Multimedia Đọc Báo in

Dấu chân người lính trên những công trình

01:39, 30/04/2010

Phát huy bản chất “Bộ đội Cụ Hồ”, những người lính lại tiếp tục tiên phong trên mặt trận mới – làm kinh tế, sẵn sàng đương đầu với bao khó khăn, vất vả để góp phần xây dựng quê hương Dak Lak ngày càng giàu đẹp.

Lính thợ Công ty 470 đang thi công đập chính Thủy điện Sêrêpôk 3.
Lính thợ Công ty 470 đang thi công đập chính Thủy điện Sêrêpôk 3.
Có lẽ, một trong những đơn vị bộ đội gắn bó và đóng góp nhiều nhất cho sự phát triển của tỉnh Dak Lak là Công ty Xây dựng 470 (Binh đoàn 12, Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn). Hầu hết những công trình trọng điểm, nhất là giao thông, thủy điện phục vụ phát triển kinh tế gắn với củng cố quốc phòng trên địa bàn đều có sự đóng góp của đơn vị này. Thủy điện Dray H’linh (xã Hoà Phú, TP. Buôn Ma Thuột), có công suất thiết kế 12.000KW là công trình thủy điện lớn nhất Tây Nguyên vào giữa thập niên 80 là một ví dụ. Lúc bấy giờ, làm thủy điện ở Tây Nguyên là lĩnh vực còn quá mới mẽ nên nhiều đơn vị đã lắc đầu ngay từ giai đoạn khảo sát, trong khi đó, những người lính của Công ty Xây dựng 470 đã sẵn sàng nhận nhiệm vụ tổng thầu công trình dù biết là rất nặng nề. Công trường thi công toàn là đá, từ đào hố móng nhà máy sâu hơn 22m đến đắp đập tràn dài trên 800m đều thi công trên nền đá. Đã vậy, phương tiện làm việc chẳng có gì ngoài chiếc máy ủi cũ kỹ và một số máy trộn bê tông, khoan đá công suất nhỏ. Chưa kể, việc khai thác nguyên liệu phục vụ thi công, những người lính thợ ở đây phải lên thượng nguồn Sêrêpôk, lặn xuống lòng sông để múc từng thúng cát. Trong điều kiện làm việc gần như chủ yếu bằng thủ công, đầy khó khăn, vất vả, những người lính thợ  đã có sáng kiến cải tiến máy hút bùn thành hút cát, mỗi máy có thể thay thế được 70 người hụp lặn múc cát; ứng dụng chất phụ gia vào đổ bê tông đã tiết kiệm được 545 tấn xi măng… Sau hơn 2.000 ngày đêm lao động cật lực, cán bộ, chiến sỹ Công ty đã hoàn thành toàn bộ các hạng mục công trình, góp phần đưa dòng điện Dray H’linh hòa vào mạng lưới điện quốc gia. Chưa hết, những người lính thợ Công ty 470 còn góp sức trong nhiều công trình quan trọng khác trên địa bàn tỉnh như trực tiếp đảm nhận thi công toàn bộ 20km đường dây tải điện 500KV (đoạn từ Bắc huyện Krông Buk đến Nam huyện Ea H’leo) và hầu hết các hạng mục đầu mối quan trọng, có khối lượng lớn, mang tính quyết định đến tiến độ cả công trình của các thuỷ điện Buôn Kuốp, Buôn Tua Srah, Sêrêpôk 3…
Lãnh đạo Công ty Cà phê 15 hướng dẫn quy trình chăm sóc cây cao su.
Lãnh đạo Công ty Cà phê 15 hướng dẫn quy trình chăm sóc cây cao su.
Cũng là một đơn vị kinh tế của quân đội, cán bộ, chiến sĩ Công ty cà phê 15 (Quân khu V, trú chân địa bàn xã Cư Dliê M’nông, huyện Cư M’gar) đã đóng góp sức người, sức của cho địa phương theo cách khác, đó là xây dựng mô hình làm kinh tế mẫu và hỗ trợ đồng bào trong sản xuất. Đại tá Nguyễn Công Đoàn, Phó Giám đốc Công ty cho hay, những ngày đầu tiên đặt chân đến những vùng đồi trọc khai hoang, vỡ đất rất khó khăn, vất vả. Địa bàn rộng, không có dân cư sinh sống, trong khi đó đơn vị chỉ có 200 lao động, phương tiện máy móc thiếu thốn trăm bề, nhưng với tinh thần đoàn kết, không ngại khó khăn, đơn vị đã hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc. Tất cả các khâu từ mở đất, trồng cây cho đến thu hoạch, đều do bàn tay của người lính làm nên. Đến nay, Công ty trực tiếp quản lý trên 1.600 ha cây trồng các loại thuộc địa bàn các huyện Krông Pak, Cư Kuin, Cư M’gar, Thị xã Buôn Hồ (Dak Lak), Dak Glong (Dak Nông) và Ya Grai (Kon Tum). Trong đó, diện tích cà phê gần 894 ha, cao su 327 ha, kinh tế vườn hộ khoảng 300 ha (chủ yếu cây ngắn ngày). Những nơi hoang hóa, khi có bàn chân người lính đi qua đều trở thành vùng đất giàu tiềm năng, thu hút nhiều người đến cùng lao động, sản xuất và an cư lạc nghiệp. Hiện công ty có 7 khu dân cư ổn định, sơ sở hạ tầng cơ bản hoàn chỉnh với hệ thống nhà trẻ, trường mẫu giáo, đường giao thông… Không dừng lại ở đó, Công ty cà phê 15 còn xây dựng mô hình mẫu về kinh tế-xã hội để nhân dân trên địa bàn học tập, làm theo, từ đó nhân ra nhiều mô hình kinh tế hộ trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Người dân các xã Cư Pơng, Ea Ngai (Krông Buk), Cư Dliê M'ông, Ea Tar, Ea Kiết (Cư M’gar)… kể rằng, từ nhiều năm nay, Công ty thường xuyên hỗ trợ cho bà con phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, đẩy lùi dịch bệnh, xóa mù chữ. Bộ đội về buôn làng, xuống từng hộ dân, vừa làm vừa hướng dẫn bà con kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi. Khi bà con thiếu đói, Công ty hỗ trợ gạo và mua giống cây trồng cấp không cho bà con, hoặc thường xuyên cử cán bộ chuyên môn về buôn làng khám, chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí. Sản xuất gắn với xây dựng địa bàn trên cơ sở thu hút lao động tại chỗ, tạo công ăn việc làm cho quân nhân xuất ngũ là mục tiêu trọng tâm của đơn vị. Theo đó,  nhiều quân nhân đã có việc làm ổn định, thu nhập cao sau khi nhận đất giao khoán của công ty. Anh Phan Văn Lạc, công nhân đội 5 tâm sự, nếu không được làm ở công ty thì gia đình anh sẽ không có đất sản xuất, cái nghèo sẽ đeo bám suốt đời, anh Nguyễn Công Sáu, công nhân đội 6 rất phấn khởi vì đã thoát nghèo sau 2 năm làm việc tại công ty…

Dak Lak đã và đang phát triển mạnh mẽ. Trong thành quả này có một phần đóng góp quan trọng của những người lính Công ty xây dựng 470, Công ty cà phê 15.

 

Lê Ngọc – Hoàng Tuyết

 


Ý kiến bạn đọc