Multimedia Đọc Báo in

Dấu ấn “Bộ đội Trường Sơn” trên Tây Nguyên

10:32, 14/04/2010

Nằm trong đội hình của Bộ Tư lệnh Đoàn 559, vào Mùa Xuân 1975, Sư đoàn 470 đã trực tiếp đánh giặc lập công, dồn sức mở đường, tiếp sức cho những đoàn quân giải phóng Buôn Ma Thuột và  tiến về giải phóng Sài Gòn. Từ đó đến nay, những người lính của Sư đoàn vẫn phát huy truyền thống trên mặt trận mới xây dựng kinh tế kết hợp với quốc phòng, tạo dấu ấn “bộ đội Trường Sơn” trên Tây Nguyên. Nhân kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Sư đoàn 470, Báo Dak Lak đã có cuộc trò chuyện với Đại tá ĐỖ VĂN HẢI, Sư đoàn trưởng, Giám đốc Công ty Xây dựng 470 (thuộc Binh đoàn 12 - Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn) về những bước đi của sư đoàn trong 40 năm xây dựng và trưởng thành.

Công ty Xây dựng 470 thi công đập chính Thủy điện Sêrêpôk 3 (Ảnh: Kiều Bình Định)
Công ty Xây dựng 470 thi công đập chính Thủy điện Sêrêpôk 3               Ảnh: Kiều Bình Định

* Thưa đồng chí, Sư đoàn 470 ra đời trong hoàn cảnh nào và những nhiệm vụ chính của Sư đoàn trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mùa Xuân 1975?

 

- Trước đòi hỏi cấp bách của chiến trường, thực hiện quyết tâm của Trung ương Đảng: đẩy mạnh cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn, ngày 15-4-1970, Sư đoàn 470 được thành lập tại khu rừng Nậm Pa, thuộc tỉnh Atôpơ (miền Nam nước Lào). Đây cũng là đơn vị cấp Sư đoàn đầu tiên thuộc Bộ Tư lệnh 559, gồm nhiều lực lượng, binh chủng hợp thành. Ngay từ những ngày đầu thành lập, sư đoàn đã xác định ngoài nhiệm vụ mở đường còn phải đánh địch, bảo đảm giao thông, vận chuyển, chi viện sức người, sức của cho chiến trường B3, B2, giúp cách mạng Lào, Campuchia. Sư đoàn tổ chức thành nhiều binh trạm, trung đoàn, tiểu đoàn trực thuộc, quân số lúc cao nhất tới hơn 12.000 người. Để góp phần vào chiến thắng của đất nước, hơn 1.200 cán bộ, chiến sĩ của sư đoàn đã ngã xuống. Sau Hiệp định Pari, các lực lượng của sư đoàn đã “lật cánh” nhanh, từ phía Tây sang Đông Trường Sơn và trở thành sư đoàn công binh chiến lược thực hiện khôi phục, xây dựng cơ bản các tuyến đường. Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mùa Xuân 1975, các đơn vị đã cơ động bám sát đội hình chiến đấu, đảm bảo giao thông trên 4 trục đường chính là Quốc lộ 14, 19, 13 và 21 để phục vụ chiến dịch. Đặc biệt, đêm mùng 9 rạng ngày 10-3, chỉ trong 8 giờ Trung đoàn 575 đã bí mật mở 25 km đường rừng cho xe tăng ta tiếp cận vào giải phóng Buôn Ma Thuột. Các Trung đoàn 4, Trung đoàn 574, Trung đoàn 551, Trung đoàn 29B tham gia chiến đấu, tổ chức lực lượng tiếp quản các thị xã Buôn Ma Thuột, Pleiku, Kon Tum; truy quét tàn quân địch, tháo gỡ bom mìn, bắc cầu làm ngầm cho các đơn vị tiến vào giải phóng Sài Gòn; diệt và bắt sống hơn 1.200 tên địch, thu nhiều chiến lợi phẩm; quản lý giáo dục hơn 8.000 tù binh.

Công ty Xây dựng 470 thi công đập chính thủy điện Sêrêpôk 3
Công ty Xây dựng 470 thi công đập chính Thủy điện Sêrêpôk 3

* Sau giải phóng, Sư đoàn vừa làm kinh tế kết hợp với quốc phòng. Đồng chí có thể điểm qua những công trình mang dấu ấn “bộ đội Trường Sơn” trên đất Tây Nguyên?

Công ty 470 đã tham gia xây dựng hơn 160 công trình trên địa bàn Tây Nguyên, miền Trung và Đông Nam Bộ... trong đó có nhiều công trình trọng điểm cấp Nhà nước như: Đường dây tải điện 500KV Bắc-Nam, Thủy điện Ya Ly, Sông Hinh, Buôn Kuốp, Buôn Tuar Sah, Sêrêpôk 3, đường Đông và Tây Trường Sơn...
Hiện nay công ty có đầy đủ khả năng tham gia xây dựng các công trình lớn về giao thông, thủy lợi, thủy điện... Giá trị doanh thu hằng năm của công ty đạt mức tăng trưởng từ 30% đến 45%.

- Từ sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, các đơn vị trên tuyến đường Hồ Chí Minh lần lượt rời khỏi Trường Sơn, chỉ còn Sư đoàn 470 vẫn tiếp tục bám trụ trên Tây Nguyên, làm nhiệm vụ xây dựng kinh tế kết hợp với quốc phòng, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ địa bàn. Sư đoàn luôn nhận và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ xây dựng những công trình ở những nơi khó khăn gian khổ, trong hoàn cảnh thiếu thốn như: hệ thống giao thông trục dọc và ngang ở Tây Nguyên; thủy điện Đray H’linh (Dak Lak) có công suất 12MW, Vĩnh Sơn (Bình Định) có công suất 66MW, Sông Hinh (Phú Yên) công suất 70MW, Yaly (Gia Lai) công suất 720MW  và trực tiếp đảm nhận thi công toàn bộ 20 km đường dây tải điện 500 KV đoạn từ bắc huyện Krông Buk đến nam huyện Ea H’leo (Dak Lak), cùng một số công trình thủy lợi ở Tây Nguyên. Từ năm 1989, thực hiện chuyển đổi cơ chế sang hạch toán độc lập, Sư đoàn 470 có tên doanh nghiệp là Công ty Xây dựng 470, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, tự hạch toán kinh doanh. Trong 5 năm trở lại đây, bằng uy tín, năng lực của mình, Sư đoàn 470-Công ty Xây dựng 470 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thi công những công trình thủy điện lớn trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên như: Buôn Kuốp (công suất 280MW); Buôn Tua Srah (công suất 86MW), Sêrêpôk 3 (công suất 220MW) và Dak R’Tih (công suất 144MW). Các hạng mục mà Sư đoàn 470 đảm nhận thi công hầu hết là những hạng mục đầu mối rất quan trọng, có khối lượng công việc lớn và mang tính quyết định tiến độ thi công toàn bộ công trình. Bên cạnh đó, đơn vị còn tham gia xây dựng những công trình quan trọng của quốc gia như đường Hồ Chí Minh, đường Đông Trường Sơn, đường Tuần tra biên giới, nâng cấp các sân bay Buôn Ma Thuột, Nha Trang, Liên Khương và Pleiku.

Công ty Xây dựng 470 hỗ trợ gạo cho bà con nghèo ở tỉnh Dak Lak
Công ty Xây dựng 470 hỗ trợ gạo cho bà con nghèo ở tỉnh Dak Lak

*Thưa đồng chí, những yếu tố gì đã giúp Sư đoàn 470 - Công ty Xây dựng 470 đứng vững và phát triển?
- Chúng tôi luôn nhận thức rõ Tây Nguyên là địa bàn hiện còn rất nhiều tiềm năng. Chắc chắn sẽ có thêm nhiều công trình giao thông, thủy điện, thủy lợi được đầu tư vào khu vực này và doanh nghiệp sẽ có cơ hội phát triển hơn nữa.

Nhà máy thủy điện Đray H’linh
Nhà máy thủy điện Đray H’linh

Đối với Công ty Xây dựng 470, những yếu tố giúp tồn tại và phát triển chính là: công tác quản lý, nguồn nhân lực (đặc biệt là đội ngũ kỹ sư), yếu tố khoa học công nghệ và máy móc thiết bị. Để có lợi nhuận, doanh nghiệp còn phải khẳng định được bằng chất lượng công trình, giữ uy tín thương hiệu doanh nghiệp. Tuy nhiên chúng tôi là một trong những doanh nghiệp quân đội, vì vậy tính kỷ luật trong kinh doanh cũng là yếu tố được coi trọng...
* Xin cảm ơn đồng chí!

Thiết Hùng - Bình Định (thực hiện)


Ý kiến bạn đọc