Làm thế nào để tăng sức cạnh tranh cho nông sản hàng hóa?
Công nghệ lạc hậu, thiếu sản phẩm tinh chế, chưa tạo sự gắn kết liên hoàn giữa các khâu từ trồng – chế biến đến tiêu thụ… là những nguyên nhân ảnh hưởng sức cạnh tranh của các sản phẩm ngành chế biến nông sản. Chính vì vậy làm thế nào để tăng sức cạnh tranh cho nông sản hàng hóa luôn là vấn đề trăn trở của ngành nông nghiệp nông thôn.
Sản xuất mủ cốm tại Xí nghiệp chế biến và Dịch vụ cao su - Công ty Cao su Dak Lak. |
Dak Lak xác định 5 loại nông sản có sản lượng lớn, mang tính chiến lược về sản xuất hàng hóa xuất khẩu gồm: cà phê, cao su, điều, mía đường và ca cao. Tuy nhiên, thực trạng về sản xuất với nhiều bất cập từ khâu trồng, chăm sóc đến thu hoạch, bảo quản đã ảnh hưởng đến chất lượng cũng như giá trị của các mặt hàng này. Ngay như cà phê, là nông sản chiếm ngôi vương ở Dak Lak nhưng giá trị mang lại không xứng với tiềm năng, thị trường thiếu ổn định. Có nhiều nguyên nhân, trong đó căn cơ nhất là vấn đề chất lượng. Những năm gần đây, nhiều hội thảo về cà phê được tổ chức với sự tham gia của nhiều nhà quản lý, nghiên cứu trong nước và quốc tế, nhưng xem ra hiệu quả mang lại không như mong muốn. Và chất lượng cà phê đến bây giờ vẫn là đề tài “nóng” trong các hội thảo khoa học, trên bàn nghị sự. Gần như ai cũng nhìn thấy được những nguyên nhân: do diện tích cà phê nông hộ chiếm gần 80% nên hầu hết thu hoạch theo kiểu tuốt cành dẫn đến hao hụt về sản lượng, kém về chất lượng; phương thức chế biến, bảo quản ngoài một số doanh nghiệp có sự đầu tư về máy móc công nghệ, thì hầu hết người dân cũng chỉ theo phương thức truyền thống: chế biến khô, hoặc xát dập, xát bóc tách vỏ cũng là nguyên nhân làm cho chất lượng cà phê kém. Chính vì vậy mà sản phẩm chế biến xuất khẩu cà phê ở Dak Lak nói riêng và cả nước nói chung thường xuyên bị ép giá. Vào những năm cung cà phê tăng cao thì hàng hóa cà phê Việt Nam thường không xuất khẩu được, làm cho giá cả thu mua trong nước biến động mạnh. Đối với cà phê bột và cà phê hòa tan tỷ trọng còn chiếm quá ít. Những năm gần đây trung bình cả nước xuất khẩu được 160 tấn cà phê rang xay với giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 700 ngàn USD. Cà phê rang xay Việt Nam nói chung và Dak Lak nói riêng khó xuất khẩu bởi đa số thành phẩm được pha trộn, chế biến theo gu pha tạp, nghĩa là được độn và tẩm nhiều hương liệu. Với cà phê chế biến hòa tan, hiện cả nước cũng chỉ được vài thương hiệu, riêng Dak Lak có Trung Nguyên, An Thái… Đây là những doanh nghiệp có dây chuyền thiết bị chế biến cà phê hòa tan theo tiêu chuẩn quốc tế. Tuy nhiên, phần lớn sản phẩm cà phê hòa tan nước ta chủ yếu phục vụ thị trường nội địa. Không riêng gì mặt hàng cà phê (trừ ca cao là mặt hàng tiềm năng) hầu hết giá trị mà các mặt hàng nông sản ở Dak Lak mang lại đều không tương xứng với tiềm năng và thực trạng về sản xuất, chế biến nông sản vẫn bộc lộ nhiều yếu kém, bất cập.
Chế biến cà phê xuất khẩu tại Công ty Đầu tư Xuất nhập khẩu Cà phê Tây Nguyên. |
Quy hoạch mới về phát triển công nghiệp chế biến nông sản đến năm 2020 vừa được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố được xem là “bí kíp” để định hướng sắp xếp, ổn định lại ngành hàng này, từ đó đề ra chiến lược phát triển mang tính bền vững. Trong đó quy hoạch, ổn định vùng nguyên liệu và đầu tư cho công nghệ, tăng tỷ lệ chế biến sâu… được xem là những giải pháp quan trọng nhằm hiện đại hóa ngành chế biến. Đơn cử như cà phê, mặt hàng chiến lược hàng đầu của tỉnh cần thực hiện tốt các giải pháp: có các cơ chế, chính sách nâng cao chất lượng vùng nguyên liệu (thu hái bảo đảm yêu cầu chế biến, triển khai tích cực chương trình sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn 4C, có chính sách hỗ trợ thiết thực cụ thể đến người trồng cà phê…); cải thiện dây chuyền công nghệ đồng thời khuyến khích, thu hút các dự án đầu tư vào chế biến sâu; xúc tiến thị trường nội địa và tham gia thị trường có kỳ hạn để bảo đảm tính ổn định cho mặt hàng vốn có nhiều biến động này. Còn như với cao su, được mệnh danh là “vàng trắng” của Tây Nguyên, thì giải pháp quan trọng cũng chính là sự đồng bộ trong đầu tư vùng nguyên liệu, công nghệ chế biến để nâng cao chất lượng mủ, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư sản xuất các sản phẩm từ cao su trong lĩnh vực y tế, gia dụng…
Như ý kiến của một số chuyên gia quản lý kinh tế và nhà khoa học ở Viện Nghiên cứu Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên, để tăng sức cạnh tranh cho nông sản hàng hóa thì không cách nào khác phải đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến nông sản, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn. Trong đó, cần chú trọng hơn nữa công tác quy hoạch lại mạng lưới chế biến gắn với đầu tư vùng nguyên liệu chất lượng, ổn định. Bởi kinh tế nông nghiệp ở tỉnh ta nói riêng, cả nước nói chung hiện vẫn mạnh ai nấy làm, thiếu quy hoạch tổng thể, sự liên kết hiệu quả giữa sản xuất và kinh doanh, mà nhiều người gọi đó là hội chứng “kinh tế phong trào”. Mặc dù, việc liên kết 4 nhà (nhà nông-nhà nước-doanh nghiệp-nhà khoa học), được Nhà nước khuyến khích nhưng do quyền lợi gắn kết chưa hấp dẫn nên sự liên kết này trong nhiều năm nay vẫn rời rạc, lỏng lẻo. Người nông dân theo nếp sản xuất cũ, chưa quan tâm đến lợi ích bền vững, lâu dài. Các doanh nghiệp kinh doanh chế biến nông sản thì theo một lối mòn, cứng nhắc trong thu mua sản phẩm của nông dân, nên khó có điểm chung trong phân chia lợi ích.
Có thể nói việc đầu tư công nghiệp chế biến nông sản thực chất là hỗ trợ trực tiếp cho sản xuất nông nghiệp vì vậy cần có những giải pháp đồng bộ. Ngoài nỗ lực tự thân của mỗi doanh nghiệp, cá nhân… trong nâng cao nhận thức nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm thì các ngành chức năng, nhà quản lý phải làm tốt công tác định hướng, lựa chọn cây trồng, sản phẩm hàng hóa chiến lược để tập trung đầu tư về công nghệ, xúc tiến xây dựng hình ảnh, quảng bá thương hiệu… gắn với hiện đại hóa nền sản xuất nông nghiệp nông thôn.
Ý kiến bạn đọc