Multimedia Đọc Báo in

Sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn với lợi ích nông hộ

09:40, 16/06/2010
Hướng đến mục tiêu phát triển bền vững ngành cà phê, những năm qua nhiều dự án sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn quốc tế đã được triển khai trên địa bàn tỉnh, trong đó lợi ích người trồng cà phê được đặc biệt chú trọng.
Sản xuất có trách nhiệm
Hiện trên địa bàn tỉnh đang triển khai 4 chương trình chứng nhận cà phê (CNCP) theo tiêu chuẩn quốc tế, đó là  UTZ Kapeh, Bộ quy tắc ứng xử chung cho cộng đồng cà phê (4C), Liên minh Rừng mưa và Thương mại công bằng. Ngoài ra, Công ty cà phê Trung Nguyên là doanh nghiệp cà phê đầu tiên trong nước được cấp chứng nhận Europ Gap, một tiêu chuẩn an toàn và chất lượng của Hiệp hội sản phẩm các nhà bán lẻ EU. Tuy nội dung, phương thức thực hiện khác nhau nhưng các chương trình đều có chung tiêu chí sản xuất cà phê trách nhiệm, hài hòa lợi ích kinh tế, môi trường, văn hóa, xã hội.
Nông dân huyện Cư M’gar sản xuất cà phê sạch.
Nông dân huyện Cư M’gar sản xuất cà phê sạch.

UTZ Kapeh được xem là chương trình chứng nhận cà phê hàng đầu ở Dak Lak cũng như các vùng trồng cà phê trong cả nước. Triển khai từ năm 2001, đến nay toàn tỉnh có 7 doanh nghiệp thực hiện sản xuất cà phê sạch theo tiêu chuẩn UTZ Kapeh với diện tích gần  7.000 ha, sản lượng 15.500 tấn. Các doanh nghiệp tham gia chương trình đã đầu tư đồng bộ theo một quy trình khép kín từ trồng trọt, chăm sóc đến thu hoạch, chế biến, trong đó người trồng cà phê đóng vai trò chủ đạo. Diện tích cà phê được áp dụng tiêu chuẩn UTZ Kapeh hầu như đều do nông hộ thực hiện quy trình dưới sự hỗ trợ, giám sát của doanh nghiệp, như Công ty cà phê Thắng Lợi  hơn 1.200 ha, Công ty cà phê Phước An 500 ha, Công ty Cổ phần cà phê An Giang liên kết với  1.200 hộ  nông dân huyện Krông Năng sản xuất trên 1.800 ha… Điều phối viên UTZ Kapeh tại Việt Nam cho biết: Hằng năm tổ chức UTZ Kapeh cử chuyên gia đến từng hộ nông dân để giám sát từng nội dung như áp dụng đúng quy trình sản xuất cà phê, sử dụng đúng mục khoản lợi nhuận gia tăng từ việc bán sản phẩm được chứng nhận…Trong Chương trình 4C, những nhà kinh doanh xuất khẩu liên kết với nông hộ sản xuất trên diện tích khoảng 7000 ha, đã xây dựng mô hình chuẩn với các nội dung: tập huấn kỹ thuật trồng cà phê bền vững cho nông dân, chuyển giao kỹ thuật tưới nước và bón phân không ảnh hưởng xấu đến môi trường, quản lý dịch hại, kỹ thuật thu hoạch, bảo quản và chế biến sau thu hoạch, kỹ năng tiếp cận thị trường… Các Chương trình Thương mại công bằng, Liên minh Rừng mưa triển khai thí điểm với quy mô nhỏ hơn cũng quan tâm lợi ích nông hộ như buộc những DN kinh doanh có nghĩa vụ phải mua cà phê theo giá do chương trình quy định, giá tăng thêm được sử dụng hoàn toàn cho phúc lợi và phát triển cộng đồng. Như vậy, một khi tham gia vào chương trình, người nông dân không chỉ có trách nhiệm với sản phẩm mình tạo ra mà còn có trách nhiệm đối với lao động mà mình sử dụng cũng như trách nhiệm phát triển cuộc sống gia đình, xã hội. Qua khảo sát cho thấy, các hộ nông dân tham gia đều tỏ ra phấn khởi vì những lợi ích nhiều mặt mà chương trình mang lại. Năm qua, sản phẩm cà phê có chứng nhận được bán với giá cao hơn thị trường trên 50 USD/tấn.

Còn nhiều “rào cản”
Tuy nhiên, chương trình chứng nhận nói chung mới dừng ở mức thí điểm, chưa nhận được sự quan tâm, hưởng ứng tích cực từ phía doanh nghiệp cũng như hộ sản xuất. Tổng diện tích chứng nhận mới hơn 15.000 ha, chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong tổng số 180.000 ha cà phê toàn tỉnh, hơn nữa, chương trình chủ yếu do doanh nghiệp liên kết thực hiện, trong khi 85% diện tích cà phê của tỉnh thuộc sở hữu nông hộ. Tại Hội thảo chứng nhận cà phê và sản phẩm công nghiệp do Sở Khoa học - Công nghệ phối hợp với Dự án Star Việt Nam tổ chức tại TP. Buôn Ma Thuột vào cuối năm 2009, vấn đề này đã được các đại biểu là chuyên gia cà phê trong và ngoài nước, các doanh nghiệp kinh doanh cà phê và các hộ tham gia chương trình sản xuất cà phê chứng nhận trên địa bàn tập trung bàn luận. Nhiều đại biểu cho rằng, việc áp dụng các quy trình sản xuất bền vững và thân thiện với môi trường mới dừng ở mức khuyến khích chứ chưa được lồng ghép với các hoạt động khuyến nông nên  nông dân chưa có cơ hội tiếp nhận thông tin. Về phía các doanh nghiệp, mặc dù biết rõ lợi ích của sản xuất cà phê theo quy trình và giá trị gia tăng của cà phê có chứng nhận, nhưng do năng lực tài chính còn hạn chế nên chỉ triển khai dự án trên phạm vi nhỏ, nội  dung hoạt động còn nghèo nàn, chủ yếu dưới dạng tập huấn và phổ biến thông tin.
Mặt khác, giá thu mua cà phê nhân sản xuất theo quy trình chứng nhận không có sự chênh lệch lớn với cà phê sản xuất theo lối truyền thống trên thị trường tự do nên chưa tạo được động lực để người trồng cà phê thay đổi nhận thức và hành động. Các chuyên gia cho biết, việc thống kê, ước tính lượng cà phê có chứng nhận được sản xuất và tiêu thụ trên thế giới gặp khó khăn vì chỉ có một phần cà phê được chứng nhận  trong chương trình bền vững thực sự được bán với dấu hiệu chứng nhận. Năm qua, lượng cà phê Việt Nam được bán theo chứng nhận UTZ là 14.628 tấn, trong đó doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Dak Lak chỉ bán được khoảng 60% lượng cà phê có chứng nhận UTZ, thị trường chủ yếu là Châu Âu. Hơn nữa, do nhiều DN chế biến khô nên giá bán cũng thấp hơn giá thế giới…

Tạo cơ hội phát triển
Qua việc đánh giá, phân tích những “rào cản”, Hội thảo lần này cũng đã đưa ra những giải pháp khắc phục. Bà Trần Thị Minh Huệ - Viện KHKTNLN Tây Nguyên nhận định: phát triển cà phê có chứng nhận là xu hướng tất yếu cho phát triển ngành cà phê Việt Nam, điều quan trọng là phải tạo cơ hội cho sự phát triển đó. Hiện nay Viện đang tư vấn cho một số đơn vị về các tiêu chí chứng nhận, chỉ rõ các cơ sở dữ liệu tiêu chuẩn cho phát triển cà phê bền vững là kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường. Đại diện Công ty cà phê Trung Nguyên cho biết, để đạt chứng nhận thực hành nông nghiệp tốt Europ Gap, 3 năm qua, Công ty đã đầu tư hàng tỉ đồng xây dựng vùng nguyên liệu sạch ở buôn Kô Tam, xã Ea Tu và xã Hòa Thuận (TP. Buôn Ma Thuột), thời  gian tới sẽ phổ biến tiêu chuẩn này tới nông dân ở huyện Cư M’gar. Ông Bạch Thanh Tuấn, Giám đốc Cafecontrol Dak Lak cho rằng, điều quan trọng trong thực hiện chương trình chứng nhận cũng như cải thiện chất lượng cà phê nói chung là thay đổi nhận thức, cần phải có thời gian và bước đi thích hợp, không thể nóng vội, trước mắt phải có cơ chế, chính sách khuyến khích nông dân tham gia. Chia sẻ quan điểm này, đại diện dự án Star Việt Nam cho biết, sẽ lập dự án chứng nhận sản phẩm nông sản cho Dak Lak, nâng cao trình độ cho người nông dân  để họ tham gia vào lĩnh vực thương mại quốc tế. Trong năm 2010 sẽ cố gắng cải thiện nội dung truyền thông trong dự án , sau khi thu thập ý kiến các bên tham gia chương trình sản xuất cà phê có chứng nhận sẽ tổ chức những buổi tập huấn nhỏ về những vấn đề mọi người yêu cầu. Nhằm đa dạng hóa hình thức và nâng cao hiệu quả tuyên truyền,  Dự án đề xuất nên tổ chức những cuộc thi tài giữa các công ty áp dụng chương trình, công ty tự chọn nội dung thi, dự án sẽ tài trợ thực hiện và đánh giá độc lập…
Giới thiệu sản phẩm cà phê sạch tại Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ hai.
Giới thiệu sản phẩm cà phê sạch tại Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ hai.

Từ kết quả ban đầu, các chương trình sản xuất cà phê có chứng nhận  tiếp tục triển khai nhiều nội dung nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động. Năm 2009, UTZ Kapeh bắt đầu triển khai chương trình thanh tra và chứng nhận cho những nhóm hộ liên kết cung ứng cà phê cho các DN kinh doanh, xuất khẩu và rang xay chế biến cà phê như Vina Buôn Ma Thuột, Simexco, Inexim, Dak Man, Trung Nguyên. Mục tiêu đến năm 2010, UTZ Kapeh sẽ cấp chứng chỉ cho 100.000 tấn cà phê của Việt Nam, chiếm 10% sản lượng cà phê cả nước. Việt Nam hiện là 1 trong 4 nước được Hiệp hội Cà phê toàn cầu  4C chọn làm đại diện của tổ chức này trên thế giới nhằm tiếp tục thúc đẩy phát triển sản xuất cà phê theo hướng bền vững. Mới đây, Hiệp hội đã mở văn phòng giao dịch khu vực thứ tư của mình tại TP. Buôn Ma Thuột.
 
Đây là cơ hội để ngành cà phê Việt Nam được tiếp cận nhiều hơn với các dịch vụ hỗ trợ từ khâu trồng trọt, thu hoạch, chế biến, tiêu thụ cà phê theo bộ chuẩn của 4C, đem lại nhiều lợi ích gia tăng cho người trồng cà phê
 Hoa Hồng

Ý kiến bạn đọc