Multimedia Đọc Báo in

Sản phẩm du lịch - Thị trường còn bỏ ngỏ

09:30, 14/09/2010

Lượng du khách đến tỉnh ta ngày càng tăng kéo theo đó là nhu cầu cao về sản phẩm du lịch. Song, ngành du lịch vẫn  lúng túng trong việc tìm hướng phát triển sản phẩm nhằm tạo sức hút với du khách.

Đơn điệu sản phẩm
Dù các doanh nghiệp đang có những nỗ lực đầu tư cho sản phẩm du lịch, nhưng xét trên tổng thể, loại hình sản phẩm này vẫn còn khá nghèo nàn, đơn điệu. Đơn cử như mặt hàng quà lưu niệm, đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút khách, nhưng hầu như các doanh nghiệp chưa quan tâm đầu tư cho lĩnh vực này. Thông thường, du khách nào cũng muốn mua một món quà lưu niệm để nhớ về một vùng đất mà mình đã có dịp đặt chân đến, song tại các khu du lịch trọng điểm như Buôn Đôn, Hồ Lak…, quà lưu niệm đều na ná nhau, như thổ cẩm, tranh gỗ, mây tre đan… Theo nhiều du khách, những món quà này đều có thể dễ dàng tìm mua ở các quầy hàng lưu niệm tại các thành phố lớn, thậm chí giá còn rẻ hơn! Hay như với sản phẩm voi - vốn được xem là “đặc sản” của địa phương cũng chưa được quan tâm khai thác đúng mức. Hội Voi diễn ra trong khuôn khổ Tuần lễ Văn hóa - Du lịch Dak Lak 2009 với nhiều hoạt động xoay quanh chủ đề Voi đã đem lại một không khí sôi động cho hoạt động du lịch, nhưng cũng chỉ trong phạm vi Tuần lễ, chưa đủ sức tạo “cú hích” cho sản phẩm mang thương hiệu Voi Dak Lak như các nhà tổ chức từng kỳ vọng. Đến nay, việc khai thác sản phẩm vẫn chủ yếu là ... cưỡi voi đi loanh quanh, chụp hình với voi, lặp đi lặp lại như vậy nên  du khách dù tò mò, hiếu kỳ đến đâu cũng ít có nhu cầu thưởng thức lần thứ hai. Thời gian qua, một số tour du lịch đã đưa vào sản phẩm biểu diễn cồng chiêng, văn nghệ dân gian, nhưng việc “sân khấu hóa” cồng chiêng đã phần nào làm giảm sức hấp dẫn của loại hình này. Ngay tại TP. Buôn Ma Thuột, nơi tập trung các khách sạn với lượng du khách lớn nhất tỉnh cũng rất ít sản phẩm đặc trưng, khó đáp ứng nhu cầu  tham quan, vui chơi, mua sắm của du khách. Nói chung, các tour du lịch trên địa bàn thường có thời gian rất ngắn, với một số ít sản phẩm quen thuộc, sẵn có nên thời gian lưu trú của du khách không nhiều, lợi nhuận của ngành du lịch từ việc mua sắm của du khách không đáng kể. Theo thống kê của ngành du lịch tỉnh, trong tổng chi phí của du khách đến tỉnh ta mấy năm gần đây, chi phí lớn nhất vẫn là dịch vụ lưu trú, chiếm tỷ lệ khoảng 70%, còn chi phí mua sắm chỉ chiếm khoảng 10- 15%. So với các nước trong khu vực như Thái Lan, Singapore … (có  chi phí mua sắm từ mỗi du khách chiếm tỷ lệ tới hơn 50%) thì đây là quả là một con số quá ít ỏi .

Du khách mua sắm quà lưu niệm tại Buôn Ma Thuột.
Du khách mua sắm quà lưu niệm tại Buôn Ma Thuột.


Lỏng lẻo liên kết
Mấy năm gần đây, ngành du lịch đang có những nỗ lực trong việc làm mới sản phẩm du lịch mang đậm nét đặc trưng của vùng đất, như tổ chức hội voi, tour du lịch cà phê…, nhưng các sản phẩm này vẫn đang còn ở mức độ thử nghiệm, chưa đủ sức hút với du khách. Trong cuộc tọa đàm phát  triển du lịch Dak Lak do Hiệp hội du lịch Dak Lak phối hợp với Hiệp hội du lịch TP. HCM tổ chức vào cuối năm 2009 tại TP. Buôn Ma Thuột, đại diện Hiệp hội du lịch Dak Lak thẳng thắn nhìn nhận: “Vẫn biết sản phẩm du lịch trên địa bàn còn đơn điệu, nghèo nàn, nhưng “lực bất tòng tâm” vì tỉnh chưa có đơn vị chuyên làm loại sản phẩm này, đây cũng là điều trăn trở nhất trong việc phát triển du lịch.” Lý giải tình trạng này, nhiều doanh nghiệp du lịch cho rằng, sản phẩm du lịch rất cần sự liên kết của nhiều lĩnh vực, nhưng hiện nay mối liên kết này còn  lỏng lẻo. Đơn cử như sản phẩm voi, vẫn chưa có sự thống nhất giữa chủ voi và doanh nghiệp du lịch về cách khai thác, chưa có sự thân thiện giao lưu giữa bên nài voi-voi và du khách; hoặc sản phẩm du lịch với cà phê chưa tạo sự thống nhất giữa các công đoạn sản xuất - chế biến- kinh doanh nên khó đáp ứng nhu cầu khám phá, trải nghiệm của du khách. Với quà lưu niệm, các công đoạn sản xuất, tiêu thụ còn đơn lẻ, tạo ra cái vòng luẩn quẩn: người sản xuất không có mặt bằng để bán, còn người bán hàng thì cũng không chuyên. Đại diện Công ty Du lịch Viettravel chia sẻ: Đặc thù của quà lưu niệm là nhỏ gọn, mang tính đặc trưng vùng miền và giá cả vừa phải, nên rất cần có sự chuyên nghiệp hóa trong chuỗi sản xuất, tiêu thụ, vì khi sản phẩm có giá bán không cao thì phải được bán với số lượng nhiều mới tái tạo được vòng quay đồng vốn và giảm chi phí sản xuất. Chủ một cơ sở kinh doanh quà lưu niệm cho biết, làm mặt hàng này đòi hỏi phải có sự sáng tạo, thay đổi mẫu mã liên tục, và nhất là phải mang tính đặc trưng của từng vùng, miền. Sở dĩ ngành du lịch chưa làm được điều này vì chưa tạo ra được các điều kiện “cần và đủ”, như mặt bằng trưng bày, điểm bán tập trung, thị trường du lịch trong nước ổn định, sự liên kết giữa nhiều đơn vị để tạo ra một cộng đồng quà tặng, có chính sách ưu đãi, khuyến khích người sản xuất...

Tham quan Làng Cà phê Trung Nguyên (BMT) theo tour du lịch cà phê.
Tham quan Làng Cà phê Trung Nguyên (BMT) theo tour du lịch cà phê.


Định hướng phát triển du lịch Dak Lak đến năm 2020 đã nhấn mạnh đến  việc phát triển sản phẩm du lịch theo hướng tận dụng ưu thế du lịch sinh  thái . Theo các doanh nghiệp, trong đó cần chú trọng đến việc khai thác, phát huy lợi thế đặc thù địa phương như cà phê, voi, ghềnh thác. Các doanh nghiệp du lịch đều thống nhất nhận định là sản phẩm du lịch phải luôn được làm  mới mới đủ sức hút du khách, nhưng sản phẩm du lịch Dak Lak có đặc thù là tài nguyên thiên nhiên nên rất khó đổi mới. Mặt khác, khi làm ra được sản phẩm rồi thì việc quảng bá, giới thiệu, phân phối cũng quan trọng không kém. Do đó rất cần đẩy mạnh sự liên kết với các địa phương khác để tạo sự chuyên nghiệp hóa trong các khâu sản xuất, phân phối sản phẩm. Trong đó, mối liên kết với doanh nghiệp TP HCM cần được chú trọng, vì nơi đây là thị trường rộng lớn, liên tục có nhu cầu đổi mới sản phẩm, thúc đẩy phát triển du lịch.

 

Hoa Hồng

 


Ý kiến bạn đọc