Multimedia Đọc Báo in

SỰ RA ĐỜI CỦA HIỆP HỘI CÀ PHÊ BUÔN MA THUỘT:

Dấu mốc quan trọng của ngành cà phê Dak Lak

07:49, 10/09/2010

Với diện tích trên 180.000 ha và sản lượng hằng năm khoảng 400.000 tấn cà phê nhân mang về giá trị xuất khẩu 500-600 triệu USD, Dak Lak được mệnh danh là thủ phủ cà phê của Việt Nam. Quả thật, điều kiện tự nhiên lý tưởng của nền đất basalt trẻ, độ cao từ 400-800 m so mực nước biển, biên độ nhiệt ngày đêm cao đã làm cho cà phê tỉnh ta không chỉ đạt sản lượng cao vào bậc nhất của thế giới mà còn kết tinh trong hạt cà phê phẩm vị thơm ngon đặc biệt được người tiêu dùng biết đến từ lâu với tên gọi Cà phê Buôn Ma Thuột.

Đây chính là lợi thế cạnh tranh của sản phẩm địa phương cần phải có chiến lược khai thác hợp lý lâu dài, khuếch trương danh tiếng địa phương cũng như góp phần tạo dựng hình ảnh quốc gia trên trường quốc tế.

Cà phê có chỉ dẫn địa lý là một trong những xu hướng phát triển quan trọng được nhiều quốc gia trồng cà phê đặc biệt quan tâm như Colombia với chỉ dẫn địa lý cà phê Colombia và Narino, Jamaica với cà phê Blue Mountain, Guatemala với cà phê Antigua, Mexico với cà phê Veracruz, Hawaii (Mỹ) với cà phê Kona, Ethiopia với Harrars và Yirgacheffes, Tanzania với cà phê Kilimanjaro, Ấn độ với Monsooned Malabar, Indonesia với Java, Toraja... Hiện nay trong thị trường cà phê đặc sản, cà phê mang chỉ dẫn địa lý có khối lượng lưu thông còn khiêm tốn nên thường bán được với giá cao.

Bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho nông sản là một xu thế lớn trên thế giới cũng như tại Việt Nam trong những năm gần đây. Nhận thức được vị thế chiến lược, lợi thế cạnh tranh của ngành cà phê đối với phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh cũng như nhu cầu cấp thiết bảo hộ tài sản trí tuệ địa phương nên UBND tỉnh đã đứng tên đăng bạ chỉ dẫn địa lý Cà phê Buôn Ma Thuột để được bảo hộ trong nước và tiến tới bảo hộ quốc tế. Chỉ dẫn địa lý Cà phê Buôn Ma Thuột được đăng bạ theo Quyết định số 896 QĐ-SHTT ngày 14-10-2005 của Cục Sở hữu Trí tuệ. Đăng bạ này có giá trị bảo hộ trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Đây là một mốc lịch sử đáng nhớ trong chặng đường phát triển đầy thử thách của ngành cà phê tỉnh ta song cũng chỉ mới là bước khởi đầu của quá trình tạo dựng thương hiệu cho sản phẩm.

Sản xuất cà phê đã mang lại lợi ích kinh tế lớn lao cho nhiều người dân Dak Lak. (Ảnh: T.L)
Sản xuất cà phê đã mang lại lợi ích kinh tế lớn lao cho nhiều người dân Dak Lak. (Ảnh: T.L)

Để chỉ dẫn địa lý Cà phê Buôn Ma Thuột thực sự trở thành một tài sản trí tuệ có giá trị phục vụ trước hết cho lợi ích của cộng đồng sản xuất và kinh doanh cà phê trong vùng địa danh cần thiết phải hình thành một loại hình tổ chức của cộng đồng có chức năng nhiệm vụ chủ yếu là quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý Cà phê Buôn Ma Thuột. Kinh nghiệm từ những quốc gia có sử dụng chỉ dẫn địa lý nông sản để xây dựng và quảng bá thương hiệu, thông thường Hiệp hội ngành hàng thực hiện chức năng quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý. Đối với sản phẩm cà phê, tỉnh ta và vùng địa danh cà phê Buôn Ma Thuột chưa có hình thức tổ chức nào do các tác nhân trong chuỗi cà phê tự nguyện đứng ra thành lập để liên kết các tác nhân trong chuỗi từ sản xuất đến chế biến, kinh doanh, quảng bá. Với chỉ dẫn địa lý Cà phê Buôn Ma Thuột được bảo hộ, việc ra đời Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột là cần thiết, là cơ hội để cộng đồng cà phê góp tiếng nói chung phát triển tài sản trí tuệ địa phương và về lâu dài có thể hưởng lợi từ tài sản quý giá này.

Chương trình phát triển cà phê bền vững của tỉnh được HĐND tỉnh thông qua ngày 8-10-2008 coi việc thành lập Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột là một giải pháp quan trọng. Ban vận động thành lập Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột đã được UBND tỉnh công nhận và chính thức hoạt động từ tháng 12-2009. Ban vận động tiến hành công tác vận động hội viên, đến trước thời điểm Đại hội lần thứ nhất đã có 77 tổ chức và cá nhân tự nguyện tham gia, trong đó 29 thành viên là hội viên cá nhân và 48 thành viên là hội viên tập thể.

Song song với việc vận động thành lập Hiệp hội, với sự tư vấn của Cục Sở hữu Trí tuệ và Sở Khoa học & Công nghệ, Ban vận động đã nỗ lực hoàn thành các thủ tục hồ sơ để chuẩn bị tiến tới Đại hội lần thứ nhất như: dự thảo Điều lệ Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột; dự thảo Quy chế hoạt động của Ban kiểm tra; dự thảo phương hướng hoạt động của Hiệp hội nhiệm kỳ I; Quy chế quản lý, sử dụng chỉ dẫn địa lý Buôn Ma Thuột đối với sản phẩm cà phê nhân Robusta. Các văn bản quan trọng này đã  được gửi đến các thành viên của ban vận động; các hội viên; các cơ quan ban ngành liên quan và các chuyên gia để góp ý hoàn thiện. Quy chế quản lý, sử dụng chỉ dẫn địa lý Buôn Ma Thuột đối với sản phẩm cà phê nhân Robusta đã được UBND tỉnh ký quyết định ban hành vào tháng 6-2010. Dự thảo điều lệ gồm 8 chương, 32 điều, trong đó các chương quan trọng đã nêu rõ tôn chỉ, mục đích; nguyên tắc hoạt động, nhiệm vụ quyền hạn; hội viên; cơ cấu tổ chức; tài chính, tài sản…

 Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột là tổ chức xã hội nghề nghiệp, phi lợi nhuận, tập hợp và đại diện cho các pháp nhân và thể nhân sản xuất, chế biến, kinh doanh cà phê nhân và sử dụng cà phê nhân mang chỉ dẫn địa lý Buôn Ma Thuột, được thành lập trên cơ sở tự nguyện nhằm phối hợp có hiệu quả các hoạt động quản lý, sản xuất, kinh doanh cà phê nhân Robusta, phát triển chỉ dẫn địa lý Cà phê Buôn Ma Thuột trên thị trường trong nước và ngoài nước. Hiệp hội là cầu nối giữa các tổ chức, cá nhân, hội viên và Nhà nước; phản ánh tâm tư, nguyện vọng của hội viên, cùng tham gia với cơ quan Nhà nước trong việc quản lý, phát triển chỉ dẫn địa lý Cà phê Buôn Ma Thuột, đưa ra các chủ trương chính sách, các văn bản pháp quy mà hội viên là đối tượng thi hành.

Hiệp hội hoạt động với mục đích: đại diện và bảo vệ quyền lợi của hội viên trong các quan hệ về quản lý việc cấp quyền và sử dụng Giấy chứng nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý Cà phê Buôn Ma Thuột; tập hợp rộng rãi các tổ chức kinh tế thuộc các thành phần kinh tế, các cơ quan khoa học kỹ thuật và đào tạo trong ngành cà phê và các ngành có liên quan, tạo ra mối quan hệ liên kết ổn định nhằm nâng cao uy tín và chất lượng sản phẩm cà phê nhân mang chỉ dẫn địa lý Buôn Ma Thuột, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm có thương hiệu trên thị trường trong nước và quốc tế; tổ chức liên kết các hoạt động trong sản xuất, chế biến và kinh doanh giữa các thành viên trong và ngoài Hiệp hội, giải quyết những vấn đề về kỹ thuật, kinh tế, thương mại, quản lý sử dụng và quảng bá chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột, tạo thị trường xuất khẩu sản phẩm cà phê đặc thù có thương hiệu, nâng cao lợi ích của các thành viên và của toàn ngành cà phê Dak Lak.

Trong 3-5 năm tới, Hiệp hội đề ra mục tiêu tổng quát là hình thành, củng cố bộ máy tổ chức, xây dựng và hoàn thiện cơ chế hoạt động, phát triển nguồn nhân lực, phát triển hội viên, phát triển các hoạt động cung cấp thông tin - dịch vụ,  tạo nguồn tài chính đáp ứng nhu cầu phát triển của Hiệp hội và tăng cường lợi ích của hội viên nhằm đưa sản phẩm cà phê nhân có chứng nhận chỉ dẫn địa lý Cà phê Buôn Ma Thuột ra thị trường. Trên cơ sở mục tiêu tổng quát, một số mục tiêu cụ thể cũng được nêu ra như: phát triển số lượng hội viên; triển khai thực hiện quy chế quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý Cà phê Buôn Ma Thuột; xây dựng đội ngũ cán bộ có năng lực và nghiệp vụ chuyên môn làm việc thường xuyên tại cơ quan Hiệp hội; thành lập các Ban chuyên môn của Hiệp hội để thực hiện các chương trình dự án và các hoạt động đã được hoạch định. Đặc biệt phối hợp tổ chức thực hiện dự án phát triển chỉ dẫn địa lý Cà phê Buôn Ma Thuột gồm: Xây dựng tổ chức tự kiểm soát nội bộ sản phẩm cà phê mang chỉ dẫn địa lý Cà phê Buôn Ma Thuột và việc sử dụng nhãn, logo chỉ dẫn địa lý Cà phê Buôn Ma Thuột; hướng dẫn áp dụng quy trình nâng cao chất lượng sản phẩm cà phê nhân; xây dựng bộ tài liệu chi tiết để theo dõi, kiểm soát quá trình sản xuất, thu hoạch, chế biến sản phẩm cà phê nhân đạt yêu cầu theo quy định sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý Cà phê Buôn Ma Thuột; phối hợp với Trung tâm Giao dịch Cà phê Buôn Ma Thuột tổ chức kênh  thương mại nhằm giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm cà phê mang chỉ dẫn địa lý Cà phê Buôn Ma Thuột; xây dựng website của Hiệp hội để thông tin về giá cả, dự báo thị trường và các hoạt động của Hiệp hội; tiến tới thành lập các tổ chức tư vấn và hỗ trợ về mọi hoạt động liên quan đến sản phẩm cà phê mang chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột.

Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột được thành lập sẽ thực hiện chức năng xác nhận sản phẩm cà phê thuộc vùng địa danh đạt các tiêu chuẩn đăng bạ; kiểm soát bên trong đối với tổ chức, cá nhân được cấp quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý Cà phê Buôn Ma Thuột; xây dựng hệ thống truy nguyên nguồn gốc; thông tin và quảng bá; phối hợp với cơ quan giám sát bên ngoài cấp giấy chứng nhận sử dụng chỉ dẫn địa lý, giải quyết các tranh chấp, xâm phạm, cố tình tạo sự nhầm lẫn với sản phẩm cà phê đã được bảo hộ chỉ dẫn địa lý Cà phê Buôn Ma Thuột.

Xây dựng hệ thống quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý cho nông sản nói chung và cà phê nói riêng là một mảng hoạt động rất mới tại Việt Nam, nhất là đối với cà phê Buôn Ma Thuột, vùng địa danh rộng trên 100 nghìn hécta, liên quan tới rất nhiều loại hình đối tượng sản xuất kinh doanh, sản phẩm xuất khẩu đến nhiều thị trường quốc tế với nhiều yêu cầu chất lượng rất đa dạng và thường bị chi phối mạnh bởi hoạt động đầu cơ làm biến dạng thị trường và gây nên những biến động rất thất thường về giá. Bên cạnh đó, nhận thức về lợi ích lâu dài của chỉ dẫn địa lý và do đó nhận thức về sự cần thiết phải hình thành tổ chức để quản lý chỉ dẫn địa lý của cộng đồng cà phê chưa được đầy đủ dẫn tới thách thức chủ yếu sau khi đăng bạ chỉ dẫn địa lý Cà phê Buôn Ma Thuột là hình thành tổ chức và vận hành hệ thống quản lý có hiệu quả để phát triển chỉ dẫn địa lý. 

Sự ra đời của Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột là một mốc quan trọng của ngành cà phê và cộng đồng cà phê tỉnh ta. Sự sống còn và hiệu quả hoạt động của Hiệp hội trước hết phụ thuộc vào nhận thức của cộng đồng về vai trò cần thiết của Hiệp hội và sự chung tay góp sức của hội viên trong quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý Cà phê Buôn Ma Thuột, một loại tài sản đặc biệt của cộng đồng. Tài sản đặc biệt này do chính quyền địa phương đại diện sở hữu và trao quyền sử dụng cho những thành viên có đủ điều kiện trong cộng đồng, do đó sự hỗ trợ từ phía Nhà nước là hết sức cần thiết.

Dương Thanh Tương

(Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh,Trưởng Ban Vận động thành lập Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột)

 


Ý kiến bạn đọc