Multimedia Đọc Báo in

Mong manh giấc mơ đổi đời từ cây mác - ca

09:25, 23/08/2010

Mác-ca tên gọi tắt của cây macadamia cho thu nhập mỗi năm 400 triệu đồng/ha, có thể khai thác hàng chục năm mà lại dễ trồng. Những chỉ số ấn tượng đó khiến nhiều nông dân Dak Lak hy vọng trở thành tỷ phú một cách đơn giản nhờ trồng “cây hiếm”. Loại cây này được trồng rất nhiều trong vài năm trở lại đây. Tuy nhiên đó là giấc mơ quá vội vàng và tiềm ẩn nhiều rủi ro khi cây này còn quá mới mẻ và chưa có sự bảo đảm chắc chắn nào về hiệu quả thực sự của nó.

Ông Nguyễn Văn Cúc là nông dân đầu tiên trong tỉnh trồng mác-ca.
Ông Nguyễn Văn Cúc là nông dân đầu tiên trong tỉnh trồng mác-ca.

Đua nhau trồng mác-ca
Cây mác-ca được bắt đầu trồng thử nghiệm ở Dak Lak từ đầu những năm 2000. Một trong những người trồng loại cây này đầu tiên ở tỉnh là ông Nguyễn Văn Cúc ở thôn Lộc Xuân, xã Phú Lộc, huyện Krông Năng. Tháng 8 – 2004, ông trồng 210 giống cây ghép nhập từ Australia xen trong đất trồng cà phê đang cho thu hoạch. Đây là nguồn giống do Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam cung cấp để trồng thử nghiệm với mục đích kiểm tra khả năng thích nghi của loại cây này ở Tây Nguyên. Đến nay, diện tích trồng mác-ca của ông đã lên đến 4 ha với hơn 1000 cây bằng giống cây ghép và giống thực sinh (ươm hạt), trong đó có hơn 1 ha đã cho thu hoạch năm thứ 2. Vụ vừa rồi, ông thu được 1,2 tấn hạt, với giá bán bình quân 3 USD /kg thì ông thu được hơn khoảng 50 triệu đồng sau khi trừ chi phí. Ông tính toán, từ năm thứ 10, cây cho thu hoạch ổn định thì mỗi ha có thể đạt gần 15 tấn hạt, lãi hơn 400 triệu đồng. Bên cạnh đó, mỗi năm ông còn cung cấp 6.000 – 7.000 cây giống cho bà con nông dân. Ông Cúc cho biết, trồng cây này hiệu quả kinh tế cao hơn rất nhiều so với cây cà phê mà chi phí đầu tư ban đầu chỉ mất khoảng 30 triệu đồng/ha. Trong vườn mác-ca của ông hiện có 21 giống các loại, trong đó có 6 giống đang chờ công nhận giống quốc gia. Tuy nhiên, các giống còn lại đều mới trồng, chưa biết khả năng thích nghi và hiệu quả đến đâu.

Anh Đinh Công Định ở thôn Trung Hòa, xã Dliê Ya, huyện Krông Năng cũng là một trong những nông dân có ước mơ đổi đời nhờ cây này. Nhưng cách làm của anh táo bạo hơn đó là sang Trung Quốc tìm hiểu thực tế và mua hạt về ươm giống. Đến nay, anh có 6 ha đất trồng “cây hiếm”, trong đó lứa cây đầu tiên trồng từ năm 2006 vẫn chưa cho quả. Anh Định cho biết, xem tài liệu thấy loại cây này có hiệu quả kinh tế rất cao, anh đã đầu tư một khoản tiền rất lớn để mua hạt giống nhưng hiệu quả đến nay vẫn chưa thấy.

Thông tin về loại cây siêu lợi nhuận khiến thời gian gần đây, nhiều nông dân các huyện Krông Năng, Cư M’gar, Krông Buk…và TP. Buôn Ma Thuột đua nhau trồng loại cây này với hy vọng trở thành tỷ phú. Anh Trần Hữu H. ở xã Ea Tân, huyện Krông Năng đã chặt bỏ một phần vườn cà phê của mình và đầu tư hàng chục triệu đồng mua giống cây mác-ca về trồng mặc dù rất mù mờ về nó. Hiện nay, “cây hiếm” đang lên cơn sốt ở Dak Lak. Tuy nhiên, việc đưa loại cây này vào trồng tràn lan là một điều rất mạo hiểm và chưa biết được hiệu quả chắc chắn như thế nào.  

Vườn cây giống ươm hạt của anh Đinh Công Định có nguồn gốc từ Trung Quốc.
Vườn cây giống ươm hạt của anh Đinh Công Định có nguồn gốc từ Trung Quốc.

Không nên vội vàng
Năm 2002, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên đưa vào trồng thử nghiệm 6 giống cây mác-ca nguồn gốc từ Trung Quốc. Đến nay, Viện đã trồng 16 giống nhưng những giống tốt nhất cũng chỉ đạt năng suất 6 – 8 kg hạt (bằng một nửa so với năng suất bình quân ở các khu vực khác trên thế giới) và cũng chưa phân tích thành phần chất béo của hạt. Theo  các cán bộ của Viện thì 2 giống cho hiệu quả cao hơn cả là OC, H2 và sẽ tiếp tục trồng thêm giống mới để đánh giá triển vọng của loại cây này ở tỉnh ta.

Cây giống là yếu tố quan trọng đầu tiên quyết định việc thành bại của việc trồng mác-ca. Giống cây ghép mới có thể cho quả đạt số lượng và chất lượng cao. Trong khi đó phần lớn các giống bán trên thị trường là giống cây thực sinh. Các cơ sở bán cây giống ra Ba Vì (Hà Nội) hoặc sang Trung Quốc mua hạt về tự ươm, còn người nông dân chạy theo phong trào tìm mua cây giống mà không biết chất lượng như thế nào?! Theo khảo sát của chúng tôi, trên đường Nguyễn Lương Bằng (TP. Buôn Ma Thuột) có khoảng gần vài chục điểm bán giống cây này với giá từ 25.000 – 40.000 đồng/cây. Một nông dân ở xã Quảng Tiến, huyện Cư M’gar đến mua cây giống nói “Nghe nhiều người nói về loại cây này nên tôi mua giống về trồng chứ không chắc kết quả sẽ ra sao”. Thực chất, người dân mua giống cây ươm hạt trồng thì sản lượng sẽ rất bấp bênh bởi mác-ca là cây hai lá mầm thụ phấn, chỉ có khoảng 30 – 50 % cho quả mà số lượng, trọng lượng, chất lượng hạt cũng không cao.

Mặt khác, trong số hàng chục giống mác-ca hiện nay thì chỉ có một số giống có thể thích nghi và cho hiệu quả ở Dak Lak và một số vùng mới hợp với loại cây này bởi nó thích nghi tốt nhất ở điều kiện độ cao từ 400 -  800 mét, đất không úng nước và nhiệt độ giao động từ 16 – 280C… Đồng thời, đây là loại cây lâm nghiệp, ít nhất sau 3 - 4 năm mới cho quả nên phải chờ đợi một thời gian dài để biết hiệu quả, càng khó khăn cho người nông dân. Thạc sĩ Đặng Đinh Đức Phong, Phó trưởng Bộ môn Cây lâm nghiệp và cây ăn quả, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên cho biết, cây mác-ca là một loại cây trồng mới, đang trồng thử nghiệm ở Dak Lak và chưa thể loại giống nào, vùng đất nào có thể xác định trồng loại cây này có hiệu quả.

Bài học chua xót về thất bại với cây tràm gió ở các tỉnh miền Trung – Tây Nguyên, chanh dây ở Dak Nông… đang còn nóng hổi. Người nông dân không nên quá vội vàng với giấc mơ đổi đời từ cây mác-ca khi nó chỉ đang trong quá trình trồng khảo nghiệm.

Minh Thông

 


Ý kiến bạn đọc