Kinh tế Dak Lak giai đoạn 2006-2010: Bước phát triển ấn tượng
Trong 5 năm (2006 – 2010), mặc dù phải đối mặt với không ít khó khăn do tác động của lạm phát ở giữa kỳ và suy giảm kinh tế trong giai đoạn cuối kỳ, song, nền kinh tế của tỉnh vẫn duy trì được tốc độ phát triển khá, quy mô không ngừng mở rộng, cơ cấu tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực…
Thi công Quốc lộ 14, đoạn qua TP. Buôn Ma Thuột. |
Tốc độ tăng trưởng cao
Theo đánh giá của UBND tỉnh, trong giai đoạn 2006 – 2010, nền kinh tế duy trì được tốc độ tăng trưởng cao và ổn định; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Cụ thể, tăng trưởng giá trị tổng sản phẩm (giá so sánh 1994) bình quân hàng năm đạt trên 12%. Trong đó, ngành công nghiệp-xây dựng tăng trưởng hơn 18%, dịch vụ (hơn 22%), nông-lâm-ngư nghiệp (hơn 6%). Kết quả này đã góp phần giảm tỷ trọng ngành nông-lâm nghiệp từ 65,5% (năm 2005) xuống 49,7% (năm 2010), công nghiệp-xây dựng tăng từ 13,2% lên 17,6%, các ngành dịch vụ tăng từ 21,2% lên 32,7%. Một điểm đáng phấn khởi nữa là, quy mô nền kinh tế đến năm 2010 ước đạt trên 12.800 tỷ đồng, tức gấp 1,77 lần so với năm 2005 và 2,62 lần so với năm 2000. Đặc biệt, giá trị tổng sản phẩm bình quân đầu người năm 2010 ước đạt 14,2 triệu đồng/người.
Có nhiều nguyên nhân đem đến kết quả này, trong đó không thể không kể đến công tác huy động vốn đầu tư xã hội đã được triển khai khá quyết liệt, đạt hiệu quả cao. Theo thống kê chưa đầy đủ, vốn đầu tư vào nền kinh tế liên tục tăng mạnh qua các năm, đặc biệt là trong 2 năm cuối kỳ 2009-2010. Trong 5 năm qua, tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 29.436 tỷ đồng, tức gần bằng 32%GDP (theo giá hiện hành). Nguồn vốn này đã được sử dụng cho đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội: giao thông, thủy lợi, điện, nước, trường học, bệnh viện…, góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy kinh tế phát triển, nâng cao đời sống cho nhân dân. Chỉ tính riêng lĩnh vực thủy lợi, trong 5 năm qua, toàn tỉnh đã đầu tư xây dựng tổng cộng 177 công trình (nâng cấp, sửa chữa 84 công trình, số còn lại là xây dựng mới), nâng tổng số công trình thủy lợi toàn tỉnh lên gần 610 công trình. Ngoài ra còn đầu tư kiên cố hóa khoảng 430km kênh mương, nâng chiều dài kênh mương được kiên cố hóa lên gần 630km. Tính đến nay, hệ thống thủy lợi bảo đảm tưới chủ động cho hơn 70% diện tích cây trồng có nhu cầu tưới (tương đương khoảng 194.000 ha). Theo đánh giá của nhiều người, mặc dù sản xuất nông nghiệp trong mấy năm gần đây liên tục gặp bất lợi do ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh nhưng vẫn có bước phát triển mạnh mẽ cả chất lẫn lượng. Năm 2010 này, tỉnh ta đã chính thức gia nhập Câu lạc bộ 1 triệu tấn lương thực là minh chứng sinh động nhất. Cùng với nông nghiệp, sản xuất công nghiệp cũng đạt tốc độ tăng trưởng khá cao, bình quân 28%/năm. Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2010 (giá so sánh 1994) ước đạt 3.750 tỷ đồng, tăng hơn 3,4 lần so với năm 2005. Các ngành dịch vụ (bưu chính viễn thông, ngân hàng, vận tải…) và thương mại cũng phát triển khá nhanh, đáp ứng tốt nhu cầu ngày một đa dạng của sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng xã hội.
Nguồn nước mát từ hệ thống thủy lợi mang lại cho nông dân những mùa vàng bội thu. |
Tiếp tục tranh thủ các nguồn lực cho phát triển
Trong định hướng phát triển giai đoạn 2011-2015, UBND tỉnh xác định mục tiêu quan trọng là tiếp tục khai thác tối đa và sử dụng có hiệu quả nguồn lực của địa phương; tăng cường thu hút các nguồn lực trong và ngoài nước để đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế, đồng thời nâng cao chất lượng tăng trưởng của từng ngành, từng lĩnh vực, từng vùng lãnh thổ. Phấn đấu đưa tăng trưởng GDP (giá so sánh 1994) giai đoạn này đạt bình quân 14%-15%. Đến năm 2015, cơ cấu kinh tế sẽ là: nông - lâm - ngư nghiệp chiếm 32%-33%, công nghiệp - xây dựng 25%-26%, thương mại - dịch vụ 41%-42%; thu nhập bình quân đầu người đạt 34 đến 34,5 triệu đồng/người/năm (tương đương 1.780-1790USD). Để thực hiện được mục tiêu này, ước tính số huy động vốn đầu tư toàn xã hội tối thiểu phải đạt khoảng 76-77 nghìn tỷ đồng, tức mức tăng bình quân khoảng 18% - 19%/năm. Và, “gói giải pháp” nhằm khai thác tối đa mọi nguồn lực để phục vụ cho đầu tư phát triển cũng đã được tính đến. Trong đó, giải pháp hàng đầu vẫn là chú trọng thực hiện có hiệu quả chủ trương ngoại giao kinh tế nhằm tranh thủ mọi nguồn lực; coi trọng các nguồn đầu tư từ thành phần kinh tế ngoài quốc doanh, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tiếp đó là tạo môi trường thông thoáng, ổn định, bảo đảm sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế để mọi tổ chức, cá nhân yên tâm đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh; loại bỏ cơ chế “xin-cho” trong việc hỗ trợ ngân sách Nhà nước, giao đất, cho thuê đất, giải quyết thủ tục kinh doanh; khắc phục có hiệu quả tình trạng không minh bạch, thiếu đồng bộ trong quản lý, đầu tư và giải quyết thủ tục hành chính; duy trì việc gặp mặt, tọa đàm, hội thảo xúc tiến đầu tư để giải quyết các vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư phát triển sản xuất. Song song đó, tỉnh cũng sẽ tiếp tục mở rộng chương trình hợp tác với TP. Hồ Chí Minh, đồng thời phối hợp với các tỉnh trong vùng Tây Nguyên, duyên hải miền Trung nhằm tạo ra các liên kết vùng trong thu hút các nguồn vốn đầu tư và nâng cao khả năng khai thác tiềm năng hiện có cho phát triển kinh tế - xã hội. Một giải pháp quan trọng nữa là phối hợp tốt với các bộ, ngành Trung ương và chủ động bám sát các nhà tài trợ lớn như DANIDA, GTZ, JICA, WB, ADB… để tranh thủ các nguồn vốn viện trợ; tăng cường xúc tiến, kêu gọi vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào các ngành, lĩnh vực, địa bàn cho phép và có lợi thế của tỉnh. Về thu chi ngân sách, tăng cường quản lý thu ngân sách nhằm bảo đảm thu đúng, thu đủ và sử dụng ngân sách có hiệu quả; khai thác và sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên hiện có, đặc biệt là đất đai và tài nguyên rừng. Ngoài ra, tỉnh cũng sẽ tiếp tục xây dựng cơ chế thu hút lực lượng trí thức giỏi về công tác tại địa phương, khuyến khích mọi người cùng làm giàu chính đáng cho mình và xã hội…
UBND tỉnh dự kiến huy động vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2011-2015 khoảng 76-77 nghìn tỷ đồng. Trong đó, vốn Nhà nước chiếm 40-41%, giảm khoảng 6-7%; vốn doanh nghiệp ngoài quốc doanh và dân cư chiếm 49%-50%, tăng 3%-4%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, vốn tài trợ và các nguồn khác chiếm 9%-10%, tăng từ 2%-3% so với giai đoạn 2006-1010. Về cơ cấu đầu tư, dự kiến đầu tư vào các ngành sản xuất và hạ tầng kinh tế khoảng 82%-83% nguồn vốn huy động; số còn lại đầu tư cho hạ tầng xã hội. |
Ý kiến bạn đọc