Multimedia Đọc Báo in

Lãi suất phải được điều chỉnh bằng công cụ tiền tệ

14:39, 31/12/2011

Đó là ý kiến của nhiều chuyên gia tài chính, cán bộ ngân hàng thương mại (NHTM) khi nói đến việc điều hành lãi suất trên thị trường ngân hàng hiện nay. Theo các ý kiến này, sau khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) mạnh tay xử lý các trường hợp vi phạm, trật tự lãi suất huy động đã được lập lại, song không ai dám bảo đảm về tính bền vững của nó.

Luẩn quẩn “đồng thuận”, “cam kết”
Chỉ trong năm 2010, có tới 3 lần Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) kêu gọi các hội viên “ngưng chiến” và đồng thuận thực hiện lãi suất huy động không vượt quá trần với các mức khác nhau, từ kéo xuống 10%, đến nâng lên không quá 12%/năm và giờ đây là không quá 14%/năm (đã bao gồm các khoản chi khuyến mại dưới mọi hình thức). Thực tế, 2 lần đồng thuận trước đây dường như trần lãi suất chỉ có giá trị danh nghĩa, dễ dàng bị lách qua hoặc chỉ thực hiện có tính tượng trưng, hình thức bởi vô số chiêu khuyến mại đã được các ngân hàng thương mại (NHTM) tung ra. Nói cách khác, dường như các NHTM dễ đồng thuận trong hội nghị hơn là thống nhất trong hành động theo các cam kết về trần lãi suất huy động. Bằng chứng là cả hai chiến dịch do VNBA đưa ra về đồng thuận giảm lãi suất huy động xuống 10%/năm được phát động vào nửa đầu năm 2010 và đợt đồng thuận về nâng lãi suất huy động không quá trần 12%/năm đều không đạt được kết quả như đã đặt ra ban đầu. Đặc biệt, mức trần lãi suất huy động 12%/năm (đồng thuận tại cuộc họp giữa các hội viên vào ngày 5-11-2010, bắt đầu thực hiện từ ngày 8-11-2010) nhanh chóng trở thành… mức sàn, vì thực tế nhiều NHTM đã huy động lên đến trên 13%-14%/năm. Thông điệp của sự bất thành trong 2 đợt đồng thuận này phải chăng do mức trần lãi suất đặt ra không khả thi, hoặc có “sức ép” nào mạnh hơn cả sự đồng thuận mang tính cộng đồng khá lỏng lẻo này.

Cam kết mức lãi suất huy động 14%/năm được xây dựng giữa các hội viên VNBA tại cuộc họp ngày 14-12-2010 là cần thiết và có tính khả thi cao hơn 2 lần trước vì mức trần lãi suất huy động được đồng thuận hợp lý hơn, sát với mức bình quân thị trường và mức lạm phát chung của nền kinh tế. Đây là điểm quan trọng nhất để các ngân hàng tự giác thực hiện vì lợi ích chung của cộng đồng và của chính mình. Bên cạnh đó, sức ép tiến độ đạt 3.000 tỷ đồng vốn điều lệ vào cuối năm 2010 của những ngân hàng chưa đạt chuẩn đã được NHNN cho phép kéo dài thêm 1 năm nữa. Điều này cũng rất quan trọng vì đã giải quyết đáng kể sức căng cung – cầu của thị trường, làm dịu cuộc đua hút vốn bằng mọi giá. Điểm quan trọng hơn, lần đồng thuận này có tính “pháp lý” cao hơn, sự đồng thuận được nâng lên thành “cam kết” thực thi nghiêm túc của các NHTM và sự kiểm tra, giám sát, xử lý của cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành. Diễn biến trên thị trường cho thấy, sau cam kết, trần lãi suất huy động của các NHTM đã được kéo lùi dần về quanh mức 14%/năm. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, việc các NHTM công khai mức lãi suất huy động theo đúng cam kết và việc họ có thực hiện nghiêm túc hay không; các NHTM có trả cho người gửi tiền mức lãi suất cao hơn hay không v.v… còn phải chờ đến “trình độ” của lực lượng thanh kiểm tra chuyên ngành.

Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng TMCP Việt Á, chi nhánh Buôn Ma Thuột.
Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng TMCP Việt Á, chi nhánh Buôn Ma Thuột.

Sớm có cơ chế  điều hành lãi suất phù hợp
Theo cán bộ nhiều tổ chức tín dụng, sở dĩ có tình trạng các NH “chạy đua” lãi suất đến mức phải chật vật lắm mới có thể bình ổn được như thời gian qua xuất phát từ việc chọn phương pháp điều hành chính sách tiền tệ. Như đã phân tích ở trên, trong năm 2010, đã nhiều lần lãi suất huy động “dậy sóng” khiến VNBA phải kêu gọi sự đồng thuận của các hội viên nhưng hầu như sự đồng thuận chỉ dừng lại trên lý thuyết, không phát huy tác dụng. Và, chỉ đến khi NHNN Việt Nam can thiệp bằng cả biện pháp hành chính, cụ thể là xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm thì trật tự lãi suất mới cơ bản được lập lại. Tuy nhiên, theo các chuyên gia tài chính nhận định, việc can thiệp như trên chỉ là giải pháp tình thế, không thể điều hòa lãi suất bằng thỏa thuận theo kiểu như vậy. Điều này cũng có nghĩa, cam kết đồng thuận về lãi suất đang được thực hiện khó có thể đạt hiệu quả cao. Bởi vì, cam kết đồng thuận về lãi suất huy động không có tính pháp lý nên không thể buộc các ngân hàng phải tuân theo. Thực tế hiện nay các NHTM đều công bố lãi suất huy động không vượt quá 14%/năm nhưng không ai dám bảo đảm chắc chắn về mức lãi suất ngân hàng thực tế trả cho người gửi tiền. Giả sử có xảy ra tình trạng “dấm dúi” tặng tiền mặt, lãi suất cho khách hàng khiến lãi suất thực trả cao hơn 14%/năm thì cũng khó có thể phát hiện, xử lý được. Trật tự lãi suất đã được lập lại và hành động của NHNN là cần thiết trước những yếu tố có thể phá vỡ sự an toàn hệ thống, nhưng không phải ai cũng đồng tình với sự can thiệp quá sâu của NHNN vào hoạt động của các tổ chức tín dụng. Dẫu luật pháp có cho phép sự can thiệp của NHNN trong những trường hợp cần thiết, nhưng rõ ràng hành động vừa qua của NHNN chỉ khiến các ngân hàng “sợ” chứ không “phục”, và không giải quyết được bản chất của vấn đề. Lãnh đạo nhiều NHTM đặt vấn đề, tại sao NHNN không dùng luật mà lại cứ ép các TCTD “đồng thuận”? Tại sao NHNN vẫn cứ dùng các biện pháp hành chính để điều hành một thị trường cực kỳ nhạy cảm và là lĩnh vực cam kết hội nhập mạnh nhất khi Việt Nam gia nhập WTO? Trong khi LSCB là công cụ NHNN có trong tay, đi kèm với nó là các loại lãi suất khác đủ khả năng điều tiết thị trường mà lại đúng luật.
Những cuộc chạy đua lãi suất diễn ra liên tục trong những năm qua, buộc cơ quan quản lý phải có những quyết định hành chính để ngăn chặn cho thấy rõ vẫn còn có lỗ hổng về cơ chế. Nếu không kịp thời có giải pháp vá lỗ hổng đó, những bất ổn trên thị trường tiền tệ vẫn có khả năng tái diễn.

 

Trần Sáu

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.