị tham gia, với  diện tích 11.500 ha, thu hút 9.600 hộ trồng cà phê vào cuộc. Sản lượng bán cà phê chứng nhận năm 2009 cũng tăng từ 15.000 tấn vào năm 2008 lên gần 20.000 tấn vào năm 2009, chiếm gần 40% sản lượng chứng nhận, tiền thưởng được các nhà thương mại trả thêm trên số sản phẩm này trên dưới 1 triệu USD.
Định hướng chiến lược của UTZ Certified từ năm 2010 đến 2015 là tiếp tục hỗ trợ cho các nhà sản xuất, chế biến xuất khẩu và nông dân trồng cà phê về chứng nhận và tiêu thụ sản phẩm theo nhu cầu thực tế, năng lực sản xuất của các đơn vị tại mỗi địa phương. Tiếp tục tìm kiếm và phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm sau khi đã được UTZ Certified chứng nhận. Theo  ông Nguyễn Văn Thiết - Trưởng đại diện UTZ Certified tại Việt Nam: Tới đây UTZ Certified sẽ cùng sát cánh với ngành cà phê Việt Nam, Bộ Nông nghiệp tham gia như là một thành viên chính thức trong các chương trình nâng cao chất lượng và sản xuất cà phê bền vững; mở rộng sản phẩm chứng nhận không những chỉ dừng lại ở sản phẩm cà phê mà còn phát triển cho ca cao và chè tại Việt Nam. Kế hoạch năm 2010 UTZ Certified sẽ phối hợp với Công ty Cargill, đơn vị thu mua ca cao lớn nhất tại Việt Nam hỗ trợ cho 3 đơn vị tại Dak Lak và 1 đơn vị tại Dak Nông chứng nhận cho sản phẩm ca cao.

Trà Thu

 


Ý kiến bạn đọc