Multimedia Đọc Báo in

Phát triển bền vững ngành nghề nông thôn: Khi nào mới hết khó?

16:39, 12/08/2010

Là trung tâm kinh tế - xã hội của vùng Tây Nguyên, Dak Lak có nhiều điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư vào các ngành nghề nông thôn. Tuy nhiên, để ngành nghề trong khu vực này phát triển bền vững cần phải có sự phối hợp đồng bộ giải quyết nhiều vấn đề.

Còn nhiều rào cản
Hiện Dak Lak có trên 8.000 cơ sở ngành nghề nông thôn hoạt động thường xuyên, trong đó có 295 hợp tác xã (HTX) gồm: 116 HTX nông nghiệp, 17 HTX thương mại, dịch vụ, 34 HTX giao thông vận tải, 36 HTX xây dựng, 81 HTX công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và 11 quỹ tín dụng nhân dân đã tạo một thế mạnh cho ngành nghề nông thôn phát triển. Bên cạnh đó, trong những năm gần đây, nhiều nghề truyền thống đã được khôi phục như: dệt thổ cẩm, thêu, mây tre đan, mỹ nghệ, chế biến nông sản, sản xuất vật liệu xây dựng… và mở thêm nhiều nghề mới như: trồng hoa, cây cảnh, sản xuất nấm, sản xuất vi sinh, nuôi trồng thủy sản… góp phần giải quyết công ăn việc làm cho lao động tại chỗ, nâng cao thu nhập và đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn. Đến nay, trên địa bàn nông thôn tỉnh có khoảng 35 loại nghề đang hoạt động thuộc 5 nhóm ngành nghề chính gồm: chế biến nông, lâm, thủy sản; sản xuất vật liệu xây dựng, đồ gỗ, cơ khí nhỏ; sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ; gây trồng, kinh doanh sinh vật cảnh, sản xuất chậu cảnh; xây dựng, vận tải, sửa xe gắn máy, các dịch vụ phục vụ sản xuất và đời sống dân cư nông thôn. Tuy nhiên, ngành nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh còn nhỏ về quy mô, khối lượng và giá trị sản phẩm; đơn điệu về chủng loại, mẫu mã sản phẩm và kém về mức độ kỹ xảo; chất lượng còn thấp chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh. Nguyên nhân do hầu hết các cơ sở chưa có định hướng phát triển lâu dài, thiếu vốn, thiếu lao động có tay nghề cao và thị trường tiêu thụ. Mặt khác, do chưa có quy hoạch cụ thể, sự quan tâm, hỗ trợ thích đáng và tạo điều kiện của các ngành chức năng, các cấp chính quyền, nhất là công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và thị trường tiêu thụ nông sản. Bên cạnh đó, ngành nghề nông thôn chủ yếu phát triển ở nông thôn chủ yếu phát triển tự phát, công nghệ phần lớn còn lạc hậu, nhiều cơ sở không đủ vốn đầu tư để đổi mới công nghệ và mở rộng quy mô sản xuất, theo đó vấn đề ô nhiễm môi trường nông thôn cũng đã gây nhiều bức xúc cho cộng đồng. Thiếu liên kết chặt chẽ giữa các làng nghề, các cơ sở sản xuất để cung cấp thông tin thị trường, hợp tác sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; thiếu liên kết giữa các cơ sở sản xuất với vùng nguyên liệu; công tác đào tạo, truyền nghề chưa được chú trọng đúng mức, năng lực đội ngũ quản lý còn thấp… là những rào cản cho việc khai thác tốt tiềm năng sẵn có để phát triển ngành nghề nông thôn.

Trồng cây cảnh là một nghề mới được ưu tiên phát triển trong quy hoạch ngành nghề nông thôn. Trong ảnh: Trồng cây mai kinh doanh tại xã Hòa Xuân
Trồng cây cảnh là một nghề mới được ưu tiên phát triển trong quy hoạch ngành nghề nông thôn. Trong ảnh: Trồng cây mai kinh doanh tại xã Hòa Xuân.


Hướng mở cho ngành nghề nông thôn
Mới đây, Sở NN-PTNT vừa công bố quy hoạch ngành nghề nông thôn tỉnh giai đoạn 2010 – 2015 và định hướng đến năm 2020, theo đó mục tiêu của dự án quy hoạch là giải quyết công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động, bảo tồn và phát huy một số nghề, làng nghề truyền thống. Trong đó, có 9 dự án được ưu tiên, đơn cử: Dự án công nhận nghề, làng nghề, làng nghề truyền thống, trước mắt sẽ tập trung hỗ trợ cho các làng nghề thuộc huyện Lak, Cư M’gar, Krông Ana, TP. Buôn Ma Thuột xây dựng đủ các tiêu chí để được công nhận; Với mục tiêu là khôi phục và phát triển các làng nghề dệt thổ cẩm truyền thống nhằm tạo việc làm cho lao động tại chỗ và góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, Dự án bảo tồn và phát triển các làng nghề truyền thống dệt thổ cẩm sẽ đầu tư cho mỗi huyện có nghề dệt thổ cẩm ít nhất 2 làng, gồm xây dựng cơ sở hạ tầng, tổ chức các lớp đào tạo, truyền nghề, xúc tiến thương mại, tìm kiếm và mở rộng thị trường tiêu thụ; Dự án hỗ trợ nông dân đầu tư dây chuyền chế biến cà phê ướt nhằm phát triển mạnh các cơ sở chế biến cà phê ướt quy mô nông hộ. Đến năm 2015, toàn tỉnh có 950 dây chuyển sản xuất và năm 2020 tăng lên 1.500 dây chuyền với 6000 lao động tham gia; Dự án xây dựng các làng nghề gắn với du lịch, sẽ quy hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng cho 9 điểm làng nghề kết hợp với du lịch, khuyến khích những hộ có tay nghề cao trong lĩnh vực dệt thổ cẩm, sản xuất rượu cần, mây tre đan, mỹ nghệ…phát triển sản xuất gắn với các hoạt động du lịch; Dự án chuyển đổi công nghệ, di dời các cơ sở sản xuất gạch vào vùng quy hoạch, các cơ sở sản xuất gạch sẽ được hỗ trợ về vốn, công nghệ, mặt bằng; Dự án đào tạo nghề, truyền nghề và các hoạt động khuyến công, phấn đấu mỗi năm đào tạo được khoảng 1.500 lao động bằng cách hỗ trợ kinh phí, nhân lực để tổ chức các lớp đào tạo nghề, truyền nghề, nâng cao hiệu quả các hoạt động khuyến công. Ngòai ra, dự án quy hoạch ngành nghề nông thôn còn chú trọng phát triển các ngành mới như: nghề trồng nấm, sản xuất bao bì, đồ hộp đựng hoa quả xuất khẩu, rau mầm, trồng cây cảnh, sinh vật cảnh… Có thể nói, những chính sách hỗ trợ trên nếu được thực hiện tốt sẽ “cởi trói” để ngành nghề nông thôn có những bước phát triển đột phá. Theo ông Vũ Văn Đông, Phó giám đốc Sở NN-PTNT, trong thời gian tới, sở sẽ thành lập Ban chỉ đạo để hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện đồng bộ và có hiệu quả trong phát triển ngành nghề nông thôn. Đồng thời, huy động nguồn vốn theo nhiều kênh để xây dựng cơ sở hạ tầng, đầu tư máy móc, cải tiến công nghệ chế biến… Tuy nhiên, để ngành nghề nông thôn phát triển bền vững cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở ngành và chính quyền các cấp trong việc hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các ngành nghề khai thác tốt tiềm năng sẵn có.

 

Thuận Nguyễn

 


Ý kiến bạn đọc