Multimedia Đọc Báo in

Việt Nam vượt qua khủng hoảng kinh tế nhanh hơn nhiều nước

09:02, 03/07/2010
Báo cáo cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam tháng 6 vừa được Ngân hàng Thế giới (WB) công bố khẳng định: Việt Nam đã vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu tốt hơn nhiều nước khác.
Cũng như những năm trước, Việt Nam không xảy ra khủng hoảng ngân hàng, cho dù vẫn còn nhiều bất ổn kinh tế vĩ mô. Lạm phát 6 tháng qua đã được kiềm chế ở mức 4,78% so với tháng 12-2009, đây chính là thành công quan trọng của nền kinh tế. Thêm vào đó, với mức tăng giá bình quân tháng trong quý 2 đã giảm xuống còn 0,21%, thấp hơn nhiều so với mức tăng bình quân tháng là 1,35% trong quý 1 chính là dấu hiệu tốt về sự ổn định kinh tế trong ngắn hạn. Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu 6 tháng đạt 32,1 tỷ USD, tăng 15,7%, trong đó các mặt hàng xuất khẩu chủ lực đều có kim ngạch tăng cao, cơ cấu kim ngạch hàng hóa xuất khẩu  có sự thay đổi tích cực với việc tăng tỷ trọng nhóm hàng công nghiệp nặng, nhóm hàng công nghiệp nhẹ và tiểu thủ công nghiệp. Mặc dù nhập khẩu tăng 29,4% so với cùng kỳ và tỷ trọng nhập khẩu nguyên, nhiên vật liệu phục vụ sản xuất chiếm 81,5% trong tổng kim ngạch, nhưng nhập khẩu hàng tiêu dùng, nhất là hàng xa xỉ như ô tô nguyên chiếc lại giảm rõ rệt cho thấy sản xuất công nghiệp trong nước đã được phục hồi  trở lại sau khủng hoảng.
hoạt động tín dụng
Hoạt động tín dụng thu hút đông khách hàng
Theo WB, đạt được những kết quả tích cực này chủ yếu là nhờ Chính phủ Việt Nam đã quyết tâm phản ứng kịp thời trước tình hình kinh tế thay đổi. Trong vòng chưa đầy 3 năm, nền kinh tế Việt Nam đã chuyển từ tình trạng tăng trưởng đều đặn sang phát triển quá nóng, rồi ổn định hóa, đến kích cầu và cuối cùng là tái cân bằng nền kinh tế. Chính phủ Việt Nam đã không mất nhiều thời gian để điều chỉnh chính sách. Gần đây, gói kích cầu lớn, kết hợp chương trình miễn giảm thuế với tăng chi tiêu chính phủ và tăng trưởng tín dụng nhanh đã thành công trong việc kích thích cầu nội địa và duy trì tăng trưởng kinh tế. Đặc biệt, xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ vẫn chiếm khoảng 67% GDP ngay khi bị cuộc khủng hoảng tấn công trong năm 2009.

Tuy nhiên, bản báo cáo của WB cũng cho rằng, Việt Nam còn có thể làm được tốt hơn thế nếu thông tin được công bố và trao đổi tốt hơn. Do đó, Việt Nam cần một sự chuyển dịch nhanh quan điểm chính sách khi tình hình thay đổi. Tổng cục Thống kê Việt Nam cũng nhận định: mặc dù kết quả đạt được trong 6 tháng qua là đáng ghi nhận nhưng nền kinh tế vẫn chưa đạt được như mong muốn, thể hiện qua các cân đối kinh tế vĩ mô chưa thật vững chắc. Bởi mặc dù kim ngạch xuất khẩu tăng 15,7% so với cùng kỳ 2009 nhưng thực chất giá trị tăng thêm của xuất khẩu là không đáng kể; chất lượng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vẫn thấp.
anh ban may cay.jpg
Hàng nông cơ sản xuất  trong nước phục vụ sản xuất nông nghiệp
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, giữ ổn định kinh tế vĩ mô trong điều kiện hiện nay cần được coi là ưu tiên hàng đầu, không chỉ là nền tảng bảo đảm tốc độ tăng trưởng hợp lý cho năm 2010 mà sẽ là tiền đề để tăng trưởng cao cho những năm sau và hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Chính vì vậy, kiềm chế lạm phát ở mức trên dưới 8%, cải thiện cán cân thanh toán, giảm thâm hụt ngân sách Nhà nước là nhiệm vụ quan trọng cần tiếp tục thực hiện quyết liệt trong 6 tháng cuối năm.
H.H ( Tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc