Multimedia Đọc Báo in

Sản xuất cà phê bền vững: Doanh nghiệp và người nông dân cùng có lợi

18:54, 10/12/2010

Đầu năm 2009, Công ty Cổ phần cà phê An Giang đã liên kết với 1.200 nông hộ của huyện Krông Năng và xã Ea Kao (TP.Buôn Ma Thuột) với diện tích 1.800 ha để tham gia chương trình sản xuất cà phê đạt chứng nhận UTZ Certified (sản xuất cà phê bền vững) thông qua việc đầu tư và quản lý trực tiếp các nông hộ. Sự liên kết này đã đem lại lợi ích về mọi mặt cho cả hai bên.

Khi nông dân tham gia sản xuất cà phê bền vững
Gia đình anh Phạm Văn Nam (ở thôn Tân Trung B, xã Ea Toh) có 2,5 ha cà phê, năng suất bình quân đạt trên 10 tấn/năm, nhưng theo ước tính của anh, niên vụ 2010-2011 tổng sản lượng có thể đạt trên 12 tấn bởi ngoài cách chăm sóc thông thường như mọi năm thì nay có thêm nhiều điểm khác khi gia đình tham gia chương trình sản xuất cà phê bền vững. Anh Nam cho biết: “Nhờ tham gia chương trình tôi mới biết cách cắt tỉa cành, bẻ chồi, đào bồn đúng quy cách, sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật hợp lý. Cỏ và lá khô sau khi làm xong, gia đình đã cào gọn lại,  đào rãnh chôn lấp để hoai mục ra sẽ giúp vườn cây tốt hơn. Nhờ cách làm khoa học đó nên tiết kiệm được khá nhiều chi phí”. Chỉ cho chúng tôi xem những cây cà phê trĩu quả và chín đỏ, anh Nam hào hứng khoe, nhờ tham gia chương trình nên các hộ liên kết bảo vệ cà phê tốt hơn, vườn cây nhà nào cũng đạt độ chín từ 90-95% mới thu hái, vì vậy hao hụt không đáng là bao. Gia đình chị Phan Thị Nhung (ở thôn Tân Trung A, xã Ea Toh) có 2,2 ha cà phê cũng đăng ký tham gia chương trình. Chỉ lên tấm bảng đóng ở trên cao có ghi rõ các thông tin về tên chủ hộ, diện tích, năm trồng, địa điểm, số lô… chị Nhung cho biết, chỉ cần nhìn vào đấy, bất kỳ ai cũng nắm được “lịch sử” của từng vườn cà phê. Trước đây, nhiều khi do bận việc này, việc kia không làm cỏ kịp thời để vườn nhếch nhác, nhưng năm nay vườn lúc nào cũng sạch. Cỏ, lá cây được chôn lấp theo quy định, các vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật sau khi dùng xong bỏ vào một cái hố sâu 0,6m, rộng 0,6m, đào ngay tại vườn. khi đầy khoảng 2/3 hố sẽ lấp lại, đào hố khác. Tiền đào hố phía công ty hỗ trợ. Ngoài ra, gia đình còn chú trọng cắt, tỉa bớt cành, chồi không cần thiết nên cây đỡ sâu bệnh, ít phải phun thuốc, hạt cà phê bảo đảm chất lượng hơn. Đối với gia đình anh Nguyễn Văn An (thôn Ea B’lông xã Ea Tân) thì ngoài việc thực hiện đúng các kỹ thuật đã được tập huấn, còn chú trọng đầu tư xây dựng thêm sân phơi, bảo đảm cà phê xay xong được phơi trên nền sân sạch, không cho súc vật vào sân bãi nhằm hạn chế tạp chất và hạt đen.

Anh Hoàng Đình Tư, tổ trưởng phụ trách tổ sản xuất cà phê bền vững của thôn Tân Trung A, Tân Trung B, Tân Bằng và Tân Thành xã Ea Toh (huyện Krông Năng) cho biết: các hộ được chọn tham gia chương trình phải có diện tích cà phê từ 1 ha trở lên, trong giai đoạn sinh trưởng tốt, liền kề nhau. Ngoài việc được tập huấn về kỹ thuật chăm sóc cà phê, các hộ còn được công ty tập huấn về an toàn lao động, kỹ thuật sơ cứu các tai nạn thông thường, vệ sinh an toàn thực phẩm, Luật Lao động, Luật Bảo vệ tài nguyên môi trường… Bên cạnh đó, mỗi hộ được phát một quyển “Nhật ký nông hộ” để ghi chép các thông tin trong quá trình tham gia chương trình, được vay tiền không tính lãi ở các đại lý ủy quyền của công ty. Những hộ không thực hiện đúng quy trình sẽ bị thanh lý cam kết nông hộ.

Tham gia chương trình sản xuất cà phê bền vững, gia đình chị Phan Thị Nhung (thôn Tân Trung A, xã Ea Toh) đã chú trọng việc thu hái cà phê chính trên 90%.
Tham gia chương trình sản xuất cà phê bền vững, gia đình chị Phan Thị Nhung (thôn Tân Trung A, xã Ea Toh) đã chú trọng việc thu hái cà phê chính trên 90%.

Hướng đến sản xuất cà phê chất lượng cao
Bộ nguyên tắc UTZ Certified là chứng chỉ giúp nhà sản xuất cà phê chứng minh đã triển khai các thực hành nông nghiệp tốt và phương pháp canh tác hiệu quả, có tính bền vững về môi trường, kinh tế và xã hội. Theo ông Phạm Đình Khải, Giám đốc chi nhánh Công ty Cổ phần cà phê An Giang tại TP. Buôn Ma Thuột thì các nông hộ tham gia chương trình sản xuất cà phê theo Bộ nguyên tắc UTZ Certified đã được Chi nhánh Công ty Giám định cà phê và hàng hóa nông sản xuất nhập khẩu - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Dak Lak (Cafecontrol) giám sát quá trình thực hiện, tiến hành kiểm tra thực tế tại vườn cây và cấp giấy chứng nhận cho các nông hộ. Toàn bộ sản phẩm của các nông hộ tham gia chương trình sẽ được công ty cam kết thu mua với giá cao hơn 200-1.000 đồng/kg so với giá thị trường. Một tấn cà phê sau khi bán ra thị trường, nông hộ còn được thưởng thêm 250.000 đồng. Trong thời gian tới, nếu được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và tìm được số diện tích phù hợp, công ty sẽ mở rộng địa bàn thực hiện chương trình.
Cũng theo ông Khải thì việc sản xuất cà phê theo Bộ nguyện tắc UTZ Certified sẽ giúp người trồng cà phê chuyên nghiệp hơn, sản xuất hiệu quả và có trách nhiệm hơn. Về phía công ty khi thu mua sản lượng cà phê đạt được cấp chứng nhận UTZ sẽ có giá trị bổ sung giúp tăng vị thế trong đàm phám giá và bán giá cao hơn giá thị trường.

Có thể nói, với một “thủ phủ cà phê” như Buôn Ma Thuột, nếu chương trình trên được áp dụng rộng rãi trong thực tế sản xuất thì sẽ giúp cà phê Việt Nam giảm được “gánh nặng” về chất lượng, tăng sức cạnh tranh, chiếm lĩnh thị trường. Để thực hiện được điều này, ngoài sự nỗ lực của các công ty kinh doanh cà phê, rất cần sự hợp tác từ nhiều phía.

 

Nguyễn Xuân

 


Ý kiến bạn đọc