Multimedia Đọc Báo in

Xu thế tiếp thị trên mạng xã hội

11:06, 14/04/2010

Mạng xã hội đang thực sự trở thành mảnh đất màu mỡ và có sức hút lớn đối với những người làm tiếp thị 

Trong buổi diễn thuyết vừa qua tại TPHồ Chí Minh, GS John Quelch - Phó hiệu trưởng trường Kinh doanh Harvard cho biết, đã có những bước chuyển dịch về tiếp thị số khi các khoản chi cho tiếp thị trên các phương tiện truyền thông xã hội trên mạng tăng từ 1,5 tỉ USD năm 2008 lên mức dự kiến 3,9 tỉ USD năm 2010. Ông cũng đưa ra ví dụ cho thấy, Facebook chỉ mất 5 năm để tiếp cận 150 triệu người. Trong khi đó, truyền hình phải mất tới 38 năm. Hay như nhãn hiệu Dove đã thu hút được 3 triệu lượt truy cập trong vòng 3 tháng kể từ khi tung một đoạn quảng cáo dài hơn một phút về việc làm đẹp của một cô gái trên You Tube. Như vậy, mạng xã hội đã thực sự trở thành mảnh đất màu mỡ và có sức hút lớn đối với những người làm tiếp thị. Các hoạt động tiếp thị trên mạng xã hội có thể chia thành hai nhóm chính. Nhóm thứ nhất là những quảng cáo mang tính truyền thống như banner. Chủ yếu các quảng cáo ở nhóm này lợi dụng việc các mạng xã hội hiện là nơi tập trung nhiều người dùng nhất trên Internet (6 trong top 10 các trang web được vào nhiều nhất trên thế giới là các mạng xã hội). Việc đưa các quảng cáo truyền thống lên mạng xã hội còn có lợi thế hơn hẳn các kênh truyền thống khác ở chỗ, mạng xã hội với đặc trưng lưu giữ rất nhiều dữ liệu cá nhân của người dùng nên có thể cho phép các quảng cáo hướng chính xác đến đối tượng tiềm năng. Ví dụ, chúng ta có thể hướng một quảng cáo về ô tô du lịch hạng sang đến các đối tượng đang sống ở các thành phố lớn, tuổi từ 30 trở lên, học vấn đại học trở lên…Đặc sắc hơn, ở trên mạng xã hội có thể áp dụng các hình thức viral marketing (quảng cáo truyền khẩu) là loại quảng cáo có hiệu quả rất cao. Ở các kênh tiếp thị truyền thống, người tiêu dùng có cảm giác mình đang bị các công ty quảng cáo “dụ dỗ” để mua sản phẩm, dịch vụ của họ. Tuy nhiên, với viral marketing, người tiêu dùng thấy thông điệp đó được mang đến cho mình bởi những người tiêu dùng khác nên rất dễ chấp nhận. 90% dân Mỹ tin tưởng vào những thông tin truyền miệng trên các mạng xã hội như Facebook, Myspace…, kế đến là những website - chiếm 70%, trong khi đó quảng cáo trên truyền hình chỉ chiếm 45%. Hiện có thể thấy rất nhiều thông điệp quảng cáo kiểu này trên You Tube (các video quảng cáo, thường được làm rất vui nhộn) hay Facebook, Myspace (ví dụ các nhóm fan club của các nghệ sĩ).

Mặc dù được đánh giá là một kênh tiếp thị mang lại hiệu quả cao và được rất nhiều doanh nghiệp trên thế giới ứng dụng, nhưng đến nay, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn đang tụt hậu khá xa so với các nước trong khu vực về sử dụng tiếp thị trên mạng xã hội. Thông thường các đơn vị này mới chỉ dừng lại ở quảng cáo truyền thống (treo banner) và chút ít viral marketing theo kiểu lập fan club cho một nhãn hàng nào đó. Hiện vẫn chưa có một con số cụ thể nào đo lường tiếp thị trên mạng xã hội của các doanh nghiệp Việt Nam, nhưng nói chung quảng cáo trên Internet của Việt Nam vẫn chỉ chiếm chưa tới 2% tổng ngân sách quảng cáo hàng năm của các công ty, trong khi con số đó trong khu vực là 12%, Mỹ là 20%, Anh có thể lên tới 30 - 40%. Hiện cũng đã có một số khách hàng sử dụng viral marketing và bước đầu mang lại kết quả tốt. Ví dụ một hãng nhập khẩu phim đã mở fan club trên tamtay.vn để qua đó quảng cáo cho bộ phim họ sắp đem về hoặc đang chiếu. Các thành viên trong nhóm hoạt động rất sôi nổi và gây sự chú ý lớn tới cộng đồng của tamtay. Ngoài ra cũng có một số khách hàng đã sử dụng tiếp thị qua blog hoặc ảnh khá hiệu quả. Nhưng nói chung các doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn khá bỡ ngỡ trước mô hình viral marketing.

Tiếp thị đòi hỏi sự nhạy bén, đáp ứng nhanh với những chuyển dịch trong hành vi của người tiêu dùng. Mạng xã hội và các hình thức tiếp thị trên đó đang là chủ đề nóng nhất trong ngành tiếp thị trên thế giới. Những người làm tiếp thị Việt Nam nên nhìn xa hơn đến xu thế toàn cầu, học hỏi từ kinh nghiệm các nước trong khu vực, nhất là những nước có điều kiện gần giống với Việt Nam như Trung Quốc. Các doanh nghiệp cũng có thể dành thời gian tham gia một số mạng xã hội để hiểu cách một thông điệp trên đó đến với người tiêu dùng như thế nào để có những hướng tiếp thị phù hợp. Một khi đã có kinh nghiệm quốc tế, hiểu được tâm lý người dùng mạng xã hội Việt Nam, chắc chắn các doanh nghiệp sẽ tìm được nhiều ý tưởng tiếp thị mới với hiệu quả cao hơn nhiều so với quảng cáo truyền thống. Công đoạn thực hiện tiếp thị trên mạng xã hội rất đơn giản bởi hầu hết các mạng này đều cung cấp rất nhiều phương tiện làm marketing như chia sẻ hình ảnh, video, blog, tạo nhóm, sự kiện… Điều đặc biệt là hầu hết các công đoạn quảng bá này chi phí đều gần như bằng không vì mạng xã hội không tính phí khi người dùng đưa nội dung lên. Đối với những doanh nghiệp chưa hề có kinh nghiệm về marketing trên mạng xã hội thì cũng có thể thông qua một công ty quảng cáo chuyên về online. Ở Việt Nam hiện nay cũng đã xuất hiện những công ty như vậy, ví dụ như Admax hay Vietad.

Có thể nói, mạng xã hội là cánh cửa không giới hạn để đến với cộng đồng mạng ngày một đông đảo. Các doanh nghiệp Việt Nam hãy đừng bỏ lỡ thêm nữa cơ hội mở cánh cửa lớn, từ một cái click chuột.

Theo DĐDNO


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.