Multimedia Đọc Báo in

Trồng rau theo công nghệ tiên tiến: Bao giờ mới được ứng dụng rộng rãi?

10:41, 02/06/2010
Ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp, trong đó có trồng rau được xem là chìa khóa để phát triển một nền nông nghiệp sạch, đạt chất lượng cao. Song vì nhiều nguyên nhân, việc trồng rau theo công nghệ tiên tiến trên địa bàn tỉnh vẫn ở dạng mô hình là chủ yếu.
Giống cà chua ghép được cán bộ Trung tâm ứng dụng KH-CN chăm sóc tại trại giống.
Giống cà chua ghép được cán bộ Trung tâm ứng dụng KH-CN chăm sóc tại trại giống.
Với chủ trương đẩy mạnh công tác ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, thời gian qua, Dự án “Xây dựng một số mô hình ứng dụng công nghệ tiên tiến để phát triển rau ở Dak Lak” do Trung tâm Ứng dụng Khoa học và Công nghệ tỉnh thực hiện tại TP. Buôn Ma Thuột, huyện Kông Pak và Krông Ana, Ea Kar đã giúp nông dân sớm tiếp nhận các tiến bộ kỹ thuật quan trọng trong sản xuất rau: tiếp cận với nguồn giống sạch bệnh, trồng rau trong nhà lưới, sử dụng màng phủ nông nghiệp để phủ luống. Sau hơn 2 năm thực hiện, dự án bước đầu đã xây dựng một trại sản xuất cây giống rau theo công nghệ tiên tiến với diện tích 3000m2, chuyên sản xuất các cây rau giống với khoảng 500.000 cây/năm, trong đó chủ lực là cà chua ghép. Xây dựng và phát triển các mô hình ứng dụng công nghệ tiên tiến gồm: trồng cà chua bằng cây ghép, rau ăn lá trong nhà lưới và một số loại rau ôn đới (chủ yếu ngoài trời); đào tạo, huấn luyện kỹ thuật cho nông dân và cán bộ địa phương về ươm giống, ghép cà chua, xây dựng nhà, trồng rau trong nhà lưới, rau ôn đới; giúp nông dân khắc phục được những hạn chế lâu nay gặp phải như bệnh chết cây do vi khuẩn, côn trùng cắn phá, gây hại... Anh Hoàng Hữu Giang (phường Khánh Xuân, TP. Buôn Ma Thuột), một trong những hộ được chọn làm mô hình trồng cà chua ghép, cho biết, so với những giống trồng bằng cây thực sinh, giống cà chua ghép ít bị sâu bệnh, tỷ lệ sống đạt từ 80% – 90%, theo đó, sản lượng, năng suất cũng cao hơn gần 30%. Đặc biệt, khi trồng bằng giống ghép, cây cà chua không mất thời  gian phục hồi, chống được bệnh héo rũ do vi khuẩn, đồng thời giúp người trồng chủ động được cây giống mà không phải đợi thời gian gieo hạt lại. Thấy được hiệu quả của loại giống sạch bệnh này, đến nay anh đã chính thức đưa cây cà chua vào sản xuất 2 đợt, anh đang xuống giống khoảng 600 cây để cung ứng sản phẩm cho thị trường Dak Lak, vì hiện nhu cầu về sản phẩm cà chua rất cao, nhưng cung vẫn còn ít, phần lớn phải nhập từ Đà Lạt về. Anh Nguyễn Văn Kiên, cán bộ khuyến nông huyên Ea Kar cho biết, qua hai mô hình trồng cà chua ghép tại xã Ea Kmút cho thấy hiệu quả rất tốt, cây giống không bị chết nhiều do vi khuẩn, trái đẹp, năng suất cao hơn. Tuy nhiên, điều quan trọng là việc trồng cây bằng giống ghép đã thay đổi được phương pháp sản xuất của người dân trong khâu chuẩn bị giống và lựa chọn giống sạch bệnh. Hiện, người dân trên địa bàn huyện bắt đầu sử dụng nguồn giống ghép phổ biến, đồng thời dùng lưới màng để phủ luống để tránh côn trùng gây bệnh cho rau.
Ươm giống trên giá thể sẽ giúp nông dân chủ động về nguồn giống và giúp cây phát triển tốt hơn.
Ươm giống trên giá thể sẽ giúp nông dân chủ động về nguồn giống và giúp cây phát triển tốt hơn.
Theo kết quả điều tra nhanh của Trung tâm Ứng dụng Khoa học và Công nghệ cho thấy, các huyện, thị trồng rau nhiều như Buôn Ma Thuột, Krông Pak, Krông Ana... đã hình thành những vùng chuyên canh rau, chủ yếu cung cấp cho địa bàn TP. Buôn Ma Thuột và tiêu thụ tại chỗ. Tổng diện tích rau toàn tỉnh còn quá nhỏ, khoảng 2.800 ha, chủng loại rau thì nghèo nàn. Tại TP. Buôn Ma Thuột, có diện tích gieo trồng 300 ha, trong đó 60% là các loại rau ăn lá gồm cải ngọt, cải cay, xà lách; 39% là rau ăn quả gồm đậu cô ve, dưa chuột, mướp đắng; 1% là rau ăn củ gồm su hào và cải củ. Năng suất rau nói chung còn thấp, trung bình 20 tấn/ha với rau ăn lá và 24 tấn/ha với rau ăn quả. Trong khi, ở điều kiện tương đương rau ăn lá thường đạt 25 tấn/ha và rau ăn quả 30 tấn/ha.  Thêm vào đó, đa số hộ chỉ làm rau vào mùa khô với một số loại rau chính như cà rốt, xà lách, rau cải các loại và hành lá. Vào mùa mưa (tháng 5 đến tháng 10) nhiều loại rau phải nhập từ Lâm Đồng về như súp lơ, bắp cải, xà lách, cà chua, dưa leo, hay nhập từ TP. Hồ Chí Minh như húng quế, mùi ta, hành lá. Nguyên nhân là do mùa mưa rau thường bị dập nát và không sản xuất được cây giống. Riêng cà chua, mặc dù chỉ trồng trong mùa khô nhưng vẫn thiệt hại nặng do héo rũ, vi khuẩn gây chết 20 - 30%. Ngoài ra, quy trình sản xuất rau còn đơn giản, các hộ tự làm giống để trồng rau thương phẩm nên tỷ lệ sống của cây rất thấp, có khi chỉ đạt 40%. Hầu hết bà con chưa áp dụng phổ biến kỹ thuật nhà màng, nhà lưới và các giống rau ghép chống bệnh. Việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật quá nhiều, sử dụng nguồn nước ô nhiễm để trồng rau cũng chưa được kiểm soát; phân bón dùng cho sản xuất rau chủ yếu là phân vô cơ, rất ít hộ dùng phân hữu cơ vi sinh. Thực tế trên cho thấy, sản xuất rau trên địa bàn tỉnh hiện còn manh mún, trình độ kỹ thuật thấp, chưa nhiều các hoạt động nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cũng như học tập làm theo các điển hình tiên tiến trong vùng. Đó là những thách thức đối với việc phát triển bền vững các vùng trồng rau. Theo ông Trần Đức Hiền, Phó giám đốc Trung tâm ứng dụng KH-CN, để xây dựng được những vùng trồng rau chuyên canh với công nghệ tiên tiến như ở Lâm Đồng đòi hỏi sự thay đổi  nhận thức của người trồng rau trong việc ứng dụng công nghệ tiên tiến, cũng như xây dựng được vùng nguyên liệu giống sạch và đầu ra ổn định.
Vũ Thuận Nguyễn

Ý kiến bạn đọc