Các cấp hội phụ nữ với Cuộc vận động “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt”
Trong mỗi gia đình, phụ nữ thường là người nắm giữ “tay hòm chìa khóa” nên việc chọn mua gì, ở đâu phụ thuộc rất nhiều vào quyết định của họ. Vì vậy, để định hướng và thu hút phụ nữ tham gia vào Cuộc vận động “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt”, các cấp hội trong tỉnh đã tăng cường đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cổ súy cho hàng Việt đến chị em.
Dạo quanh các chợ và siêu thị trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột sẽ dễ dàng nhận thấy lượng người đi mua sắm chủ yếu là phụ nữ. Chị Lưu Thị Tuyết (phường Tân An), đang chọn mua sữa cho con ở Siêu thị CoopMart cho biết, vợ chồng chị đều có việc làm ổn định lại mới có 1 con nên cũng khá chăm chút cho cháu, nhất là trong ăn uống, hầu như chỉ chọn mua sữa ngoại đắt tiền vì nghĩ sẽ tốt và bảo đảm hàm lượng dinh dưỡng hơn. Nhưng gần đây, nghe các phương tiện thông tin đại chúng và chi hội phụ nữ tuyên truyền nhiều về Cuộc vận động “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt”, chị đã thay đổi thói quen, thử chuyển sang dùng các loại sữa sản xuất trong nước của một số doanh nghiệp uy tín và thấy sự phát triển của con vẫn đều đặn như trước nên cũng yên tâm. Còn chị Trần Thị Thanh (thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana) chia sẻ, từ khi ở TP. Buôn Ma Thuột có siêu thị, thỉnh thoảng vào ngày nghỉ cuối tuần, gia đình chị thường lên đây thăm bà con nhân tiện đi mua sắm các vật dụng cần thiết, khi lựa chọn chị chú trọng đến các mặt hàng có xuất xứ trong nước được kiểm định chất lượng. Hàng bày bán ở siêu thị chủ yếu là do các doanh nghiệp có uy tín trong nước sản xuất, chất lượng khá mà giá cả lại phải chăng, phù hợp với khả năng tài chính của gia đình. Không chỉ ở siêu thị mà ngay cả tại các chợ, cửa hàng tạp hóa, người tiêu dùng, nhất là phụ nữ cũng đã quan tâm hơn đến hàng sản xuất trong nước. Theo nhiều tiểu thương kinh doanh trái cây, rau củ và gạo tại TP. Buôn Ma Thuột, hiện nay, khi mua các mặt hàng này, đa số chị em đều chọn mua hàng Việt. Ngoại trừ khi dự đám tiệc hay biếu tặng, người tiêu dùng mới chọn mua hàng ngoại, nhưng xu hướng này cũng giảm dần so với trước. Chị Nguyễn Thị Dung, bán trái cây ở chợ Buôn Ma Thuột, cho hay, cách đây 1-2 năm, 90% người mua trái cây biếu tặng thường mua bom, lê (Nhật, Trung Quốc), cam (Trung Quốc), bây giờ giảm xuống chỉ còn 40-50%, vì sợ trái cây ngoại có chứa các chất bảo quản độc hại. Hiện, người tiêu dùng có xu hướng chuyển sang mua trái cây nội: mãng cầu ta, nhãn, thanh long, cam, quýt... vì có quanh năm, chất lượng ngon, giá cũng rẻ, lại bảo đảm an toàn.
Các sản phẩm sữa sản xuất trong nước đã được người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn. Trong ảnh: Khách chọn mua hàng tại Siêu thị CoopMart Buôn Ma Thuột. |
Không chỉ ở cấp tỉnh, các cấp hội cơ sở cũng tích cực hưởng ứng Cuộc vận động và tạo được sự chuyển biến nhất định trong nhận thức của cán bộ, hội viên. Theo chị Phạm Thị On Ga, Chủ tịch Hội LHPN huyện Krông Năng, ngay sau khi nhận được công văn chỉ đạo của cấp trên, huyện hội đã tổ chức họp quán triệt nội dung, mục đích, ý nghĩa của Cuộc vận động cho cán bộ hội trên địa bàn. Bên cạnh việc lồng ghép tuyên truyền trong các buổi sinh hoạt thường kỳ, các cấp hội còn tổ chức phát động, hưởng ứng phong trào “Người Việt dùng hàng Việt” trong các buổi họp mặt, tọa đàm nhân những ngày lễ lớn như 8-3, 20-10 hằng năm. Đồng thời, Hội cũng đã chú trọng đặt mua những món quà như quần áo, vải, mỹ phẩm của các doanh nghiệp uy tín trong nước để tặng chị em nhân dịp lễ, tết. Chị Trần Thị Nguyệt, thôn 4 (xã Phú Xuân, huyện Krông Năng) cho biết, qua các buổi sinh hoạt hội, chị đã hiểu rõ hơn về mục đích, ý nghĩa của Cuộc vận động “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt” nên khi mua sắm các vật dụng, chị thường vận động mọi thành viên trong gia đình quan tâm lựa chọn các loại hàng hóa sản xuất trong nước.
Những năm qua, Tỉnh Hội đã chú trọng đưa nội dung tuyên truyền về Cuộc vận động “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt” thành một trong những nhiệm vụ trọng tâm hằng năm, trong đó có sự phối hợp với một số doanh nghiệp, tổ chức các buổi giới thiệu sản phẩm có xuất xứ trong nước như dầu ăn, các loại gia vị, mỹ phẩm đến người tiêu dùng. Tuy nhiên, để người Việt thực sự ưu tiên dùng hàng Việt thì không chỉ đơn thuần là việc làm thay đổi nhận thức, thói quen của họ, mà cần nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của hàng hóa trong nước thông qua biện pháp tạo thuận lợi cho người tiêu dùng tiếp cận các sản phẩm nội địa có chất lượng, đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhưng trên hết cần có sự vào cuộc của chính các doanh nghiệp từ khâu tổ chức sản xuất, bảo quản, chế biến đến lưu thông, phân phối hàng hóa phải biết trân trọng người tiêu dùng.
Ý kiến bạn đọc