Hiệu quả từ dự án trồng rừng ở xã Dur Kmăl
Xã Dur Kmăl (Krông Ana) có gần 2 nghìn ha đất lâm nghiệp; trong đó, đất trống đồi trọc chiếm 2/3 diện tích. Với quyết tâm phủ xanh đất trống đồi núi trọc, từ năm 2007 đến nay, xã Dur Kmăl đã đẩy mạnh việc vận động nhân dân nhận đất trồng rừng; tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân bảo vệ và phát triển vốn rừng từ các chương trình dự án của Chính phủ.
Để phát triển mạnh kinh tế đồi rừng, xã đã thành lập Ban chỉ đạo trồng rừng. Người dân trồng rừng được cung cấp cây giống, vật tư kịp thời vụ và được hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc. Người đi đầu trong công tác trồng rừng ở xã Dur Kmăl là anh Võ Ngọc Đoàn ở thôn Sơn Thọ. Năm 2008, anh Đoàn đã mạnh dạn đăng ký với xã trồng 4 ha đất trống đồi núi trọc và tự bỏ vốn đầu tư chăm sóc. Đến năm 2010, anh đã đăng ký trồng thêm 3 ha nữa. Đến nay, 7 ha rừng của anh đã được phủ xanh và phát triển rất tốt. Được lãnh đạo xã vận động, hướng dẫn kỹ thuật, cấp cây giống, đầu năm 2008, ông Phạm Ngọc Thành ở thôn Sơn Thọ đã đăng ký nhận 2,5 ha đồi trọc để trồng cây bạch đàn. Mới chỉ gần 2 năm trồng rừng mà vườn cây bạch đàn của ông đã xanh tốt.
Có thể nói, đến nay, trồng rừng sản xuất đã trở thành phong trào của nhân dân xã Dur Kmăl. Đặc biệt, đồng bào dân tộc thiểu số trước đây chỉ quen phát rừng làm nương rẫy thì nay đã tích cực trồng rừng phát triển kinh tế. Nhờ đó, diện tích rừng kinh tế của xã ngày càng tăng, bình quân mỗi năm xã Dur Kmăl trồng mới 50 đến 130 ha rừng. Chỉ tính riêng trong năm 2010, toàn xã đã trồng mới được 120 ha rừng tập trung, đạt 98% kế hoạch năm, đưa tổng diện tích rừng kinh tế của toàn xã lên 470 ha.
Tiềm năng đất rừng xã Dur Kmăl là rất lớn, nếu được đầu tư đúng hướng sẽ đem lại hiệu quả kinh tế cao cho địa phương, tạo việc làm và tăng thêm thu nhập cho người nông dân. Vì vậy, định hướng trọng tâm của xã Dur Kmăl trong giai đoạn 2010-2015 là vận động nhân dân tiếp tục trồng, bảo vệ và chăm sóc rừng, bảo vệ khoanh nuôi rừng tái sinh, rừng đầu nguồn và rừng phòng hộ; chuyển đổi diện tích rừng hiệu quả thấp sang trồng rừng hiệu quả cao với loại cây trồng chính vẫn là keo lá tràm, tạo vùng trồng rừng nguyên liệu tập trung.
Ý kiến bạn đọc