Lập lại trật tự hoạt động chế biến, kinh doanh lâm sản ở Ea Súp: Chậm trễ hay còn thiếu kiên quyết?
Trong một thời gian dài, hoạt động của các cơ sở chế biến, kinh doanh lâm sản trên địa bàn huyện Ea Súp bộc lộ nhiều yếu kém với những dấu hiệu vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến công tác quản lý, bảo vệ rừng. Nhanh chóng lập lại trật tự trong lĩnh vực này đang được chính quyền địa phương nơi đây tiến hành, tuy nhiên tiến độ vẫn còn chậm.
Từ đầu mùa khô 2009-2010, tại các xã Cư Kbang, Ia J’lơi, Ea Rôk trở thành những “điểm nóng” về khai thác, vận chuyển gỗ trái phép. Mặc dù các ngành chức năng của huyện đã tổ chức 2 chốt kiểm tra, ngăn chặn tại địa bàn 2 xã Cư Kbang, Ea Rôk; tiến hành truy quét tại các điểm nóng nhưng tình hình khai thác, vận chuyển, tiêu thụ gỗ trái phép vẫn chưa được xử lý triệt để, ngăn chặn kịp thời. Ngoài nguyên nhân được xác định do sự buông lỏng quản lý của các cơ quan chức năng; sự lơ là, chủ quan trong công tác quản lý bảo vệ của các chủ rừng, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng vi phạm lâm luật xảy ra với mức độ nghiêm trọng còn do hoạt động của các xưởng chế biến, cơ sở mộc dân dụng hoạt động tràn lan thiếu sự kiểm soát chặt chẽ từ các ngành chức năng.
Di dời các cơ sở chế biến lâm sản vào khu vực trung tâm huyện để tăng cường công tác quản lý, giám sát. |
Theo kết quả kiểm tra của Đoàn kiểm tra liên ngành trong đợt kiểm tra, xử lý tình hình vi phạm pháp luật bảo vệ rừng trên địa bàn huyện Ea Súp vào đầu năm 2010, toàn huyện Ea Súp có 117 cơ sở mộc dân dụng, xưởng chế biến lâm sản. trong đó, 79 cơ sở còn hoạt động, số còn lại đã ngưng hoạt động. Kết quả kiểm tra thực tế tại 14 cơ sở mộc dân dụng và 3 xưởng chế biến lâm sản thuộc địa bàn xã Ea Rôk, Ea Lê, Ia Rvê, Ia J’lơi, Cư M’lan, Cư Kbang và thị trấn Ea Súp, có không ít doanh nghiệp, cơ sở sản xuất hoạt động không đúng với ngành nghề đã đăng ký trong giấy phép kinh doanh. Đối với các cơ sở mộc, hầu hết đều có hệ thống các loại cưa vòng để chế biến gỗ và phần lớn nằm trong khu dân cư, các điều kiện về xây dựng nhà xưởng không bảo đảm, không có cam kết về bảo vệ môi trường và phòng chống cháy, sổ theo dõi nhập – xuất lâm sản theo quy định… Đoàn đã lập biên bản xử lý đối với những cơ sở vi phạm, đình chỉ mọi hoạt động chế biến gỗ đối với các cơ sở mộc dân dụng, yêu cầu UBND huyện tăng cường công tác kiểm tra, giám sát. Tỉnh cũng đã chỉ đạo địa phương xử lý dứt điểm tình hình vi phạm trong quy I- 2010; nhanh chóng quy hoạch, di dời các cơ sở chế biến lâm sản về khu vực trung tâm của huyện. Tuy nhiên, mới đây, ngày 18 và 19-6, qua kiểm tra 2 Xưởng chế biến gỗ của Công ty TNHH Quang Phát ở thôn 14, xã Ea Lê và thôn 2 xã Ia J’lơi, lực lượng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ, Công an tỉnh đã phát hiện 453 lóng gỗ tròn, 451 hộp gỗ xẻ với tổng số lượng quy tròn khoảng 401m3 không rõ nguồn gốc. Rõ ràng, trong khi theo báo cáo của các ngành chức năng nơi đây là vẫn ráo riết, tăng cường các biện pháp bảo vệ rừng thì tình trạng tiêu thụ gỗ trái phép vẫn diễn ra với quy mô, mức độ ngày một nghiêm trọng. Và “trật tự” hoạt động chế biến, kinh doanh lâm sản ở đây xem ra, đến nay vẫn chưa có thay đổi gì nhiều.
Hoạt động chế biến gỗ ở Công ty Lâm nghiệp Ea Wy. |
Theo như Ông Phan Xuân Lĩnh, Chủ tịch UBND huyện Ea Súp cho biết, sau đợt kiểm tra của đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh các trường hợp sai phạm tuy đã được chấn chỉnh, xử lý nhưng tình trạng vi phạm lâm luật vẫn tiếp tục xảy ra. Một mặt do năng lực tổ chức, quản lý bảo vệ rừng của các công ty lâm nghiệp trên địa bàn còn yếu; mặt khác là do yếu kém trong quản lý bảo vệ rừng, sự buông lỏng quản lý của UBND cấp xã trong kiểm tra, xử lý đối với các xưởng chế biến gỗ, cơ sở mộc vi phạm quy định pháp luật. Ngoài các xưởng chế biến lâm sản, cơ sở mộc ven rừng đã được Đoàn kiểm tra liên ngành phát hiện, xử lý, hiện UBND huyện đang tiếp tục chỉ đạo các ngành chức năng tổ chức kiểm tra, rà soát lại toàn bộ cơ sở mộc trên địa bàn. Tuy nhiên, đến nay tiến độ thực hiện vẫn còn chậm. Giải thích cho sự chậm trễ này, ông Phan Xuân Lĩnh cho hay: “Khó khăn lớn nhất và cũng là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc chậm trễ trên đó là trên địa bàn huyện vẫn chưa xây dựng được cụm công nghiệp, việc di dời các cơ sở về khu vực trung tâm của huyện thì cần có thời gian. Công tác giải tỏa, cưỡng chế, thu hồi giấy phép… liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực cho nên chính quyền địa phương cũng không thể nóng vội” (!)
“Không thể nóng vội” trong khi tình trạng khai thác, vận chuyển, tiêu thụ lâm sản trái phép ở Ea Súp vẫn diễn ra nhức nhối thì liệu đó có là lời giải thích thỏa đáng? Thiết nghĩ, các ngành chức năng cũng như chính quyền địa phương nơi đây cần sự kiên quyết, ráo riết hơn nữa và nhất là không chậm chễ trong việc xử lý những hành vi vi phạm, nhanh chóng lập lại trật tự hoạt động chế biến, kinh doanh lâm sản nơi đây. Đó cũng là một trong những giải pháp góp phần bảo đảm cho an ninh rừng.
Ý kiến bạn đọc