Macadamia - cây trồng mới có triển vọng phát triển tại Dak Lak
Cây Macadamia (người dân thường gọi là cây Mắc-ca) là một trong những cây trồng có giá trị kinh tế cao. Macadamia là tên gọi chung cho 9 loài cây thuộc chi Macadamia, họ Chẹo thui (Proteaceae); trong đó hai loài cây có giá trị thương mại là M. integrifolia Maiden & Betche và M.tetraphylla. L. Johnson. Cả hai loài này đều mọc ở vùng ven biển phía Đông - Nam Queensland và Đông - Bắc New Wales của Australia. Đây là loài cây thân gỗ thường xanh, cao đến 15-18m; lá mọc vòng mỗi cụm 3 lá, cứng, thuôn hình mác ngược, dài 10-30cm; rễ chùm, chịu được hạn; hoa có màu trắng sữa; quả thuộc nhóm quả hạch, tròn có vỏ cứng, đường kính 2,5 - 4cm (khoảng 120 - 137 hạt/kg); hạt có vỏ cứng dày 2-5mm, tỷ lệ nhân 30 - 50 %.
Quả Mắc ca. |
Hạt Mắc-ca có hàm lượng dinh dưỡng cao và hương vị thơm ngon, đặc biệt thích hợp trong chế biến thực phẩm. Thành phần dinh dưỡng của hạt gồm: 78,2% chất béo, 10% hợp chất đường, 9,2% hợp chất đạm (protein), 0,7% muối khoáng, vitamin B6: 16mg/kg; 1,2 mg/kg vitamin B1...; nhân hạt có mùi thơm nhẹ, có thể dùng làm nhân bánh ngọt, nhân chocolate, kem, bánh hộp, hoặc ăn trực tiếp ở dạng đồ hộp rất được ưa chuộng ở Mỹ, châu Âu. Mặc dù hạt cây Mắc-ca có hàm lượng dầu cao, nhưng trên 80% trong số đó là chất béo đơn chưa bão hòa, rất lợi cho sức khỏe và có thể giúp làm giảm các bệnh về tim mạch. Ăn đều đặn hạt Mắc-ca với một khẩu phần cân đối sẽ không làm tăng cân hoặc béo phì. Nghiên cứu về dược học đã chỉ ra rằng ăn một lượng nhỏ hạt Mắc-ca mỗi ngày có thể làm giảm lượng LDL (loại cholesterol có hại trong máu) mà không làm giảm lượng HDL (loại cholesterol có lợi trong máu). Vì thế hạt Mắc-ca được đánh giá rất cao và được xem là rất tốt cho sức khỏe. Chính vì vậy, hạt Mắc-ca được gọi là “hoàng hậu” trong các loại hạt và đắt nhất thế giới. Ở Việt Nam, hạt Mắc-ca hiện có giá 2,5 USD/kg cả vỏ. Thị trường Mỹ, New Zealand, châu Âu có nhu cầu tiêu thụ hạt Mắc-ca rất lớn, tổng sản lượng Mắc-ca trên thế giới hiện ở mức khoảng 120.000 tấn nhưng mới chỉ đáp ứng được 25% nhu cầu thị trường.
TS. Nguyễn Lân Hùng trao đổi với nông dân huyện Krông Năng về cây Mắc-ca. (Ảnh: Lê Nguyễn) |
Năm 2004, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Krông Năng phối hợp với Trung tâm nghiên cứu giống cây rừng Việt Nam đã tiến hành trồng thử nghiệm mô hình xen canh cây Macadamia với cà phê chè, khoảng cách 9 x 6 m (tức 277 cây/ha) với 5 dòng vô tính được nhập từ Australia (246, 741, 816, 842, 849), Trung Quốc (OC, A800) và các cây đối chứng trồng bằng cây hạt nhập từ Australia (ĐC1), cây ghép thu hạt tại Ba Vì (ĐC 2). Đến nay, sau hơn 5 năm rưỡi trồng thử nghiệm loại cây này, kết quả cho thấy tỷ lệ cây sống đạt trung bình 96%, đường kính gốc trung bình 11,82 cm, chiều cao trung bình 5,15 m và đường kính tán trung bình 4,5m. Các dòng sinh trưởng đường kính gốc tốt nhất là A800, 741, 849 và 816; các dòng sinh trưởng chiều cao tốt nhất là 816, A800 và 246; các dòng sinh trưởng đường kính tán tốt nhất là 824, 246, và 741. Sản lượng trung bình đạt 4,8 kg hạt/cây; cao hơn cây trồng ở Thái Lan, Australia (1- 4kg hạt/cây) và tương đương với cây trồng ở Hawaii - Mỹ (3-5 kg hạt/cây) (O’ Hare et.al., 2003). Nếu xét các dòng có năng suất cao như: 741, 246, 849, 816 và OC (8kg, 6,72 kg, 6,88 kg, 6,12kg và 5,16kg) thì năng suất hạt của cây trồng tại Krông Năng cao gấp 1,2 -1,6 lần các giống cây Mắc-ca cùng độ tuổi trồng ở Hawaii. Tổng hợp các chỉ tiêu sinh trưởng và sản lượng quả hạt của các dòng Mắc-ca trồng tại huyện Krông Năng có thể đánh giá dòng 741, 246, 816, 849 và OC có khả năng sinh trưởng và phát triển tốt nhất. Các dòng trên đã được Hội đồng Khoa học của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận giống quốc gia.
Hội đồng khoa học Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn công nhận giống quốc gia cho cây Mắc-ca trồng thử nghiệm ở Krông Năng. |
Cây Mắc-ca đang thu hút sự chú ý của nông dân ở Dak Lak bởi lợi thế là cây trồng mới, chịu hạn tốt, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện đã có vài mô hình trồng thử nghiệm cho kết quả khả quan. Giáo sư Hoàng Hòe, Giám đốc Trung tâm Môi trường Du lịch và Phát triển (cơ quan chủ trì của Dự án Mắc-ca Việt Nam) đánh giá: “Các kết quả trồng khảo nghiệm cho thấy Dak Lak là vùng có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển cây Macadamia để vừa làm cây lấy quả, vừa làm cây che bóng”. Thạc sĩ Trần Vinh, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật Nông - lâm nghiệp Tây Nguyên cũng cho rằng: “Phát triển cây Mắc-ca không chỉ đem lại thu nhập cao cho nông dân Tây Nguyên mà còn có ý nghĩa tránh rủi ro khi độc canh cà phê. Với đặc điểm chịu hạn tốt, Mắc-ca vẫn sinh trưởng trong điều kiện đất trồng thiếu nước, hết sức có lợi cho môi trường; có thể làm cây che bóng cho cà phê, hoặc trồng thành rừng nhưng vẫn cho thu nhập không nhỏ hằng năm”.
Có thể thấy, giống cây Mắc-ca khá phù hợp với điều kiện sinh thái tại huyện Krông Năng. Cây sinh trưởng tốt, cho quả không thua kém ở nơi nguyên sản Australia, Ha Waii - Mỹ. Qua quá trình nghiên cứu thực nghiệm, trong những tháng mùa khô, cần tưới nước bổ sung cho cây, nhằm giảm tỉ lệ rụng quả và làm tăng năng suất. Kết quả này đã mở ra triển vọng phát triển thêm một loại cây có giá trị kinh tế cao trong cơ cấu cây trồng phát triển nông nghiệp bền vững ở tỉnh ta, là loại cây thay thế chính cho cây cà phê đã già cỗi, hết chu kỳ kinh doanh.
Tuy nhiên, để phát triển, nhân rộng các mô hình trồng cây Mắc-ca trên địa bàn, tỉnh Dak Lak cần xây dựng vườn giống vô tính (chiết, ghép hoặc dâm hom) các giống đã được Hội đồng khoa học Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn công nhận giống quốc gia và có biện pháp quản lý việc mua bán giống Mắc-ca không có nguồn gốc. Cần khuyến cáo người dân không nên trồng cây thực sinh (cây trồng từ hạt) sinh trưởng chậm, 7 năm sau mới cho quả, năng suất thấp mà nên trồng cây ghép chỉ 3 năm đã cho quả, quả sai gấp 3-4 lần so với cây trồng từ hạt. Người dân có thể trồng Mắc-ca xen canh với cà phê với khoảng cách 6m x 6 m hoặc 9 m x 6 m ở giữa 4 cây cà phê, vừa làm cây che bóng, vừa tạo thêm thu nhập; là cây thay thế chính cho cây cà phê đã già cỗi, hết chu kỳ kinh doanh.
Ý kiến bạn đọc