Multimedia Đọc Báo in

Công ty Cao su Dak Lak: Gia tăng giá trị bằng cải tiến kỹ thuật, đa dạng hóa ngành nghề

10:33, 20/07/2010
Đổi mới công nghệ, phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, mạnh dạn mở rộng quy mô, đa dạng hóa ngành nghề, sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường, Công ty Cao su Dak Lak đã có những bước tiến vững chắc trên con đường sản xuất kinh doanh, gia tăng giá trị gắn với xóa đói giảm nghèo cho người dân trên địa bàn Công ty đứng chân.
Những con số ấn tượng
Công ty Cao su Dak Lak hiện quản lý 17 đơn vị trực thuộc, bao gồm: 7 nông trường cao su, 2 trung tâm đầu tư và phát triển cao su, 1 xí nghiệp chế biến mủ cao su, 3 chi nhánh, 1 Quỹ tín dụng cao su, 1 Công ty Cổ phần Chế biến gỗ cao su, 2 công ty con ở nước ngoài (1 công ty tại CHDCND Lào và 1 công ty tại Vương quốc Campuchia). Trong tổng diện tích 22.409 ha cao su của đơn vị, diện tích kinh doanh chiếm 54,19%. Năm 2010 Công ty đã lắp đặt hoàn thiện và đưa vào sử dụng dây chuyền chế biến mủ cao su phức hợp công suất 5.000 tấn/năm, cho ra sản phẩm cao su đã qua sơ chế, giúp đơn vị gia tăng giá trị hàng hóa, tăng lợi nhuận. Trong hoạt động đầu tư trực tiếp ra nước ngoài, Dự  án đầu tư phát triển 10.000 ha cao su tại nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào đã hoàn thành và chuẩn bị cho quá trình khai thác mủ năm 2011; Dự án đầu tư phát triển 5.000 ha cao su tại Vương quốc Campuchia; Dự án phát triển 5.000 ha cao su và cây rừng nguyên liệu tại tỉnh Kon Tum đang triển khai thuận lợi. Trung tâm Du lịch sinh thái Bản Đôn với tổng diện tích rừng tự nhiên trên 1.500 ha, nguồn vốn đầu tư hơn 60 tỷ đồng đã đi vào hoạt động. Theo tính toán, với chỉ tiêu doanh thu từ 78 tỷ đồng năm 2000 tăng lên 544,4 tỷ đồng năm 2009, Công ty cũng đã thu lợi nhuận 8,6 tỷ đồng năm 2000 và năm 2009 là 116 tỷ đồng. Đời sống của cán bộ công nhân viên không ngừng được cải thiện, mức lương bình quân năm 2000 là 598.000 đồng/người/tháng và đến năm 2010 trên 3,5 triệu đồng/người/tháng.
Sản xuất mủ cốm tại Xí nghiệp chế biến và dịch vụ cao su - Công ty Cao suDak Lak.
Sản xuất mủ cốm tại Xí nghiệp Chế biến và dịch vụ cao su - Công ty Cao su Dak Lak.

Nhằm huy động nguồn lực tại chỗ, tạo thêm việc làm cho nhân dân trong vùng quy hoạch cao su, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số, Công ty đã xây dựng mô hình liên kết phát triển cao su tiểu điền. Những năm qua đơn vị đã đầu tư, hỗ trợ địa phương xây dựng và hoàn thiện hàng loạt các cơ sở hạ tầng phục vụ cho sản xuất và đời sống như đường giao thông nội bộ, hệ thống điện sản xuất và sinh hoạt, các nhà trẻ, trường học, mẫu giáo, trạm xá khám chữa bệnh, góp phần làm thay đổi diện mạo kinh tế, xã hội khu vực các đơn vị trực thuộc của Công ty đứng chân. Phát triển sản xuất kinh doanh gắn liền với các hoạt động xã hội từ thiện, hằng  năm Công ty trích quỹ phúc lợi hàng  tỷ đồng để ủng hộ quỹ đền ơn đáp nghĩa, quỹ vì người nghèo, ủng hộ đồng bào bị thiên tai; định canh- định cư xóa du canh du cư; phủ xanh đất trống đồi núi trọc; đặc biệt năm 2007 đã hỗ trợ gần 6 tỷ đồng xây dựng khu nhà ở cho 32 hộ đồng bào dân tộc tại buôn Kô Tam, xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột. Riêng công tác ổn định an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn, Công ty đầu tư trên 500 triệu đồng mỗi năm cho công tác này.
Những nỗ lực của đơn vị đã được ghi nhận bằng giấy khen, bằng khen, huân chương như: Huân chương Lao động hạng Nhì (năm 2003); danh hiệu Anh hùng Lao động (năm 2006); Bộ Khoa học và Công nghệ tặng bằng khen  về việc đã có thành tích đóng góp trong Thập niên Chất lượng 1996 - 2005; Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất (năm 2008)...
Câu trả lời của những con số
Những thành quả đơn vị đạt được là kết quả của việc linh hoạt, mạnh dạn đầu tư mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh; đổi mới cơ cấu tổ chức; cải tiến kỹ thuật; đa dạng hóa ngành nghề, sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường. Đối với sản phẩm chính  là cao su, phương pháp cạo mủ bình thường năng suất bình quân chỉ đạt dưới 1 tấn/ha, phương pháp cạo Rrim Low, G- Flex kết hợp với các giải pháp khác như tưới nước và bón phân trong mùa khô đã đưa năng suất vườn cây tăng lên 1,7 tấn/ha vào năm 2007. Việc chuyển từ hình thức bón phân vô cơ, phân vi sinh sang bón phân viên tan chậm của Nhật giúp đơn vị tiết kiệm rất lớn về chi phí nhân công. Phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật cũng đã đem lại nhiều lợi nhuận cho đơn vị: cải tiến phương pháp cán, sấy sản phẩm SVR CV60 giảm thời gian sản xuất, tiết kiệm nhiên liệu; cải tiến băng tải, dây chuyền mủ nước sang chế biến trong dây chuyền mủ phụ, giảm áp lực sản xuất, giảm sản phẩm rớt cấp; nghiên cứu xử lý đánh đông mủ Skim, cán Crum giảm ô nhiễm môi trường do giảm mùi hôi… Nắm bắt nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu, từ 5 loại sản phẩm định chuẩn kỹ thuật, với việc không ngừng đa dạng hóa sản phẩm hiện Công ty đã có trên 11 loại.
Ngoài nhiệm vụ chính là chăm sóc, khai thác, chế biến cao su thiên nhiên, kinh doanh các sản phẩm từ cao su, Công ty mở rộng đầu tư sang một số lĩnh vực như: dịch vụ lữ hành quốc tế và nội địa, hoạt động văn hóa, kinh doanh khách sạn, nhà hàng và các sản phẩm thể thao, văn hóa; kinh doanh các mặt hàng nông sản, thiết bị sản xuất chế biến, phân bón, nhiên liệu, thuốc bảo vệ thực vật và các dụng cụ chuyên ngành cao su; kinh doanh kho bãi, bất động sản...
Xác định việc xây dựng thương hiệu vô cùng có ý nghĩa, nhãn hiệu hàng hóa DAKRUCO của Công ty đã đăng ký bảo hộ từ ngày 29-11-1999 và được Cục Sở hữu công nghiệp Việt Nam cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hóa. Thương hiệu DAKRUCO đã được khách hàng trong nước và quốc tế biết đến, đặc biệt là thị trường châu Âu với nhiều loại sản phẩm SVR, Laktex.  Năm 2007 Tổ chức Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) đánh giá DAKRUCO được xếp thứ 170 trên 200 doanh nghiệp mạnh; Bộ Công Thương và Bộ Khoa học - Công nghệ tặng giải thưởng “Thương hiệu mạnh và Slogan ấn tượng”.
Thuận Thành

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.