Multimedia Đọc Báo in

Thanh toán không dùng tiền mặt: Kết quả chưa cao, vì sao?

08:52, 14/07/2010

Những năm gần đây, các ngân hàng thương mại (NHTM) trên địa bàn đã có nhiều cố gắng trong hoạt động giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM), nhưng nhìn chung kết quả đạt được chưa cao…

Có thể nói, việc triển khai hình thức TTKDTM trên địa bàn tỉnh đã được các NHTM quan tâm trong vài năm trở lại đây, đặc biệt là kể từ khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 20/2007/CT-TTg về việc trả lương qua tài khoản cho các đối tượng hưởng lương từ ngân sách. Theo thống kê sơ bộ của Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Dak Lak, trong năm 2009, các NHTM đã mở thêm 26 trạm ATM, đưa tổng số máy trên địa bàn tỉnh lên 108 chiếc; 35 điểm chấp nhận thẻ (POS), nâng tổng số hiện có lên 123 điểm; phát hành thêm hơn 100 ngàn thẻ, nâng tổng số thẻ đã phát hành lên hơn 330 ngàn thẻ. Về chi trả lương qua tài khoản ngân hàng, đến cuối năm 2009, toàn tỉnh có gần 29.000 cá nhân hưởng lương từ ngân sách thực hiện nhận lương qua tài khoản NH, chiếm tỷ lệ trên 57% số người hưởng lương từ ngân sách Nhà nước; 1.119 đơn vị thực hiện chi trả lương qua tài khoản NH, chiếm gần 62% tổng số đơn vị hưởng lương từ ngân sách Nhà nước trên địa bàn. Ngoài các đơn vị hưởng lương từ Ngân sách Nhà nước, các tổ chức tín dụng cũng tích cực triển khai hình thức thanh toán đối với các đối tượng khác. Đến cuối năm 2009, cả tỉnh có 127 đơn vị (tăng 33 đơn vị so với cuối năm 2008) không hưởng lương từ ngân sách Nhà nước thực hiện chi trả lương qua tài khoản NH.

Theo số liệu thống kê của NHNN Việt Nam thì Dak Lak là một trong số ít tỉnh đạt khá cao so với mức bình quân chung của cả nước. Trước năm 2005, trên địa bàn chỉ mới có một vài máy ATM và chưa có điểm chấp nhận thẻ nào, nhưng sau 4 năm đã đạt được những kết quả trên cho thấy các NHTM đã nỗ lực rất nhiều trong việc triển khai TTKDTM. Song, công bằng mà nói, TTKDTM chưa phát triển tương ứng với số lượng thẻ đã phát hành. Thực tế cho thấy, thẻ thanh toán có rất nhiều tiện ích, là công cụ để thực hiện  nhiều giao dịch như: gửi tiền qua ATM; chuyển khoản qua ATM, SMS Banking, Internet Banking; thanh toán mua hàng trực tuyến, tiền mua hàng tại một số siêu thị, cửa hàng có lắp đặt máy cà thẻ; thanh toán tự động tiền điện, nước, điện thoại, Internet, bảo hiểm…, nhưng hầu hết khách hàng chỉ sử dụng thẻ để rút tiền mặt. Giám đốc một NHTM cổ phần cho biết, đa số chủ thẻ chỉ sử dụng thẻ ATM để rút tiền, một bộ phận lớn rút “sạch” tiền ngay sau khi phát sinh số dư, việc thanh toán điện tử là rất hạn chế.

a
Hội thảo chi lương điện tử do Chi nhánh Ngân hàng Đông Á Dak Lak tổ chức

 

Về nguyên nhân của sự chậm phát triển phương thức TTKDTM, các NH thì cho rằng họ đã cố gắng hết sức, ưu tiên tài chính, con người cho hoạt động này, họ phải “chịu lỗ” để đầu tư phát triển hệ thống ATM, điểm chấp nhận thẻ; thiết kế thêm nhiều tiện ích, dịch vụ cho thẻ thanh toán; áp dụng khuyến mãi đối với các trường hợp TTKDTM…, nhưng vẫn không thể phát triển mạnh hơn do thói quen tiêu dùng tiền mặt đã “ăn vào máu” của khách hàng, không ít khách hàng rất ngại tiếp cận công nghệ, phương thức thanh toán mới. Khách hàng thì lại có ý kiến khác, từ nhiều năm nay, các NH chỉ chú trọng đến phát hành thẻ chứ không quan tâm nhiều đến tư vấn, hướng dẫn sử dụng, khiến chủ thẻ lúng túng, không biết cách sử dụng nên khách hàng chọn thanh toán bằng tiền mặt cho chắc ăn!. Hơn nữa, hạ tầng cơ sở kỹ thuật phục vụ cho hoạt động TTKDTM (máy ATM, điểm chấp nhận thẻ…) chưa đồng bộ, mới tập trung ở TP. Buôn Ma Thuột và một vài huyện lớn. Đặc biệt, nhân viên bán hàng, thu ngân của các đơn vị chấp nhận thanh toán không chuyên nghiệp, “thích” khách hàng thanh toán bằng tiền mặt hơn cũng là nguyên nhân cản trở sự phát triển của phương thức TTKDTM. Phần lớn các siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh đều có một hoặc vài máy ATM được lắp đặt ngay cửa ra vào dù trong quầy thanh toán có máy cà thẻ đã nói lên điều đó.
a
Phần lớn khách hàng sử dụng thẻ ATM chỉ để rút tiền


Thúc đẩy phát triển TTKDTM là một chủ trương lớn. Liên quan đến lĩnh vực này, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản như: Quyết định số 291/2006/QĐ-TTg, ngày 29-12-2006 phê duyệt Đề án TTKDTM giai đoạn 2006-2010 và định hướng đến năm 2020, Nghị định số 161/NĐ-CP ngày 28-12-2006 quy định về thanh toán bằng tiền mặt… Vì thế, việc đẩy mạnh TTKDTM không nên chỉ dừng lại ở mức hô hào, mạnh ai nấy làm mà cần phải có sự liên kết, hợp tác chặt chẽ. Đặc biệt, cần phải có một hành lang pháp lý quy định rõ quyền lợi, trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc đẩy mạnh TTKDTM.

Trần Sáu

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.