Multimedia Đọc Báo in

Hợp tác xã nấm Hà Hương: Sản xuất kinh doanh gắn với đào tạo nguồn nhân lực

09:02, 17/10/2010
Hợp tác xã (HTX) nấm Hà Hương, phường Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột được thành lập vào cuối năm 2005, do anh Trương Tố Hà làm chủ nhiệm. Để sản phẩm có chỗ đứng trên thị trường trong và ngoài tỉnh, anh Hà và những nhân công khác luôn mày mò tìm giải pháp, trong đó chú trọng 2 yếu tố: phát triển kinh tế gắn với đào tạo nguồn nhân lực.
HTX có khoảng 20 lao động làm việc thường xuyên, chủ yếu là những người có hoàn cảnh khó khăn. Ban đầu, họ chưa biết gì về nghề trồng nấm, nhưng từ khi đến làm việc tại HTX, họ đã được tiếp cận quen dần với công việc cũng như các kỹ thuật của nghề này. Chị Lê Thị Thiên, quê ở tỉnh Hòa Bình, một trong những xã viên làm việc lâu năm nhất tại đây cho biết, ngoài quê, vợ chồng chị không có việc làm ổn định, khi vào Dak Lak, được người quen giới thiệu chị tìm đến xin làm việc ở HTX nấm Hà Hương. Cũng như nhiều nhân công khác, vợ chồng chị không hề có kiến thức về nghề trồng nấm, nhưng sau khi được anh Hà chỉ dẫn cặn kẽ nên chị nhanh chóng nắm bắt kỹ thuật và sớm trở thành người có nhiều kinh nghiệm với nghề. Không những tạo công ăn việc làm ổn định, cơ sở còn tạo điều kiện về chỗ ở cho những người ở xa. Trồng nấm là một nghề không khó, nhưng đòi hỏi người làm phải chịu thương, chịu khó, anh Hà cho hay, để những nhân công mới vào làm được việc, ít nhất anh phải mất khoảng một tháng đào tạo nghề cho họ. Những buổi truyền nghề của anh đối với người lao động không phải bằng lý thuyết mà bằng thực hành. Anh trực tiếp đến nơi làm của họ để chỉ dẫn từng thao tác, nhờ đó, người làm tiếp xúc với công việc khá nhanh và rất dễ nhớ. Mỗi khi học hỏi được kinh nghiệm ở tài liệu, sách báo hay có những ý tưởng mới về trồng nấm là anh lại đến cơ sở để truyền lại cho công nhân. Truyền nghề tại nơi sản xuất được xem là phương pháp hữu hiệu nhất mà anh Hà từng làm đối với nhân công tại cơ sở của mình. Ngoài ra, anh còn trực tiếp đến các trung tâm đào tạo nghề tại các huyện như Krông Pak, Krông Ana để tập huấn cho những người có nhu cầu học hỏi nghề trồng nấm. Chỉ tính từ đầu năm 2010 đến nay, anh Hà đã tham gia giảng dạy khoảng 7 lớp tập huấn ở các huyện.
Xã viên đang đóng nguyên liệu làm nấm vào bịch.
Xã viên đang đóng nguyên liệu làm nấm vào bịch.
HTX nấm Hà Hương chuyên sản xuất các loại nấm: sò, rơm, mèo, linh chi… Thị trường chủ yếu của cơ sở là các thành phố lớn như Đà Nẵng, Hà Nội, Biên Hòa… Với giá cả như hiện nay cho các loại nấm: sò (từ 10 đến 12 ngàn đồng/kg), rơm (35.000 đồng), linh chi khoảng 500.000 đồng, trừ các khoản chi phí, mỗi năm HTX thu về trên 200 triệu đồng tiền lãi. Tất cả số lượng nấm tại cơ sở của anh Hà đều được tiêu thụ hết. Anh còn cam kết với các hộ trồng nấm khác trong tỉnh sẽ cung cấp nguyên liệu và bao tiêu toàn bộ số lượng nấm của họ theo giá cả thị trường.
Tuy nhiên, trong quá trình tìm đầu ra cho sản phẩm, HTX nấm Hà Hương cũng gặp rất nhiều khó khăn, hiệu quả kinh tế thấp do sản phẩm bán ra có giá chưa cao, thị trường thiếu ổn định. Để từng bước khắc phục những khó khăn trên, anh Hà luôn mày mò tìm hiểu qua sách vở, học hỏi kinh nghiệm ở các cơ sở sản xuất nấm khắp nơi về áp dụng tại cơ sở của mình nhằm hạ giá thành cho sản phẩm.
Truyền nghề và phát triển nguồn nhân lực là một trong những nội dung quan trọng trong chính sách khuyến công của các địa phương những năm gần đây. Thực tế cho thấy, nơi nào làm tốt công tác này, thì nơi đó sẽ có nhiều cơ sở, HTX, làng nghề truyền thống phát triển mạnh. Bởi thế, các cơ sở sản xuất vừa và nhỏ, ngoài hoạt động kinh doanh thì việc đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề và kinh nghiệm cao, là yếu tố góp phần làm tăng hiệu quả kinh tế.
Hoàng Tuyết

Ý kiến bạn đọc