Multimedia Đọc Báo in

Cho thuê đất rừng với doanh nghiệp, liệu có “lợi bất cập hại”?

09:52, 07/07/2010

Trong những năm qua, với việc triển khai thực hiện các chính sách về lâm nghiệp, Dak Lak đã thu hút nhiều thành phần kinh tế tham gia vào nghề rừng. Với mục tiêu để rừng thực sự có chủ, bên cạnh chủ trương giao đất giao rừng cho các cộng đồng thôn, buôn, nhóm hộ, hộ gia đình, việc cho doanh nghiệp thuê đất rừng để thực hiện các dự án nông - lâm nghiệp đang được ngành lâm nghiệp chú trọng. Tuy nhiên, vẫn còn đó những băn khoăn…

Lợi thì có lợi...
Theo số liệu thống kê của Chi cục Lâm nghiệp, hiện có 43 doanh nghiệp được UBND tỉnh cho chủ trương tiến hành khảo sát để thực hiện các dự án về quản lý, bảo vệ; trồng, cải tạo rừng với tổng diện tích gần 38.000 ha. Đến nay, đã có 25 dự án được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định với tổng diện tích 24.500 ha, trong đó 14 dự án đã có quyết định thuê đất. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có 48 dự án của 47 doanh nghiệp thuê đất rừng để thực hiện trồng cao su với tổng diện tích 37.600 ha. Trong đó, có 21 dự án đã được thẩm định với tổng diện tích 13.344 ha.
Đánh giá về tình hình triển khai thực hiện cũng như hiệu quả ban đầu từ các dự án mang lại, ông Hà Công Bình, Chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp tỉnh cho biết, đối với các doanh nghiệp đã có chủ trương, đang trong quá trình khảo sát, hoàn thiện dự án, nhìn chung họ chủ động liên hệ với các cơ quan chức năng để tiến hành các bước kiểm tra, đánh giá về hiện trạng rừng, điều kiện thổ nhưỡng. Đối với các doanh nghiệp được UBND tỉnh thông qua dự án và có quyết định cho thuê đất, đã thực hiện việc chuyển đổi mục đích sử dụng đối với các diện tích rừng cho phép chuyển đổi theo đúng tiêu chí do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định;  thực hiện các biện pháp quản lý, bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh đối với những diện tích rừng khác trong dự án. Phần lớn các đơn vị đều triển khai đúng với quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng mà các cấp thẩm quyền đã phê duyệt. Tuy tiến độ còn chậm, nhưng đến nay, các dự án đã triển khai trồng được 5.296 ha rừng kinh tế và 460 ha cây ăn quả. Các doanh nghiệp thuê đất rừng trồng cao su, năm 2009 đã triển khai trồng 370 ha. Dự kiến, năm 2010 sẽ trồng mới thêm 3.000 ha. Tổng mức đầu tư ban đầu của các dự án khoảng 141 tỷ đồng, thu hút 1.033 lao động địa phương. Với việc thu hút các doanh nghiệp tham gia vào nghề rừng trong thời gian qua được kỳ vọng không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế mà còn góp phần bảo vệ rừng.

Diện tích rừng khộp nghèo được chính quyền địa phương cho phép chuyển đổi trồng thử nghiệm cây cao su ở xã Ea Bung (Ea Súp)
Diện tích rừng khộp nghèo được chính quyền địa phương cho phép chuyển đổi trồng thử nghiệm cây cao su ở xã Ea Bung (Ea Súp)


Vẫn còn những băn khoăn
Kêu gọi, thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp trong nước được xác định là một trong những giải pháp để bảo vệ rừng, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, giải quyết việc làm cho lao động, cải thiện đời sống của người dân ở gần rừng. Tuy nhiên, vẫn còn không ít những băn khoăn, bởi theo đánh giá của Chi cục Lâm nghiệp, trong quá trình các doanh nghiệp triển khai, tại các vùng quy hoạch các dự án phát triển cao su; cải tạo phát triển rừng, tình trạng xâm hại rừng vẫn diễn ra nghiêm trọng với tổng diện tích lên đến 906 ha, gồm các hành vi: khai thác gỗ trái phép, phá rừng, lấn chiếm đất rừng để canh tác... Bên cạnh đó, có không ít dự án không triển khai đúng tiến độ hoặc vi phạm các quy định của Nhà nước, buộc UBND tỉnh phải thu hồi như Công ty Cổ phần Nghiệp Lâm 700/900 ha đất thuê tại huyện Krông Bông; thu hồi toàn bộ diện tích đất đối với các dự án của Công ty Cổ phần Polyme Hồng Kông tại huyện Krông Năng; tạm đình chỉ đối với 2 doanh nghiệp đã có quyết định thuê đất là Doanh nghiệp tư nhân Thuận Thiên và Công ty TNHH Hoàng Nguyễn để kiểm tra, đánh giá lại tính hiệu quả, khả thi của dự án. Một bài học phải trả giá đắt là tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp xảy ra phổ biến ở Ea Súp trong những tháng đầu năm 2008 trong “cơn sốt” trồng cao su. Hàng trăm ha rừng bị xóa sổ khi nhiều “đại gia” ở Bình Dương đổ xô vào Ea Súp mang theo dự án trồng hàng ngàn ha cao su, xem thường, bất chấp các yếu tố bất lợi về điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu. Và những khắc phục của chính quyền địa phương cũng chỉ là giải quyết việc đã rồi. Nguyên nhân được xác định là do lực lượng quản lý bảo vệ rừng tại các địa phương còn mỏng, yếu; chưa tích cực triển khai, thực hiện các giải pháp một cách đồng bộ để ngăn chặn kịp thời có hiệu quả khi phát hiện ra những sai phạm từ phía doanh nghiệp, chủ rừng, người dân. Chưa kể một số doanh nghiệp không đủ năng lực tài chính hoặc thiếu tâm huyết với rừng.  Hơn nữa, chính quyền muốn doanh nghiệp thuê đất rừng phải thực hiện song hành nhiệm vụ phát triển kinh tế với quản lý, bảo vệ rừng, trong khi doanh nghiệp chỉ xem việc bảo vệ rừng là nhiệm vụ thứ yếu. Sau những “sự cố” trên, UBND tỉnh đã chỉ đạo các Sở NN &PTNT, Tài Nguyên – Môi trường cẩn trọng hơn đối với việc thẩm định các dự án, đặc biệt là về năng lực đầu tư nhằm ngăn ngừa và kịp thời xử lý các trường hợp lợi dụng chủ trương, chính sách của Nhà nước để tư lợi.
Rừng được xem là một "tài nguyên công", nếu mạnh ai nấy khai thác và không có biện pháp quản lý hữu hiệu, rừng sẽ bị cạn kiệt. Trong những năm qua, bên cạnh thực hiện giao đất giao rừng cho các cộng đồng thôn, buôn, nhóm hộ, hộ gia đình, việc cho các doanh nghiệp thuê đất rừng nhằm thực hiện các dự án nông - lâm nghiệp được ngành lâm nghiệp chú trọng và xem đây là một giải pháp để nâng cao hiệu quả kinh tế cũng như trong quản lý, bảo vệ rừng. Tuy nhiên, để việc cho thuê đất rừng thực sự tạo động lực mạnh mẽ cho ngành lâm nghiệp phát triển, ngoài tăng cường các biện pháp quản lý Nhà nước, điều cốt lõi là làm thế nào tạo được mối liên kết chặt chẽ giữa chính quyền địa phương - doanh nghiệp - người dân. Có như vậy, nguồn tài nguyên thiên nhiên có khả năng sinh lợi lớn như rừng mới được khai thác hợp lý, bền vững.

                                                                                                                                          Lê Hương

 


Ý kiến bạn đọc