Quy hoạch vùng trồng lúa lai: Mở ra hướng canh tác chuyên nghiệp
Mặc dù có nhiều lợi thế về phát triển cây lúa lai nhưng đến bây giờ vẫn còn khá nhiều nông dân chưa thật mặn mà với giống lúa này. Để tạo cú hích cho lúa lai phát triển thì việc xây dựng quy hoạch vùng sản xuất là nền móng ổn định cho tương lai của cây lúa lai ở Dak Lak.
Thay đổi cơ cấu giống
Những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh cây lúa lai đã có mặt trong cơ cấu giống của các mùa vụ gieo trồng. Đặc biệt, thông qua chương trình khuyến nông, nhiều giống lúa lai đã được đưa vào sản xuất thử nghiệm và xây dựng mô hình tại một số vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn về lương thực để bà con tiếp cận và ứng dụng giống lúa mới. Kết quả cho thấy, các giống lúa lai đều sinh trưởng phát triển tốt, cho năng suất cao hơn giống lúa địa phương từ 1,6 – 3 tấn/ha và đã được nông dân nhân rộng sản xuất. Từ năm 2001 đến nay diện tích lúa lai không ngừng tăng, năm 2001 có khoảng 1.000 ha, chiếm 1,75% diện tích lúa toàn tỉnh, đến năm 2010 tăng lên trên 10.000 ha (2 vụ), chiếm từ 10% - 15% tổng diện tích lúa với tổng sản lượng 443.480 tấn năm 2010. Hiện các huyện có diện tích lúa lai khá lớn như: Ea Kar, Cư M’gar, Krông Năng, Krông Pak…, đặc biệt huyện Krông Năng diện tích lúa lai 630 ha, chiếm gần 80% diện tích đông xuân của huyện. Các giống lúa trước đây được các địa phương đưa vào sử dụng chủ yếu là Nhị ưu 838, Bắc ưu 903… thì nay đã có nhiều giống bổ sung như Syn 6, Shan ưu, Nông ưu 28, Nghi hương…, tuy nhiên giống chủ lực vẫn là Nhị ưu 838. Bên cạnh việc đưa các giống lúa lai vào cơ cấu giống gieo trồng, thì một trong những thế mạnh của Dak Lak là sản xuất được hạt giống lúa lai F1 với diện tích hằng năm trên 400 ha gồm các tổ hợp lai Bắc ưu 903, Nhị ưu 838, Bio 404, TH 3-3, LC 25, HYT 100…do Tổng công ty Cà phê Việt Nam phối hợp với các công ty giống sản xuất, cung ứng ra thị trường trên 1.000 tấn lúa giống, đã đáp ứng được phần lớn nhu cầu giống trên địa bàn và trong cả nước. Ngoài ra, Trung tâm Giống cây trồng vật nuôi tỉnh cũng sản xuất thành công các giống lúa nguyên chủng và xác nhận như: IR64, VND 95-20, HT1, LC93-1, LC93-4 với tổng diện tích 60 ha, sản lượng đạt 60 tấn. Vụ đông xuân 2009-2010 được xem là vụ có diện tích và sản lượng hạt giống lớn nhất trong giai đoạn 2005-2010, là vụ thắng lợi bước đầu trong việc tổ chức thực hiện quy hoạch vùng sản xuất lúa lai, hạt giống lúa lai nói chung của tỉnh, nhờ đó đã giúp sản lượng lúa ở Dak Lak ngày càng gia tăng. Việc đưa lúa lai vào cơ cấu giống gieo trồng cũng giúp nông dân bỏ dần những phương pháp canh tác lạc hậu, tiếp cận và ứng dụng những tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao trình độ thâm canh, góp phần bảo đảm an ninh lương thực trong vùng.
Vùng sản xuất hạt giống lúa lai F1 tại xã Ea Kly, huyện Krông Pak. |
Ổn định vùng sản xuất
Để sản xuất lúa lai mang tính ổn định và bền vững thì việc xác định vùng chuyên canh sản xuất, phù hợp với điều kiện phát triển là điều cần thiết. Từ đó, tạo thuận lợi cho việc chăm sóc, chủ động nước tưới, phòng trừ sâu bệnh dịch hại và thu hoạch. Theo phương án quy hoạch, diện tích đất trồng lúa lai toàn tỉnh đến năm 2015 khoảng 15.650 ha, chiếm 24,84% tổng diện tích đất trồng lúa, trong đó vùng dự án 14.350 ha. Định hướng đến năm 2020 là khoảng 22.800 ha, chiếm 34,55% diện tích đất trồng lúa toàn tỉnh, vùng dự án 20.600 ha. Vụ đông xuân được coi là vụ ăn chắc vì ít bị ảnh hưởng của thời tiết và chủ động được nguồn nước, do đó diện tích gieo trồng lúa lai sẽ tăng lên khoảng 13.100 ha, chiếm 32,3% diện tích gieo trồng (vùng quy hoạch 12.100 ha) vào năm 2015. Năng suất dự kiến là 8,5 tấn/ha, sản lượng đạt khoảng 110.711 tấn, chiếm 38,2% tổng sản lượng lúa toàn tỉnh. Đối với vụ mùa, thường hay chịu nhiều rủi ro do thời tiết nên cần chú trọng đến lịch thời vụ để bố trí gieo sạ phù hợp. Dự kiến đến năm 2015 diện tích gieo trồng lúa lai vụ mùa 15.650 ha, chiếm 25,7% diện tích toàn tỉnh, năng suất ước đạt 8,3 tấn/ha, sản lượng đạt khoảng 130.550 tấn, chiếm 33% sản lượng lúa toàn tỉnh. Trên cơ sở đầu tư thâm canh tăng năng suất các giống lúa lai đang sản xuất đại trà hiện nay và khảo nghiệm, sản xuất thử các giống lúa lai mới, trong những năm tới ngành nông nghiệp sẽ bố trí cơ cấu giống gieo luân phiên giữa các mùa vụ trên cùng một đồng ruộng để hạn chế sâu bệnh… Mười địa phương nằm trong vùng quy hoạch phát triển lúa lai thương phẩm là TP. Buôn Ma Thuột, Ea Kar, Cư M’gar, Krông Năng, Krông Pak, Ea Súp, Krông Ana, M’Drak, Krông Bông, Lak. Trong đó, TP. Buôn Ma Thuột, Ea Kar, Krông Pak còn là những địa bàn trọng yếu để sản xuất hạt giống lúa lai F1 nhằm cung ứng giống cho vùng sản xuất lúa lai thương phẩm. Theo đó, việc thực hiện quy hoạch vùng trồng lúa lai sẽ mở ra các hướng liên kết sản xuất, cải tạo đồng ruộng, hoàn thiện hệ thống thủy lợi, ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất nhất là đối với những vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số... Đồng thời, khuyến khích được các tổ chức, cá nhân tham gia vào công tác sản xuất giống lúa có chất lượng cao, phù hợp với điều kiện sinh thái.
Ý kiến bạn đọc