Multimedia Đọc Báo in

Những người mang ánh sáng khoa học kỹ thuật đến vùng khó khăn

11:09, 24/01/2011

Không ngại khó khăn, vất vả, những cán bộ khuyến nông sẵn sàng đi đến những vùng sâu vùng xa để cùng ra đồng với nông dân, chỉ cho bà con cách nhìn màu lá lúa để bón phân, hay hướng dẫn cách chăm sóc giống cây con mới…giúp người dân thay đổi cách thức canh tác, nâng cao hiệu quả kinh tế. Họ là những người mang ánh sáng khoa học kỹ thuật đến những vùng khó khăn.

Lâu nay, người dân ở những xã khó khăn của huyện Ea Kar như Cư Elang, Cư Yang, Ea Bông… đã quen với sự có mặt của người cán bộ khuyến nông Nguyễn Văn Kiên cùng với việc hướng dẫn cách chăm sóc, chuyển dịch canh tác các loại cây trồng, chăn nuôi gia súc, gia cầm có hiệu quả kinh tế cao. Bất cứ thắc mắc nào về kỹ thuật trồng, chăm sóc cây, con… bà con đều tìm đến anh để được hướng dẫn. Anh Kiên tâm sự: việc đưa kỹ thuật đến vùng khó khăn thời gian đầu gặp rất nhiều vất vả bởi bà con đã quen với tập quán canh tác cũ nên không dễ thay đổi. Đơn cử như chương trình trồng cỏ nuôi bò, mới đầu người dân phản ứng gay gắt vì từ trước đến giờ chỉ đi diệt cỏ chứ chưa ai đi trồng cỏ hết. Thế nhưng, qua các mô hình điểm, các buổi tập huấn, tham quan…họ đã bị thuyết phục. Thấy hiệu quả, nông dân tự giác phát triển đàn bò gắn liền với việc trồng các giống cỏ như: Ghine, Paspalum, Briratha, Stylo 184, Keo dậu, Anh đào… Đến nay, toàn huyện có trên 2.000 hộ nông dân trồng cỏ để nuôi bò, nuôi dê, cá.

Cán bộ Trung tâm Khuyến nông tỉnh xuống ruộng cùng bà con kiểm tra năng suất mô hình lúa lai.
Cán bộ Trung tâm Khuyến nông tỉnh xuống ruộng cùng bà con kiểm tra năng suất mô hình lúa lai.

Theo chân anh Trương Văn Cao, Trạm trưởng Trạm khuyến nông huyện Krông Pak đến dự hội thảo đầu bờ về chương trình lúa lai diện rộng tại xã Ea Uy mới thấy hết công sức của các khuyến nông viên. Họ không những giúp người dân tiếp cận với các mô hình khuyến nông mà còn làm thay đổi cách nghĩ, cách làm của nhiều người. Nếu như trước kia, các kiến thức kỹ thuật về “3 giảm, 3 tăng” hay “1 phải, 5 giảm”… trong xử lý, gieo trồng lúa một thời từng xa lạ với người dân ở đây thì giờ họ đã áp dụng thành thạo. Anh Cao kể, khi đưa giống lúa lai về sản xuất thử nghiệm, bà con chưa quen với kỹ thuật canh tác mới như sạ thưa (chỉ 5 kg/sào), bón phân đúng loại và đúng thời điểm… nên e ngại, không ai muốn gieo thử; thậm chí có hộ sau khi đem về sạ thấy thưa quá không giống như cách sạ dày trước kia (15-20kg/sào) sợ không có hiệu quả nên đã mua thêm giống hoặc trộn với giống lúa địa phương để sạ. Được cán bộ khuyến nông phân tích và hướng dẫn tận tình, bà con đã thấy được việc làm sai của mình... Đến bây giờ, giống lúa lai đã được đưa vào cơ cấu giống của các mùa vụ. Cũng là người gắn bó lâu năm với công tác khuyến nông, anh Lê Phước Lan, cán bộ khuyến nông huyện Cư M’gar cho biết: việc đưa kiến thức khoa học kỹ thuật đến cho nông dân vùng khó khăn là niềm vui của những người khuyến nông viên vì đã giúp họ phát triển kinh tế, giảm đói nghèo. Anh  thường xuyên đến các hộ dân hướng dẫn cho họ cách phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm, vận động nhân dân đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo hướng bán công nghiệp để có thêm thu nhập, cải thiện đời sống.

Những cán bộ khuyến nông đã thực sự là những người mang ánh sáng khoa học đến với nông dân; góp phần đưa các hoạt động khuyến nông bám sát được yêu cầu thực tiễn và mục tiêu sản xuất nông nghiệp của địa phương, nhất là các chương trình trọng điểm của tỉnh như: an ninh lương thực, xóa đói giảm nghèo, chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp... Cũng chính nhờ những khuyến nông viên tận tình với công việc, với bà con nông dân vùng khó khăn để chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất đã góp phần tạo được diện mạo mới cho những vùng đất nghèo.

Thuận Nguyễn

 


Ý kiến bạn đọc