Giống bơ Booth trái vụ, triển vọng làm giàu của người dân xã Ea Na
09:43, 13/07/2010
Theo tài liệu nghiên cứu: Cây bơ được người Pháp du nhập vào Việt Nam khoảng những năm 40 của thế kỷ trước. Trước kia, bơ trồng chỉ để làm hàng rào, bóng mát, ít ai quan tâm đến việc trồng bơ kinh doanh. Thời gian gần đây, nhiều hộ dân xã Ea Na (huyện Krông Ana) đã đưa giống bơ trái vụ vào trồng và đạt nhiều kết quả ngoài mong đợi.
Người “bén duyên” với cây bơ trái vụ
Ông Nguyễn Văn Tám (Nguyên là Chủ tịch Hội Nông dân xã Ea Na), thôn Tân Lập, xã Ea Na là người đầu tiên được Khoa Nông-Lâm, Trường Đại Học Tây Nguyên (ĐHTN) hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc giống bơ của Tập đoàn bơ giống Booth thay thế cho những vườn cà phê già cỗi.
Dẫn chúng tôi ra thăm vườn bơ với hơn 35 gốc bơ Booth trái vụ, 8 năm tuổi trĩu quả sát đất, chằng chịt nạng chống, ông Tám cho biết, trong thời gian còn đương vị Chủ tịch Hội Nông dân xã, ông đã từng được tham quan nhiều mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng đem lại lợi nhuận kinh tế cao. Một lần, tình cờ đọc được tham luận trong Luận án Tiến sĩ của một nghiên cứu sinh đang tham gia giảng dạy ở ĐHTN về giống bơ trái vụ Booth, biết được ưu điểm của loại giống này là thu hoạch sau vụ bơ chính khoảng 2-3 tháng, đủ mọi tiêu chuẩn xuất khẩu lại thích nghi với điều kiện đất đai, khí hậu tại Dak Lak, kháng được sâu bệnh và cho năng suất, chất lượng cao nên ông đã tìm hiểu quy trình phát triển giống bơ Booth, mua thêm tài liệu về tham khảo. Được Trường ĐHTN hỗ trợ giống và mọi chi phí đầu tư ban đầu nên ông mạnh dạn phá bỏ hơn 6 sào cà phê để trồng thử 35 cây (mật độ trồng 6x6 mét). Ông Tám cho biết, bơ rất dễ trồng, gần như không cần phải bón phân và chăm sóc, sau 3-4 năm là cho thu hoạch, bình quân mỗi cây có thể từ 300-400 kg quả với giá bán trên thị trường khoảng 10.000-12.000 đồng/kg thì mỗi ha bơ có thể cho thu nhập không dưới 100 triệu đồng. Mức thu nhập này được xem là khá so với nhiều loại cây trồng khác đang có mặt ở Dak Lak, nên khiến nhiều hộ dân ngày càng quan tâm hơn đến việc phát triển cây bơ Booth (Dak Lak hiện có khoảng 2.694 ha cây với sản lượng khoảng 40.000 tấn bơ/năm).
Hiện, mô hình trồng bơ Booth trái vụ của ông Tám đã có hơn 20 hộ dân ở xã Ea Na học hỏi và làm theo, nâng diện tích lên 34 ha. Theo các hộ dân này, toàn bộ giống bơ họ trồng đều được ông Tám hỗ trợ. Mỗi năm gia đình ông Tám có thể bán được từ 2.500 - 3.000 cây bơ giống ghép cho nhiều nông dân trong tỉnh và các tỉnh bạn.
Vườn bơ gần 1 ha của ông Nguyễn Văn Tám (thôn Tân Lập, Ea Na, Krông Ana) |
Hướng đến mục tiêu xuất khẩu
Nhiều hộ gia đình ở xã Ea Na (Krông Ana) đang vui như hội vì những vườn bơ trĩu quả, sạch bệnh hứa hẹn một vụ mùa bội thu. Anh Vũ Xuân Phát (thôn Quỳnh Ngọc I, xã Ea Na) cho biết, đây là vụ đầu tiên vườn bơ trái mùa gia đình anh cho thu hoạch, nhưng năng suất không thua kém bơ chính vụ. Đặc biệt, ưu điểm của loại bơ này là quả to và đều, trung bình khoảng 3-5 quả/kg, ruột vàng, giá trị dinh dưỡng cao. Anh Phát hồ hởi khoe: “Cách đây 2 năm, bơ trái vụ Booth đã được đưa vào bày bán trong các siêu thị cả nước. Ngay sau khi thu hoạch là Công ty Thu Nhơn (TP. Buôn Ma Thuột) về tận vườn thu mua nên người dân không phải lo đầu ra cho sản phẩm”. Với lợi thế như hiện nay, trong tương lai không xa trái bơ Dak Lak sẽ có mặt trên thị trường thế giới. Anh Cấn Ngọc Hồng, dân tộc Tày, thôn Quỳnh Ngọc II, xã Ea Na cho biết: “Trước đây nhà mình trồng bơ chủ yếu là để lấy quả ăn chơi, cây bóng mát che chắn cho vườn cà phê, nhưng từ khi được bác Tám tư vấn hướng phát triển cây bơ Booth nên cũng mạnh dạn phá bỏ diện tích giống bơ địa phương để trồng bơ trái vụ”. Giờ đây, ngoài diện tích bơ trồng xen trong vườn cà phê, anh còn phá bỏ các loại cây trồng không có hiệu quả sang trồng gần 8 sào bơ Booth trái vụ và xem đây là cây xóa đói giảm nghèo bền vững.
Nhiều hộ gia đình ở xã Ea Na (Krông Ana) đang vui như hội vì những vườn bơ trĩu quả, sạch bệnh hứa hẹn một vụ mùa bội thu. Anh Vũ Xuân Phát (thôn Quỳnh Ngọc I, xã Ea Na) cho biết, đây là vụ đầu tiên vườn bơ trái mùa gia đình anh cho thu hoạch, nhưng năng suất không thua kém bơ chính vụ. Đặc biệt, ưu điểm của loại bơ này là quả to và đều, trung bình khoảng 3-5 quả/kg, ruột vàng, giá trị dinh dưỡng cao. Anh Phát hồ hởi khoe: “Cách đây 2 năm, bơ trái vụ Booth đã được đưa vào bày bán trong các siêu thị cả nước. Ngay sau khi thu hoạch là Công ty Thu Nhơn (TP. Buôn Ma Thuột) về tận vườn thu mua nên người dân không phải lo đầu ra cho sản phẩm”. Với lợi thế như hiện nay, trong tương lai không xa trái bơ Dak Lak sẽ có mặt trên thị trường thế giới. Anh Cấn Ngọc Hồng, dân tộc Tày, thôn Quỳnh Ngọc II, xã Ea Na cho biết: “Trước đây nhà mình trồng bơ chủ yếu là để lấy quả ăn chơi, cây bóng mát che chắn cho vườn cà phê, nhưng từ khi được bác Tám tư vấn hướng phát triển cây bơ Booth nên cũng mạnh dạn phá bỏ diện tích giống bơ địa phương để trồng bơ trái vụ”. Giờ đây, ngoài diện tích bơ trồng xen trong vườn cà phê, anh còn phá bỏ các loại cây trồng không có hiệu quả sang trồng gần 8 sào bơ Booth trái vụ và xem đây là cây xóa đói giảm nghèo bền vững.
Thời gian gần đây, nhiều hộ dân ở các tỉnh Dak Nông, Gia Lai, Lâm Đồng… còn sang tham quan, học hỏi mô hình trồng cây bơ trái vụ của ông Tám và bà con nông dân xã Ea Na. Hội Nông dân xã Ea Na cho biết sẽ mở rộng diện tích hơn nữa, năng suất sẽ cao hơn rất nhiều và ước mơ trái bơ Booth Dak Lak có mặt trên thị trường thế giới chỉ còn là vấn đề thời gian.
Thế Hùng
Ý kiến bạn đọc