Multimedia Đọc Báo in

Xã Phú Lộc (huyện Krông Năng): Phát triển kinh tế từ đa dạng hóa cây trồng

09:24, 21/07/2010
Những năm gần đây, đời sống thu nhập của đa số người dân xã Phú Lộc (huyện Krông Năng) ngày càng được cải thiện nhờ áp dụng phương pháp làm kinh tế tổng hợp đa dạng hóa cây trồng. Nhiều hộ có “của ăn, của để”.
Vốn là những người nông dân từ các vùng miền như Thừa Thiên Huế, Bắc Giang, Quảng Nam… vào Dak Lak làm kinh tế mới, tuy nhiên cuộc sống những tháng ngày mới vào lập nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn. Không chịu mãi cảnh nghèo khổ, năm 1995, nhiều hộ đã mạnh dạn đầu tư phát triển cây trồng tổng hợp như cà phê, cao su, hồ tiêu và các loại cây ngắn ngày như lúa nước, cây ăn quả, nâng tổng diện tích cây trồng lên đáng kể. Đến nay, trong tổng số 2.363 hộ, có hơn 70% hộ dân trồng cây tổng hợp trên tổng diện tích đất hơn 6.000 ha. Trong xu hướng chuyển dịch đa dạng hóa các nhóm cây trồng lâu năm và hàng năm đang được bố trí hợp lý, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, sinh thái vùng, đã tạo ra sản lượng tăng đáng kể. Theo đó, cây cà phê và cao su được xem là chiếm thế mạnh, có ý nghĩa quyết định việc thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương và cải thiện đời sống nhân dân. Đặc biệt, quá trình thử nghiệm thành công cây mắc-ca ở hộ ông Nguyễn Văn Cúc (thôn Lộc Xuân) đã và đang trở thành hướng làm giàu cho người dân nơi đây khi loại cây này ngày càng được nhân rộng. Theo ông Trần Tin, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã, hiện nay ngoài những hộ kinh doanh, chăn nuôi, thì các hộ làm nông đều mở rộng và chuyển dịch cơ cấu đa dạng cây trồng để bảo đảm nguồn thu nhập khi có cự cố xảy ra như mất mùa, rớt giá… sản phẩm.
Mô hình trang trại kinh tế tổng hợp của hộ ông Nguyễn Văn Bính.
Mô hình trang trại kinh tế tổng hợp của hộ ông Nguyễn Văn Bính.
Ông Trần Hữu Cường (thôn Lộc Yên) cho biết: “Trước đây, gia đình tôi chỉ trồng cà phê, thu nhập khoảng 200 triệu đồng/năm. Hơn 3 năm nay, tôi trồng thêm hơn 700 trụ tiêu trên diện tích 1 ha đất, hiện đang cho thu hoạch nên thu nhập cũng tăng đáng kể”. Bên cạnh đó, ông còn trồng các loại cây ngắn ngày, cây ăn quả khác góp phần cải thiện đời sống gia đình. Hay hộ ông Nguyễn Văn Bính (thôn Lộc Hải), không chỉ trồng gần 1.000 trụ tiêu, gia đình ông còn trồng cà phê, cao su, cây ăn quả và nuôi gà, cá thu nhập mỗi năm hơn 500 triệu đồng. Trồng cà phê từ năm 1988, đến năm 1993 trồng thêm cao su, năm 2000 tiếp tục trồng hồ tiêu trên tổng diện tích đất hơn 10 ha. Không chỉ dừng ở đó, năm 2004, ông Nguyễn Văn Cúc tiếp tục nhận từ Viện Nông nghiệp Việt Nam gần 200 cây giống mắc-ca để trồng thử nghiệm trên mảnh đất nhà mình. Kết quả ngoài sự mong đợi, sau hơn 4 năm đưa loại cây quả khô quý hiếm này vào trồng đã cho thu hoạch mỗi năm khoảng 7 đến 8 tạ hạt giống, với giá thành 500.000 đồng/kg và một cây con đã ghép cành có giá khoảng 50.000 đồng. Từ những loại cây trồng này, mỗi năm ông Cúc thu vào gần 1 tỷ đồng sau khi đã trừ hết chi phí. Cùng với hộ ông Cúc, anh Đinh Kim Thu (thôn Lộc Hải) cũng mạnh dạn trồng thử nghiệm cây mắc-ca. Để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, anh Thu đang đưa vào ươm và ghép cành hơn 1000 cây giống. Bên cạnh loại cây hiếm này, anh Thu còn trồng thêm cây cà phê, hồ tiêu, cây ăn quả với tổng diện tích cây trồng lên đến hơn 3 ha. Nhờ áp dụng phương pháp đa cây trồng, gia đình anh đã xây dựng ngôi nhà khang trang, con cái được học hành đến nơi đến chốn. Hiện anh đang mở rộng diện tích trồng thêm các loại cây như mắc-ca, hồ tiêu để tăng thu nhập.

Với những cây trồng cho năng suất cao này, hầu hết các hộ dân xã Phú Lộc đều phát triển kinh tế theo hướng tổng hợp đa cây, trong đó có 6 trang trại kinh tế được công nhận đạt tiêu chuẩn, nhiều hộ đang phát triển theo hướng này. Anh Trần Văn Ngọc, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: “Nhờ phát triển đa cây trồng mà hiện nay đời sống phần lớn người dân đã được cải thiện đáng kể và góp phần thúc đẩy kinh tế nông nghiệp ở địa phương. Qua đó, tỷ lệ hộ nghèo những năm trở lại đây giảm rõ rệt, riêng năm 2010 chỉ còn 4,78% hộ nghèo”.
Thúy Hồng

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.