Multimedia Đọc Báo in

Phát triển thủy sản ở Dak Lak: LÀM GÌ ĐỂ BỨT PHÁ?

16:50, 25/11/2010

Chiếm 59% trong tổng diện tích nuôi trồng thủy sản của Tây Nguyên, tuy nhiên, so về sản lượng thủy sản trong vùng thì Dak Lak mới chỉ chiếm 46% và giá trị sản xuất chiếm gần 35%. Vậy Dak Lak cần làm gì để phát triển thủy sản tương xứng với tiềm năng vốn có?

Khai thác, nuôi trồng chưa bền vững
Một thực tế dễ nhận thấy là việc nuôi trồng và khai thác thủy sản trên địa bàn tỉnh chủ yếu phát triển tại các nông hộ với quy mô nhỏ và phân tán. Mặc dù, diện tích nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh có chiều hướng tăng, từ 3.423 ha năm 2003 lên đến 8.176 ha năm 2010 và đạt tốc độ tăng bình quân khoảng 13%/năm, trong đó, các địa phương có tốc độ tăng trưởng cao như Ea Súp, Krông Năng, Cư M’gar, Krông Ana, Krông Buk. Đa số diện tích nuôi trồng thủy sản chuyên canh là ao hồ nhỏ và ruộng trũng chiếm 20%, diện tích nuôi trồng thủy sản kết hợp chiếm 80%. Tuy nhiên, so với diện tích tiềm năng, diện tích nuôi trồng thực tế chỉ đạt gần 20%, diện tích mặt nước hồ chứa, sông, suối hiện chưa được tận dụng để phát triển thủy sản mà chủ yếu tập trung vào khai thác nguồn lợi tự nhiên. Trong khi đó, các loại thủy sản được nuôi chủ yếu là các loài cá truyền thống như trắm cỏ, mè hoa, mè trắng, mè vinh, cá chép, rô phi, cá trê… có giá trị kinh tế không cao. Một số loài cá bản địa như cá lăng nha được xem là có giá trị kinh tế cao và đang được đầu tư nghiên cứu sinh sản nhân tạo phục vụ nuôi thương phẩm, tuy nhiên diện tích và sản lượng vẫn chưa ổn định. Ngoài ra, một số đối tượng nuôi khác như ba ba, ếch đồng, lươn, diêu hồng, rô phi đơn tính cũng được người dân chú trọng phát triển nhưng phạm vi và quy mô còn nhỏ lẻ, chủ yếu ở các nông hộ. Cùng với việc tăng diện tích, sản lượng nuôi trồng cũng tăng theo từ 3.868 tấn năm 2003 lên trên 10.000 tấn năm 2010. Mặc dù, sản lượng liên tục tăng nhưng sự đa dạng về đối tượng, thành phần loài được nuôi và khai thác chưa cao, đặc biệt tỷ trọng các loài có giá trị kinh tế cao còn thấp kéo theo giá trị sản xuất đạt thấp. Thêm vào đó, nguồn lợi thủy sản tự nhiên bị giảm sút nghiêm trọng, đó là hậu quả của việc khai thác quá khả năng phục hồi của các quần thể thủy sản, đặc biệt là các loại tôm, cá có giá trị kinh tế cao. Hiện sản lượng thủy sản khai thác trên sông Sêrêpôk chỉ đạt khoảng 50% so với 15 năm trước, kich cỡ cá khai thác ngày càng nhỏ…Ngoài ra, còn do môi trường nước bị ô nhiễm, nơi ở của các loài thủy sinh vật bị phá hủy, sự cạn kiệt nguồn dinh dưỡng trong các thủy vực, phương tiện và ngư cụ khai thác không hợp lý, công tác quản lý nguồn lợi chưa được quan tâm…cũng ảnh hưởng đến năng suất khai thác thủy sản trên địa bàn.

Việc nuôi thành công cá lăng đuôi đỏ trong ao nước tĩnh ở xã Hòa Phú (TP. Buôn Ma Thuột) đã tạo cơ hội cho các hộ nuôi trồng thủy sản phát triển loài cá có giá trị kinh tế cao này.
Việc nuôi thành công cá lăng đuôi đỏ trong ao nước tĩnh ở xã Hòa Phú (TP. Buôn Ma Thuột) đã tạo cơ hội cho các hộ nuôi trồng thủy sản phát triển loài cá có giá trị kinh tế cao này.


Để phát triển ổn định, hiệu quả
Việc phát triển thủy sản chủ yếu mang tính tự phát, quy mô nuôi nhỏ kéo theo việc áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất chưa cao, chưa tạo ra sản phẩm lớn mang tính hàng hóa; việc bảo vệ môi trường, nguồn lợi thủy sản còn nhiều yếu kém; các dịch vụ kèm theo còn nghèo nàn…Vậy để vượt qua những rào cản này thì việc quy hoạch lại hoạt động ngành thủy sản là điều cần thiết. Theo mục tiêu của quy hoạch phát triển ngành thủy sản Dak Lak đến năm 2020, tổng diện tích đưa vào nuôi trồng 15.000 ha; tổng sản lượng thủy sản đạt 21.730 tấn; giá trị sản xuất đạt khoảng 446 tỷ đồng… Từ đây đến năm 2020 sẽ không đẩy mạnh chuyển đổi đất ruộng trũng sang nuôi trồng thủy sản mà sẽ tận dụng mặt nước các hồ thủy lợi, thủy điện để thả bổ sung cá giống hằng năm, chú trọng đến việc phát triển các diện tích chuyên canh thủy sản khoảng 3.000 ha. Giảm dần tỷ lệ diện tích nuôi các đối tượng cá truyền thống và đẩy mạnh nuôi các đối tượng cá có giá trị kinh tế và thương mại cao. Tăng cường quản lý nghề khai thác thủy sản, nghiêm cấm triệt để việc khai thác mang tính hủy diệt gây suy giảm nguồn lợi thủy sản. Không tăng chỉ tiêu sản lượng khai thác. Có chính sách đồng bộ về đầu tư, đào tạo nghề, dịch vụ hậu cần…Giải pháp được đưa ra là đẩy mạnh phát triển thủy sản theo 3 hình thức nuôi cá trong hồ chứa là thả cá bổ sung, nuôi cá lồng bè và phát triển mô hình trang trại. Đối với các loại hình ao hồ nhỏ và ruộng trũng sẽ tổ chức theo gia đình hoặc nhóm tổ, câu lạc bộ hay mô hình trang trại nhỏ. Đối với khai thác thủy sản cần phân cấp quản lý vùng nước, mặt nước cho cộng đồng dân cư cùng với xây dựng các hương ước để điều chỉnh mọi hành vi liên quan đến việc sử dụng nguồn lợi thủy sản do cộng đồng quản lý. Việc khai thác thủy sản sẽ đi vào hoạt động có tổ chức, gắn khai thác với bảo vệ nguồn lợi thủy sản theo hướng bền vững, thị trường tiêu thụ sẽ được mở rộng theo hướng liên kết giữa các vùng; khoa học công nghệ sẽ được áp dụng rộng rãi, chất lượng con giống được cải thiện….

Hy vọng với việc triển khai thực hiện quy hoạch thủy sản ở tất cả các địa phương thì ngành thủy sản sẽ có sức bật để vươn lên thành ngành thế mạnh của tỉnh.

 

Thuận Nguyễn

 


Ý kiến bạn đọc