Multimedia Đọc Báo in

XÃ EA KMÚT (EA KAR): Hiệu quả từ chuyển đổi cây trồng, vật nuôi

09:41, 22/10/2010

Ea Kmút là xã vùng 2 của huyện Ea Kar, có 3.020 hộ với gần 14.000 nhân khẩu, thu nhập của người chủ yếu từ sản xuất nông nghiệp.

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi được Đảng bộ, chính quyền xã Ea Kmút xác định là một trong những giải pháp chủ yếu góp phần xóa đói giảm nghèo trên địa bàn. Vì vậy, trong những năm qua, Đảng bộ xã Ea Kmút đã xây dựng nghị quyết chuyên đề về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, gắn với việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương. Đảng ủy xã phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng đảng viên phụ trách địa bàn thôn, phụ trách các hộ kịp thời nắm bắt tình hình, tâm tư nguyện vọng của nhân dân để phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo. Cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể tích cực tuyên truyền vận động nhân dân mạnh dạn đầu tư ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi, nâng cao hiệu quả sử dụng của 2.900 ha đất nông nghiệp. Đảng bộ xã Ea Kmút còn chỉ đạo các tổ chức đoàn thể đứng ra tín chấp, tạo điều kiện cho nhân dân vay vốn phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo.

Dựa vào điều kiện thực tế của địa phương, từ năm 2005 đến nay, xã Ea Kmút đã chuyển đổi 300 ha cà phê già, năng suất thấp sang trồng các cây trồng khác theo hướng đa cây, đa con, trong đó  hiệu quả nhất là  mô hình trồng rau xanh ở thôn Ninh Thanh 1 và trồng cỏ nuôi bò ở thôn Chư Cúc.

Nhiều trang trại đã thu hoạch cà phê đầu mùa. (Ảnh: Nam Sơn)
Nhiều trang trại đã thu hoạch cà phê đầu mùa. (Ảnh: Nam Sơn)

Ở thôn Ninh Thanh 1, hầu hết các hộ dân hiện đã chuyển sang đầu tư trồng rau xanh. Hộ trồng ít nhất có 1 sào và hộ trồng nhiều có từ 6 đến 7 sào rau xanh, một năm luân canh từ 8 đến 9 vụ. Rau xanh Ea Kmút không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ tại địa phương, mà còn xuất sang các tỉnh như: Phú Yên, Khánh Hoà, Dak Nông. Để có vùng rau chuyên canh lên tới 72 ha như hiện nay, không chỉ cán bộ, mà cả người trồng rau cũng ý thức rất rõ về chất lượng sản phẩm, nên từ khâu quy hoạch đến triển khai gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản... đều tuân thủ quy trình kỹ thuật. Nhờ vậy, mùa nào thức ấy, rau xanh Ea Kmút luôn có mặt trên thị trường. Trồng rau đã đem lại nguồn thu nhập ổn định cho các hộ dân Ninh Thanh 1, trung bình mỗi ngày cho thu nhập vài trăm ngàn đồng, riêng trong các dịp lễ, Tết, người trồng rau có thu nhập cao hơn. Ông Bùi Xuân Minh, Bí thư Chi bộ thôn Ninh Thanh 1 cho biết: Xác định hiệu quả của mô hình rau xanh là khá cao nên Chi bộ và Ban tự quản thôn đã vận động bà con cùng chia sẻ kinh nghiệm và từng bước nhân rộng mô hình. Hầu hết các hộ trồng rau đều sử dụng nguồn phân bón hữu cơ từ các phụ phẩm nông nghiệp được ngâm ủ với phân chuồng, vỏ trấu, vỏ cà phê và thân cây bắp. Đây được coi là nguồn phân bón rất hiệu quả phục vụ cho việc cải tạo đất và bón cho rau xanh, góp phần nâng cao sản phẩm rau an toàn. Mô hình sản xuất rau xanh được phát triển rộng rãi thực sự trở thành hướng đi đúng trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, giúp nhiều hộ gia đình ở thôn Tân Thanh 1 nói riêng và xã Ea Kmút nói chung thoát nghèo và vươn lên làm giàu.

Những năm trước đây, cuộc sống của người dân thôn Chư Cúc, xã Ea Kmút gặp rất nhiều khó khăn, số hộ nghèo trong thôn luôn chiếm tỷ lệ cao bởi diện tích đất đai ít (bình quân mỗi hộ chỉ có 0,2 ha đất vườn) lại không có các ngành nghề phụ. Trước tình hình đó, cụ thể hóa nghị quyết của Đảng ủy xã Ea Kmút, Chi bộ, Ban Tự quản thôn Chư Cúc đã phát động phong trào “Tấc đất, tấc vàng”, vận động nhân dân trong thôn chuyển sang trồng cỏ nuôi bò - hướng đi được xác định là phù hợp với đồng đất của địa phương. Với sự hỗ trợ của Trạm Khuyến nông huyện Ea Kar và Trường Đại học Tây Nguyên, từ năm 2006 đến nay, thôn Chư Cúc có 30 hộ tham gia trồng cỏ nuôi bò và từ năm 2008 đã thành lập được Câu lạc bộ chăn nuôi bò thịt. Mỗi hộ trồng từ 200 đến 300 m2 cỏ, đủ nuôi từ 2 - 4 con bò; hộ có số lượng đàn bò nhiều trồng trên 1 ha cỏ với các giống cỏ công nghiệp chất lượng cao. Bình quân mỗi con bò đưa vào vỗ béo từ 3 - 3,5 tháng, nông dân thu lãi từ 500.000 – 600.000 đồng/con sau khi đã trừ các khoản chi phí. Ngoài việc cung cấp đủ lượng cỏ chăn nuôi bò của gia đình mình, gần 3 năm nay, nhiều hộ tham gia Câu lạc bộ chăn nuôi bò thịt ở thôn Chư Cúc còn trồng cỏ để bán với lượng cỏ giống bán ra hơn 200 tấn, cho hiệu quả cao gấp 2-3 lần so với trồng các loại hoa màu và cà phê.

Mô hình trồng rau xanh ở thôn Ninh Thanh 1 và trồng cỏ nuôi bò ở thôn Chư Cúc đã nhân rộng ra nhiều thôn khác trong xã Ea Kmút. Sắp tới, xã Ea Kmút  sẽ thành lập Hợp tác xã trồng rau và Hợp tác xã chăn nuôi bò nhằm thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này, giúp nông dân mạnh dạn mở rộng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm ổn định, góp phần hình thành chợ rau xanh mang thương hiệu “Rau Ea Kmút” và thương hiệu “Bò thịt Ea Kar”.

Có thể nói, với sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng hướng của Đảng bộ, chính quyền xã Ea Kmút trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nên hiện nay, bình quân mỗi ha đất canh tác ở xã Ea Kmút cho thu nhập trên 70 triệu đồng/năm; số hộ có mức sống khá và giàu ngày càng tăng, số hộ nghèo chỉ còn 3,8%, giảm hơn 18% so với 5 năm trước (Ea Kmút hiện có số hộ nghèo thấp nhất huyện Ea Kar). Đảng bộ xã Ea Kmút đã đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2015 sẽ nâng mức thu nhập bình quân đầu người lên 18 triệu đồng một năm, tăng gần gấp đôi so với năm 2010.

 

Lâm Tính

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.