Nông dân M’Drak làm giàu từ rừng
Khoảng 10 năm trở lại đây, màu xanh của những cánh rừng đã phủ kín các vùng đồi núi thảo nguyên M’Drak, nhờ đó, cuộc sống của hàng ngàn người dân các địa phương trong huyện cũng từng bước đổi thay.
Không còn đất trống đồi trọc!
Đó là lời khẳng định của những người làm công tác lâm nghiệp ở M’Drak. Từ đèo Phượng Hoàng đến dãy Núi Vọng Phu sang núi Krông Á trải dài qua các xã Ea Trang, Cư Prao, Cư Króa, Cư M’ta đến Krông Á…ngút ngàn rừng keo, bạch đàn. Huyện M’Drak có diện tích tự nhiên 133.628 ha, với 71.000 ha rừng, trong đó có 20.000 ha rừng trồng, được đánh giá là một trong những huyện thực hiện công tác trồng rừng hiệu quả nhất trong tỉnh. Với tiềm năng to lớn về lâm nghiệp, bên cạnh diện tích rừng tự nhiên vốn có, công tác trồng rừng được triển khai mạnh mẽ từ đầu những năm 2000. Trên địa bàn huyện có 5 đơn vị tham gia vào hoạt động lâm nghiệp là Công ty lâm nghiệp M’Drak, Ban quản lý rừng phòng hộ Núi Vọng Phu, Công ty TNHH Trường Thành, Xí nghiệp Nguyên liệu giấy Dak Lak (thuộc Công ty Cổ phần Tập đoàn Tân Mai), Công ty TNHH Tam Phát (TP. Hồ Chí Minh), đã thuê đất hoặc liên kết với người dân thông qua hình thức giao khoán để triển khai các kế hoạch trồng rừng.
Cán bộ và công nhân Công ty Lâm nghiệp M'Drak kiểm tra vườn keo giống. |
Công ty Lâm nghiệp M’Drak (trước đây là Lâm trường M’Drak) là đơn vị đi đầu trong công tác trồng rừng bắt đầu từ năm 1990. Thực hiện Chương trình 661 của Chính phủ từ 1999 đến nay, đơn vị này đã có 1979 ha rừng phòng hộ trồng các loại cây bản địa (xà cừ) và cây phụ trợ (muồng đen, bạch đàn…), giao khoán cho 658 hộ ở Ea Lai, Krông Jing và Krông Á. Sau khi khai thác, người nông dân được hưởng 100% giá trị từ các loại cây phụ trợ. Từ năm 2000, công ty bắt đầu đẩy mạnh trồng rừng sản xuất bằng cây keo lai, bạch đàn qua hình thức khoán cho người dân. Theo đó, đơn vị sẽ cung cấp cây giống, vật tư, phân bón và hướng dẫn kỹ thuật; người nhận khoán được hưởng tiền công chăm sóc 4 năm đầu và 2% lợi nhuận sau khai thác. Đến nay, công ty có 1240 ha rừng kinh doanh, giao khoán cho 379 hộ dân ở Ea Trang, Ea Lai và Krông Á (trong đó có 352 hộ đồng bào dân tộc thiểu số), bình quân 3 – 5 ha/hộ. Diện tích trồng những năm đầu tiên đã cho khai thác với khoảng 200 ha/năm, đạt sinh khối bình quân 100 – 120 m3/ha. Theo ông Phạm Thế Minh, Phó Giám đốc Công ty thì hiệu quả thiết thực đạt được từ công tác trồng rừng, một phần nhờ tâm huyết của những người làm công tác lâm nghiệp, phần khác người dân ngày càng thấy được lợi ích của việc trồng rừng, cùng với sự chỉ đạo sâu sát đến tận các phân trường và những người trồng rừng của công ty.
Cuộc sống đổi thay nhờ rừng
Ea Trang là địa phương có diện tích rừng lớn của huyện, với 15.000 ha rừng tự nhiên và rừng trồng, trong đó Công ty Lâm nghiệp M’Drak quản lý 1000 ha; BQL rừng phòng hộ Núi Vọng Phu liên kết với Công ty Trường Thành 700 ha, Công ty Tam Phát 240 ha, Xí nghiệp Nguyên liệu giấy Dak Lak 200 ha và hơn 500 ha do người dân tự trồng. Các doanh nghiệp đầu tư có hiệu quả với nhiều biện pháp hỗ trợ thiết thực đã khuyến khích người dân tích cực trồng rừng. Có đến 80% hộ dân ở đây trồng rừng, nhiều hộ nhận khoán hàng chục ha như anh Y Klap (thôn 1) 20 ha, Thái Đình Toàn (thôn 3) 10 ha… Gia đình bà H’Ngơn H’Winh (buôn Thi) nhận khoán từ năm 2000 đến nay tổng cộng 50 ha rừng, năm rồi bà thu nhập 20 triệu đồng tiền công chăm sóc, bảo vệ cộng với lợi nhuận từ rừng sau khai thác, nhờ vậy bà đã xây dựng được nhà cửa khang trang, cuộc sống ổn định. Bà phấn khởi nói: “Nhờ trồng rừng, nhà mình có thêm tiền thu nhập, cuộc sống đỡ hơn nhiều so với trồng bắp trước đây”. Đánh giá về lợi ích của trồng rừng, ông Y Muôn Byă, Chủ tịch UBND xã cho biết, việc liên kết với các đơn vị trồng rừng tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho lao động tại địa phương, tăng thêm thu nhập cho người dân và góp phần vào công tác xóa đói giảm nghèo.
Bà H'Ngơn H'Winh (buôn Thi, xã Ea Trang) đang chăm sóc vườn keo lai gần 2 năm tuổi. |
Nhận thấy lợi ích của việc trồng rừng, người dân các xã ở M’Drak không những liên kết với các doanh nghiệp mà còn tự khai hoang, bỏ vốn trồng rừng và có thu nhập hàng trăm triệu đồng. Anh Phan Đức Thanh ở thôn 8, xã Cư Króa bắt đầu trồng rừng từ năm 2004 và đến nay đã có 50 ha rừng keo lai. Anh vừa khai thác 3,5 ha đầu tiên, bán gỗ nguyên liệu giấy thu lãi hơn 100 triệu đồng. Mấy năm nữa khi số diện tích còn lại cho khai thác, thu nhập của anh còn lớn hơn gấp nhiều lần. Hay như anh Bùi Văn Tuyên ở xã Ea H’Mlay đã đầu tư hơn 100 triệu đồng trồng 40 ha rừng keo, trong đó 4 ha vừa cho khai thác và tiền lãi đã bù lại vốn. Những năm sau, rừng của anh sẽ cho lợi nhuận hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Ý kiến bạn đọc