Multimedia Đọc Báo in

Giấc mơ “Bò thịt Ea Kar”

15:21, 17/05/2010
Vài năm trở lại đây, việc nuôi vỗ béo bò thịt ở huyện Ea Kar đã thành nghề, giúp người nông dân đổi đời. Và giấc mơ “Bò thịt Ea Kar” sẽ trở thành  thương hiệu của huyện này đã không còn xa...
Thương binh Nguyễn Đổng nuôi con học đại học nhờ nghề nuôi bò vỗ béo.
Thương binh Nguyễn Đổng nuôi con học đại học nhờ nghề nuôi bò vỗ béo.
Nghề nuôi bò
Ông Nguyễn Văn Thu (Chủ tịch Hiệp hội Bò Ea Kar) lam lũ với ruộng vườn mấy chục năm mà “nghèo vẫn hoàn nghèo”. Năm 1998, ông đã quyết định chuyển hướng sang chăn nuôi và mua hai con bò thịt nuôi vỗ béo bán cho thương lái trong vùng. Thấy hiệu quả, ông lại vay vốn mua thêm mấy con bò nữa để nuôi. Từ đó, đàn bò đã giúp ông nuôi con ăn học đại học và xây nhà mới. “Không riêng mình tôi đâu, trong xã này cũng có nhiều người đổi đời nhờ nuôi bò thịt đó. Bây giờ, nuôi bò vỗ béo đã thành nghề ở huyện này rồi”, ông Thu tâm sự. Nghề nuôi bò vỗ béo không khó và rất nhanh thu hồi vốn vì theo ông Thu nó không đòi hỏi nhiều về kỹ thuật. Người dân thường mua những con bò thịt giống tốt khoảng 200kg (giá 10 triệu đồng), đem về nuôi vỗ béo khoảng 4-5 tháng, khi đạt khoảng 400kg thì bán với giá 15 triệu đồng. Trừ chi phí thức ăn, bình quân mỗi tháng nhà nông lãi  khoảng 600.000đ/con. Trong khi đó, thức ăn cho bò cũng không khó kiếm vì chủ yếu là cỏ, tinh bột và phế phẩm nông nghiệp.
Như để chứng minh điều này, ông Thu đã dẫn chúng tôi đi gặp những nhà nông đổi đời từ nghề nuôi bò vỗ béo. Đi đến đâu, chúng tôi cũng bắt gặp những ngôi nhà mới xây khang trang, những câu chuyện thoát nghèo và làm giàu nhờ nuôi bò. Đó là thương binh Nguyễn Đổng (75 tuổi, ở thôn Chư Cúc, xã Ea Kmút) có thâm niên hơn 20 năm trong nghề nuôi bò vỗ béo để trang trải chi phí cho 5 người con ăn học đại học. Đã bước sang cái tuổi “xưa nay hiếm”, vợ chồng ông Đổng cùng với người con trai út vẫn nuôi vỗ béo 10 con bò. Rồi anh Ama Nhoen (ở buôn Gà, xã Ea Kmút), vốn quanh năm thiếu ăn nhưng bây giờ đã thoát nghèo nhờ nuôi bò. Còn chị Phan Thị Nguyệt (ở xã Ea Pal), nuôi bò vỗ béo nhanh đến nỗi chỉ sau 3 tháng đã bán được 2 con bò với giá 29 triệu đồng. Ông Thu cho biết, bây giờ trong huyện đã có 3 xã “chuyên nghiệp hóa” về nghề nuôi bò là Ea Kmút, Ea Pal và Ea Đar. Cũng từ đó, cuối năm 2009, Hiệp hội Bò Ea Kar được thành lập. Hiện nay, hiệp hội có 35 hội viên; với số bò nuôi vỗ béo khoảng 150 con. Ở mỗi xã, hiệp hội có một cụm trưởng theo dõi sự phát triển đàn bò của các hội viên. Trong hiệp hội còn có một người phụ trách kỹ thuật và một người chuyên giết mổ bò cho thương lái đem đi tiêu thụ ở Nha Trang, Đà Lạt và TP. Hồ Chí Minh.
“Giấc mơ” không còn xa
Nhiều người dân ở huyện Ea Kar được đổi đời nhờ nghề nuôi bò thịt.
Nhiều người dân ở huyện Ea Kar được đổi đời nhờ nghề nuôi bò thịt.

Tuy nhiên, cũng như nhiều loại nông sản và hàng hóa khác, thị trường tiêu thụ là khâu khó khăn trong phát triển chăn nuôi bò thịt. Đặc biệt, mua - bán bò lại có khó khăn đặc thù là mua bán theo hình thức "mua hình, bắt bóng", người bán và người mua tự ước lượng và định giá con bò theo kinh nghiệm. Vì thế, người chăn nuôi thường bị thiệt do phụ thuộc vào thương lái. Không để nông dân loay hoay với đầu ra, từ năm 2005, Phòng NN-PTNT huyện đã đưa ra hình thức phát triển chăn nuôi kết hợp giữa nông dân và thương lái đã được hình thành. Ông Nguyễn Văn Hà (Trưởng phòng NN-PTNT huyện Ea Kar) cho biết: Vào năm 2009, Trạm khuyến nông huyện và Câu lạc bộ khuyến nông chăn nuôi bò thịt của xã Ea Kmút liên kết với gần 30 thương lái hỗ trợ vốn, khoa học kỹ thuật, con giống ban đầu cho các hộ nghèo trên địa bàn huyện. Thương lái đầu tư mua con giống, còn trạm  hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc đàn bò cho các hộ nông dân. Khi bán, thương lái thu lại tiền giống, phần còn lại được chia theo thỏa thuận giữa hai bên. Nhờ đó, nông dân đã được tiếp cận với nhu cầu của thị trường và được hướng dẫn kỹ thuật, định hướng phát triển để có những sản phẩm phù hợp. Đã có hơn 1.000 hộ dân thuộc 3 xã Ea Kmút, Ea Đar, Ea Pal được hưởng lợi từ mô hình này. Trung bình mỗi năm, các hộ trên vỗ béo được khoảng 20.000 con bò thịt, thu lãi hàng trăm triệu đồng. Điều đó đã thúc đẩy mô hình nuôi bò lai vỗ béo phát triển mạnh trên địa bàn huyện, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho bà con.
Từ năm 2001 đến nay, huyện còn liên kết với Trường Đại học Tây Nguyên hỗ trợ kỹ thuật và lập các mô hình chăn nuôi hiệu quả. Có gần 3.000 hộ nông dân tham gia thực hiện dự án vỗ béo bò bằng hình thức chuyển đổi vườn cà phê kém hiệu quả sang trồng cỏ để chăn nuôi bò, nâng cao lợi nhuận sản xuất từ 4-8 lần/1ha đất canh tác. Nhiều chương trình cải tạo đàn bò thịt theo hướng loại thải bò nội kém chất lượng như: “Zê bu hóa đàn bò”, “Cải tạo đàn bò bằng thụ tinh nhân tạo”… đã được thực hiện. Đồng thời, huyện thực hiện chương trình phối tinh nhân tạo và nhân giống trực tiếp bằng bò đực giống thuần với bò cái nền địa phương. Chỉ sau 10 năm (1999 - 2009), tỷ lệ bò lai của huyện từ 7% được nâng lên 40% trong tổng đàn. Vì thế, đến nay đàn bò của huyện đã tăng từ 12.000 con (năm 2.000) lên gần 35.000 con.
Thế nhưng, nghề nuôi bò của nhà nông huyện Ea Kar không dừng lại ở đó, mà xa hơn đó là giấc mơ cho một thương hiệu “Bò thịt Ea Kar”. Giấc mơ đó đã không còn xa nữa vì huyện đã gửi hồ sơ đề nghị Cục Sở hữu trí tuệ (trực thuộc Bộ KH-CN) đăng ký nhãn hiệu “Bò thịt Ea Kar”. Như vậy, trong tương lai không xa, “Bò thịt Ea Kar” sẽ là một thương hiệu… 
Công Hoan

Ý kiến bạn đọc