Tạo phân vi sinh từ vỏ cà phê giúp người nông dân giảm chi phí
Lâu nay, bà con nông dân trồng cà phê sau khi xay xát cà phê để lấy nhân đem bán thì một lượng vỏ cà phê rất lớn lại bị bỏ đi, hoặc có nơi đem nguyên cả vỏ khô đổ vào gốc cà phê làm cho cây bị nóng và ít mang lại hiệu quả kinh tế. Hiện nay, ở TP. Buôn Ma Thuột và một số huyện như: Buôn Đôn, Cư M’gar nông dân được công ty Vườn Sinh Thái Trung Việt hướng dẫn kỹ thuật ủ phân vi sinh bằng vỏ cà phê mang lại hiệu quả kinh tế khá cao, giảm chi phí mua phân bón hóa học và không ô nhiễm môi trường.
Phương pháp ủ phân vi sinh từ vỏ cà phê khá đơn giản, rẻ tiền và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tỷ lệ các chất bao gồm: 1.000 kg vỏ cà phê + 200 kg phân chuồng + 10kg phân Urê và từ 2 – 2,5kg chế phẩm men vi sinh. Tất cả được trộn đều, tưới ẩm và vun thành luống cao khoảng 1,3 - 1,5m, bề rộng luống từ 2,3 -3m. Sau đó dùng bạt hoặc rơm rạ phủ đống ủ để giữ ẩm và giữ nhiệt. Sau khoảng 25-30 ngày thì tiến hành đảo trộn đống ủ một lần và tưới nước bổ sung nếu đống ủ thiếu ẩm. Tác dụng chính của phân chuồng, phân urê và chất lên men vi sinh là làm cho vỏ cà phê nhanh hoai mục. Sau 2-2,5 tháng, bà con có thể sử dụng loại phân này để bón cho cây trồng.
Theo đánh giá của các nhà khoa học thì vỏ cà phê có hàm lượng đường rất cao (14,4%), trong đó đường khử chiếm 12,4% cùng với hàm lượng prôtêin (10,1%) với 18 loại axit amin và hàm lượng hữu cơ trong đó cũng rất cao. Hàm lượng Cenllulose trong vỏ cà phê là 63,2%, lignin 17,7% hai thành phần trên nếu được phân hủy sẽ tạo mùn. Ngoài ra còn có các loại khoáng vi lượng khác rất có lợi cho cây trồng.
Nhiều bà con nông dân cho biết, nhờ hàm lượng hữu cơ cao, vi sinh vật có ích và hàm lượng dinh dưỡng khoáng đầy đủ, phân hữu cơ vi sinh làm từ vỏ cà phê giúp đất tơi xốp, kích thích sự phát triển bộ rễ, giảm hàm lượng phân hóa học, giảm sâu bệnh hại và ô nhiễm môi trường, nâng cao hiệu quả kinh tế.
Ý kiến bạn đọc