Màu xanh trên đất trắng
Không được thiên nhiêu ưu đãi chất đất đỏ bazan màu mỡ, những người nông dân canh tác trên những vùng đất bạc màu vẫn tìm ra hướng đi thích hợp để phát triển sản xuất, cải thiện đời sống.
Đi giữa ngút ngàn màu xanh cây trồng trên các quả đồi thuộc địa bàn thị trấn Ea Knôp (huyện Ea Kar), khó có thể hình dung nơi đây từng là vùng đất trắng hoang vu. Với bàn tay, khối óc và nghị lực, ý chí con người, những đầm lầy dày đặc lau sậy, những quả đồi rậm rạp cỏ tranh đã biến thành xóm làng trù phú với đồng ruộng, đồi cây trái bạt ngàn. Anh cán bộ Hội Nông dân thị trấn, người đã có thâm niên gắn bó với vùng đất này từ sau ngày giải phóng tâm sự: “Nghe thì đơn giản vậy, nhưng để bắt đất sinh lợi cũng trầy vi tróc vảy lắm, nhất là với vùng đất cát pha bạc màu như ở đây. Dãi nắng dầm mưa khai hoang vỡ đất đã cực, đến khi có đất rồi tính chuyện trồng trọt ra sao cũng cực không kém. Lúc đầu, cây trồng phát triển rất chậm do đất đai chưa thuần nhất, khí hậu khắc nghiệt. Đã có thời, mọi người đua nhau trồng cà phê, tốn bao công sức, tiền của mà hiệu quả kinh tế không là bao, lại chuyển sang trồng hoa màu, xen canh gối vụ… Không chùn bước trước khó khăn, nhiều nông dân đã nghiên cứu, tìm tòi, học hỏi từ nhiều nguồn để tìm cách chế ngự đất, và họ đã thành công khi phát hiện chất đất, khí hậu nơi đây phù hợp với sự sinh trưởng của cây mía. Mô hình trồng mía thực sự phát huy hiệu quả khi Công ty Mía đường 333 đứng chân trên địa bàn triển khai kế hoạch phát triển vùng nguyên liệu”. Hiện nay, những diện tích trồng màu không hiệu quả đã được chuyển sang trồng mía, cả thị trấn trồng được khoảng 300 ha. Mía phủ kín các quả đồi, đem lại cuộc sống no ấm cho người dân, như hộ anh Nguyễn Văn Tiến ở khối 8 trồng 4 ha mía đã cho thu hoạch 3 năm nay, vụ vừa rồi thu nhập 280 triệu đồng, hộ anh Thái Sơn ở khối 12 mới trồng 1,2 ha trong vụ này, dự tính thu nhập khoảng 40 triệu đồng… Người dân cũng biết tận dụng lợi thế về điều kiện tự nhiên, kết hợp với cải tạo đất để đưa vào phát triển vườn cây ăn trái. Anh Lương Xuân Tứ, một chủ vườn cây trái kiêm cung cấp cây giống cho biết: Những giống cây trái như xoài tứ quý, sầu riêng cơm vàng hạt lép trồng ở đây sinh trưởng khá tốt, nếu được chăm sóc đúng kỹ thuật đem lại lợi nhuận cao hơn hẳn trồng tiêu, đã có một số nhà vườn trồng thành công nên diện tích cây ăn trái đang phát triển mạnh, mỗi năm trồng mới hơn 3000 cây. Cây ăn trái chủ yếu bón phân vi sinh nên vừa mang lại hiệu quả kinh tế, vừa có tác dụng cải tạo đất, bảo vệ môi trường.
Thu hoạch xoài trên vùng đất cát pha. |
Nơi vùng biên Ea Súp, màu xanh cây trái đang góp phần dịu bớt cái nắng gió khắc nghiệt. Những người dân xứ cây trái Bến Tre nổi tiếng khi đến lập nghiệp ở vùng đất cát pha với khí hậu nóng bức kéo dài suốt 6 tháng mùa khô này đã bắt đầu trồng cây ăn trái, chủ yếu là các loại xoài. Ông Nguyễn văn Chu, chủ một vườn cây ở xã Ia Rvê khẳng định: Cây xoài trồng vùng này rất thích hợp với điều kiện sinh thái, dễ đầu tư chăm bón, không bị sâu bệnh, cho năng suất và chất lượng cao hơn những vùng khác. Do ảnh hưởng của điều kiện sinh thái và tiểu khí hậu trong vùng, cây xoài trồng ở Ea Súp có tỷ lệ hoa đậu quả cao, quả chín muộn hơn 1-2 tháng so với những nơi khác, thơm ngon hơn xoài Nam Bộ, nên vừa dễ tiêu thụ vừa bán được giá. Nếu chăm sóc đúng kỹ thuật thì 3 năm cây cho thu hoạch trái, năng suất đạt ít nhất 300 kg trái/ sào, đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho nhà vườn. Việc phát triển cây xoài vừa mang lại giá trị kinh tế, vừa có tác dụng phủ xanh thảm thực vật để cải tạo sinh thái của vùng đất cát pha đầy nắng gió này. Từ kinh nghiệm thực tế, thời gian qua nhiều hộ nông dân ở Ea Súp đã mua cây giống xoài của Nam Bộ đưa về trồng phân tán trong vườn thổ cư để lấy quả và làm cây che bóng mát, có hộ còn trồng cả trên đất rẫy. Đến nay, nhiều cây đã phát triển khá tốt, cho quả nhiều và chất lượng ngon hơn xoài trồng ở những nơi khác, bước đầu tạo nên một thương hiệu xoài Ea Súp. Một loại cây trồng khá phù hợp trên đất bạc màu nữa là cây tre. Hiện nay, mô hình trồng tre lấy măng đang phát triển mạnh trên địa bàn tỉnh, vì loại cây này phát triển tốt trên những diện tích đất cằn cỗi, đất dốc nên người dân có thể tận dụng mọi diện tích để trồng. Hơn nữa, các biện pháp thâm canh cũng đơn giản, phù hợp với trình độ canh tác của nông dân, vốn đầu tư trồng tre lại ít…
Có dịp tìm hiểu những mô hình sản xuất có hiệu quả trên những vùng đất kém màu mỡ, mới càng thêm trân trọng ý chí, nghị lực của những nông dân đã quyết tâm vượt khó, tìm ra hướng đi thích hợp để phát triển sản xuất, cải thiện đời sống.
Ý kiến bạn đọc