Multimedia Đọc Báo in

WWF nhận sai, đưa cá tra Việt Nam khỏi “danh sách đỏ”

15:57, 16/12/2010
Ông Mark Powell, người đứng đầu tổ chức thủy sản của Quỹ Bảo tồn thiên nhiên thế giới (WWF) đã có mặt tại Hà Nội ngày 15-12 và làm việc với Tổng cục Thủy sản Việt Nam để làm rõ vụ cá tra Việt Nam bị đưa vào “danh sách đỏ”. Tuy nhiên, sau một buổi tranh luận, WWF đã không đưa ra được bằng chứng bảo vệ cho việc làm của mình nên thừa nhận có sai sót, và khẳng định sẽ sớm đưa cá tra Việt Nam ra khỏi “danh sách đỏ”.

WWF chịu thua

Mở đầu cuộc họp, ông Mark Powell thừa nhận “cá tra của Việt Nam ngon” và “hiện đang được thị trường châu Âu rất ưa chuộng”. Tuy nhiên, ông lại khẳng định những tài liệu và bằng chứng để đưa cá tra của Việt Nam vào danh sách đỏ được WWF thu thập từ nhiều nguồn.

Song ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), khẳng định: WWF đã sai, việc đưa cá tra của Việt Nam vào “danh sách đỏ” nhằm vận động người dân không nên sử dụng cá tra là không có cơ sở khoa học.

Bằng chứng, 7 trong tổng số 19 câu hỏi và tự trả lời của WWF về cá tra không chính xác với thực tế ở Việt Nam. Và câu hỏi được nhiều người cùng quan tâm: WWF dựa vào đâu, bằng chứng nào để tự “chuyển màu” cá tra Việt Nam?

Sau hồi tranh luận, ông Mark Powell thừa nhận, những đánh giá về cá tra Việt Nam của WWF chỉ dựa trên những tài liệu có sẵn và không hề tới Việt Nam để đánh giá thực địa, các tài liệu được thu thập từ tháng 5-2008.

Ông Mark Powell cho biết thêm, WWF đã thuê một công ty tư vấn độc lập để đánh giá về cá tra Việt Nam, công ty này đã và đang nhập khẩu cá tra Việt Nam. Tuy nhiên, ông Nguyễn Hữu Dũng nói: “Chúng tôi không chấp nhận việc WWF chỉ dựa vào thông tin của một doanh nghiệp thu mua, kinh doanh cá tra Việt Nam để thực hiện việc đánh giá toàn bộ sản phẩm cá tra của một quốc gia, vì doanh nghiệp đó không có tư cách đại diện và cũng không phải một tổ chức khoa học có đủ năng lực thu thập tư liệu, đánh giá sự việc”.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Trước những mâu thuẫn đưa ra, ông Mark Powell đã bày tỏ sự cầu thị và nhận sai sót trong việc đánh giá cá tra Việt Nam. Ông cũng khẳng định, với tư cách của người đứng đầu tổ chức thủy sản của WWF, “tôi xin chịu trách nhiệm về cẩm nang thủy sản của WWF”.

Ông Mark Powell cũng nhấn mạnh, cẩm nang hướng dẫn tiêu dùng của WWF chỉ là loại tài liệu có tính khuyến cáo về tính bền vững sinh học của loại thủy sản với môi trường, chứ không mang tính pháp lý, không phải rào cản thương mại.

Từ những chia sẻ của ông Mark Powell, ông Phạm Anh Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, bày tỏ: “Việc WWF đánh giá cá tra Việt Nam nhưng không tới tận hiện trường để đánh giá là điều đáng tiếc”. Theo ông Tuấn, số liệu đánh giá của WWF từ tháng 5-2008 và chỉ dựa trên 89 trại nuôi cá tra với khoảng 360ha (chưa bằng 10%) là quá nhỏ so với tổng diện tích nuôi cá tra của Việt Nam.

“Các tài liệu còn lại WWF dựa vào để đánh giá, tôi cho rằng cũng lấy số liệu từ năm 2008, trong khi thực tế hiện nay việc nuôi cá tra ở Việt Nam đã khác lắm rồi”- ông Tuấn nói. Trước các lập luận đó, đại diện của WWF đuối lý!

Khuyến cáo mua cá tra Việt Nam

Tại buổi họp báo tổ chức ngay sau đó, ông Mark Powell tuyên bố: WWF sẽ gỡ bỏ các thông tin về cá tra Việt Nam trên trang web hướng dẫn tiêu dùng thủy sản của họ. “Việc đưa cá tra Việt Nam ra khỏi danh sách đỏ, tôi hy vọng sẽ làm sớm, có thể ngay ngày mai”- ông nói. Đồng thời, WWF cũng sẽ đưa ra cẩm nang mới, trong đó khuyến cáo người tiêu dùng trên thế giới nên dùng cá tra Việt Nam.

Mặc dù không đồng ý việc WWF phải xin lỗi những người nuôi cá Việt Nam, song ông Mark Powell nói rằng: “Chúng tôi không muốn nhắc lại những chuyện như vừa rồi. Chúng ta cần hướng tới những việc làm và hợp tác trong tương lai”.

Theo đó, WWF mà ông Mark Powell đại diện đã cam kết sẽ hợp tác với Bộ NN-PTNT Việt Nam để xây dựng một chương trình phát triển cá tra, cá basa bền vững. Vào chiều 16-12, cả hai bên sẽ gặp lại một lần nữa tại Tổng cục Thủy sản để bàn thảo kỹ hơn về những chương trình hợp tác cụ thể, nhằm quảng bá cho hình ảnh cá tra Việt Nam.
(Theo SGGP)

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.