Multimedia Đọc Báo in

Mô hình sản xuất và tiêu thụ rau an toàn trong nhà lưới ở huyện Krông Bông: Thêm hướng phát triển kinh tế cho người dân

08:16, 27/10/2010

Để từng bước nâng cao nhận thức và đáp ứng nhu cầu sử dụng rau an toàn của người tiêu dùng, năm 2010, UBND huyện Krông Bông đã đầu tư trên 300 triệu đồng để Trạm Bảo vệ thực vật (BVTV) huyện thực hiện “Mô hình sản xuất và tiêu thụ rau an toàn trong nhà lưới”. Mô hình này không chỉ khai thác được lợi thế của địa phương mà còn mở hướng đi mới trong việc phát triển kinh tế cho người dân.

Mô hình trên chính thức triển khai từ tháng 5-2010 với tổng kinh phí hơn 497 triệu đồng, trong đó UBND huyện hỗ trợ 306 triệu đồng, số còn lại do các gia đình đóng góp. Mô hình có 6 hộ dân tham gia với tổng diện tích hơn 2 ha tại các xã Hòa Lễ, Hòa Sơn, Khuê Ngọc Điền và thị trấn Krông Kmar. Trong đó có 0,6 ha được UBND huyện đầu tư và Trạm BVTV huyện trực tiếp hướng dẫn, giám sát, số diện tích còn lại do các hộ chủ động thực hiện theo mô hình. Trong quá trình sản xuất rau an toàn, các hộ tham gia được tập huấn các quy trình kỹ thuật về làm đất, chăm bón, cách sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật và thời gian cách ly, đồng thời được hỗ trợ phân vi sinh, hệ thống lưới che và hệ thống ống dẫn nước tưới rau… Mỗi hộ tham gia mô hình còn được cấp một quyển nhật ký nông hộ, ghi chép đầy đủ chủng loại rau, thời vụ gieo trồng, liều lượng và cách bón các loại phân, thuốc bảo vệ thực vật. Bên cạnh đó, Trạm còn cử 3 cán bộ trực tiếp phụ trách và thường xuyên xuống tận các hộ tham gia mô hình để kịp thời hướng dẫn, xử lý các vấn đề nảy sinh.

Mô hình trồng rau an toàn của gia đình chị Trần Thị Hương ở thôn 4, xã Khuê Ngọc Điền, huyện Krông Bông.
Mô hình trồng rau an toàn của gia đình chị Trần Thị Hương ở thôn 4, xã Khuê Ngọc Điền, huyện Krông Bông.
Gia đình anh Nguyễn Văn Sinh (thôn 4, xã Khuê Ngọc Điền) tham gia mô hình với diện tích 1.000 m2, trồng một số loại rau như: xà lách, rau muống, cải xanh… Với giá bán trung bình từ 4.000-10.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí gia đình có lãi khoảng 3 triệu đồng/tháng. Theo ông Sinh, mặc dù gia đình ông đã có 4 năm kinh nghiệm trong việc trồng rau nhưng chủ yếu sản xuất theo cách truyền thống, năng suất và lợi nhuận thấp. Từ khi tham gia mô hình này, ông nhận thấy, việc trồng rau an toàn trong nhà lưới không những tốn ít công chăm sóc, giảm được chi phí, mà còn khắc phục được tình trạng từ tháng 7 đến tháng 10 hằng năm là mùa mưa nên không sản xuất được vì rau thường bị dập. Tương tự, gia đình chị Phạm Thị Xoan (tổ dân phố 7, thị trấn Krông Kmar) cũng được hỗ trợ lưới, vật tư để trồng rau an toàn trên diện tích hơn 1 sào. Chị Xoan cho biết, trước khi triển khai thực hiện, các hộ tham gia mô hình đã được tập huấn kỹ thuật trong 3 tháng và đi tham quan, học hỏi các mô hình sản xuất rau an toàn ở huyện Cư M’gar. Thuận lợi của rau trồng trong nhà lưới là có thể cách ly được côn trùng, sâu bọ và nhất là những khi mưa to, hoặc sương muối, cũng không ảnh hưởng nhiều đến chất lượng rau. Nhờ đó, rau phát triển nhanh hơn so với trồng trực tiếp ở ngoài và chất lượng cũng ngon hơn. “Bình quân mỗi ngày gia đình tôi cũng thu được hơn 100.000 đồng tiền lãi. Nếu biết trồng rau trong nhà lưới đem lại thu nhập cao và ổn định như thế này thì gia đình tôi đã làm từ lâu rồi chứ không bỏ phí 5 tháng mùa mưa như gần chục năm qua”, chị Xoan thổ lộ.
Chị Phạm Thị Xoan chăm sóc vườn rau của gia đình.
Chị Phạm Thị Xoan chăm sóc vườn rau của gia đình.

Để bảo đảm đầu ra cho các hộ sản xuất rau an toàn, huyện Krông Bông đã xây dựng 1 nhà sơ chế và đóng gói sản phẩm, đồng thời, xây dựng quầy bán rau an toàn ngay tại chợ thị trấn Krông Kmar. Mỗi ngày quầy rau an toàn cung cấp từ 50 đến 60 kg rau các loại cho người tiêu dùng trên địa bàn huyện. Ông Phan Nhánh, Trạm trưởng Trạm BVTV huyện cho biết: ”Mô hình được triển khai nhằm định hướng cho nông dân cách trồng rau mới vừa bảo đảm an toàn và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Sau khi kiểm tra tính thực tế của mô hình, UBND huyện sẽ quy hoạch và xây dựng vùng chuyên canh rau với diện tích khoảng 10 ha, định hướng đến năm 2020 là liên kết với tổ hợp tác sản xuất và phân phối để thành lập hợp tác xã nhằm hướng dẫn nông dân sản xuất rau theo nhu cầu của thị trường, bảo đảm tiêu thụ kịp thời sản phẩm cho bà con”.

Trước đây, huyện Krông Bông thường phải nhập rau từ các huyện Krông Pak và Cư Kuin vì việc sản xuất rau trên địa bàn huyện chủ yếu mang tính tự phát, quy mô nhỏ chưa đáp ứng nhu cầu về số lượng cũng như chất lượng của người tiêu dùng. Chính vì phải nhập rau ở nơi khác về nên cũng không thể kiểm soát được tình trạng sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật. Vì vậy, có thể nói việc triển khai ”Mô hình sản xuất và tiêu thụ rau an toàn trong nhà lưới” là bước đột phá mới trong việc đưa công nghệ tiên tiến vào sản xuất để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm nông nghiệp, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Tuy nhiên, để người tiêu dùng đến với sản phẩm rau an toàn một cách ổn định và lâu dài, bên cạnh việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức về việc sử dụng rau an toàn cho người tiêu dùng thì người sản xuất cần có ý thức tự giác trong việc tuân thủ các quy trình kỹ thuật cũng như quy định về sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật để bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Có như vậy sản phẩm rau an toàn mới tồn tại trên thị trường một cách bền vững.

 

Nguyễn Xuân

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Đượm nghĩa tri ân
Thấm nhuần đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, những năm qua Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Đắk Lắk luôn dành sự quan tâm đặc biệt, triển khai nhiều hoạt động chăm lo cho Mẹ Việt Nam Anh hùng, các thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng.