Tây Nguyên dần trở thành vùng kinh tế động lực của cả nước
Với sự đầu tư to lớn của Đảng và Nhà nước trong nhiều năm qua, nhất là sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị về việc phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo an ninh-quốc phòng cho Tây Nguyên đã dần biến mảnh đất này trở thành vùng kinh tế động lực của cả nước, từng bước nâng cao đời sống cho người dân, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số bản địa.
Chế biến lâm sản là một trong những thế mạnh của Tây Nguyên. (Ảnh: Nam Sơn) |
Đánh thức những tiềm năng
Trước hết là việc giải phóng đất đai, quy hoạch và phát triển nền nông nghiệp theo hướng hàng hóa có giá trị kinh tế cao. Đến nay, nền sản xuất nông nghiệp ở Tây Nguyên có sự chuyển biến vượt bậc, phát triển theo hướng mở rộng diện tích và đầu tư thâm canh cây công nghiệp dài ngày có nhu cầu thị trường ngày càng cao (như cà phê, hồ tiêu, cao su, bông vải, dâu tằm, cây ăn quả và nguyên liệu giấy…) tạo ra khối lượng hàng hóa lớn, có lợi thế cạnh tranh trong tiêu dùng nội địa và xuất khẩu. Các mặt hàng chiến lược này giờ đây đã chiếm lĩnh được một số thị trường rộng lớn: Nhật Bản, các nước EU và Mỹ. Hoạt động xuất khẩu trong những năm gần đây, tuy chịu nhiều tác động của khủng hoảng kinh tế thế giới, nhưng kim ngạch xuất khẩu trên toàn vùng Tây Nguyên vẫn ở mức cao, năm 2010 đạt gần 1,5 tỷ USD, tăng 5 lần so với năm 2001. Bên cạnh các loại cây công nghiệp chủ lực được quy hoạch, quản lý phù hợp theo hướng ổn định, chuyên canh, tăng năng suất như cà phê (từ 700.000- 800.000 ha), hồ tiêu (khoảng 4000- 5000 ha), bông vải (6000 ha), cây ăn quả (5000 ha)… thì cao su được chọn làm cây “đột phá” trong chiến lược phát triển kinh tế Tây Nguyên hiện nay và lâu dài dựa trên tiềm năng đất đai dồi dào và phù hợp so với các vùng khác trên cả nước. Từ năm 2007, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về trồng mới 100.000 ha cao su trên địa bàn Tây Nguyên, các tỉnh trong khu vực đã phê duyệt quy hoạch, triển khai các dự án chuyển đổi rừng nghèo và đất sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng cao su. Đến nay, đã trồng mới khoảng 52.000 ha, nâng diện tích cao su trên toàn vùng lên 173.000 ha, tăng gấp đôi so với năm 2001.
Kinh tế công-lâm nghiệp cũng đã có bước dịch chuyển đáng kể và tích cực. Trước đây chỉ khai thác gỗ rừng tự nhiên là chính, đến nay chuyển sang trồng mới, khoanh nuôi, giao khoán và bảo vệ rừng kết hợp với khai thác lâm sản có mức độ phù hợp, vì vậy đã duy trì và nâng cao tỷ lệ che phủ rừng ở mức 54,28%. Theo Cục lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT), tính đến hết năm 2010, trên địa bàn Tây Nguyên đã giao cho các tổ chức kinh tế, ban quản lý, lực lượng vũ trang và cá nhân quản lý gần 2,2 triệu ha rừng tự nhiên, khoanh nuôi tái sinh 80.390 ha và trồng thêm rừng các loại gần 130.000 ha. Theo đó các tỉnh cũng đã từng bước quy hoạch, sắp xếp lại hệ thống lâm trường quốc doanh bằng hình thức chuyển từ 65 lâm trường thành 56 công ty lâm nghiệp và 11 ban quản lý, bảo vệ rừng. Thực hiện mạnh mẽ chính sách đóng cửa rừng, cấm xuất khẩu gỗ nguyên liệu và bán thành phẩm, đồng thời giảm dần sản lượng gỗ khai thác hàng năm nhằm bảo vệ tài nguyên rừng. Sản xuất công nghiệp đã xuất hiện một số ngành mới như thủy điện, khai khoáng, chế biến nông lâm sản xuất khẩu… Trên địa bàn Tây Nguyên đã phát triển thêm hơn 180 cơ sở công nghiệp, gồm các nhà máy đường, xi măng, chế biến chè, cao su, cà phê, tinh bột sắn, gỗ và nhà máy thủy điện. Nguồn “năng lượng bạc” này đang được đầu tư, khai thác với tốc độ khá nhanh và hứa hẹn sẽ đem lại hiệu quả kinh tế rất lớn cho Tây Nguyên. Hiện nay, trên toàn vùng đã có 42 dự án thủy điện được xây dựng hoàn thành trên các hệ thống sông Sê San, Sêrêpôk và sông Đồng Nai với tổng công suất 2.100 MW đã góp phần đưa giá trị sản xuất công nghiệp trong khu vực năm 2010 tăng 4,3 lần so với năm 2001. Từ việc đầu tư, khai thác có hiệu quả những tiềm năng to lớn ấy đã thúc đẩy kinh tế vùng Tây Nguyên tăng trưởng với tốc độ cao. Giá trị tổng sản phẩm (GDP) năm 2010 tăng 2,8 lần so với năm 2001, đạt mức tăng bình quân gần 12%/năm. Thu nhập bình quân đầu người đã tăng lên 15,5 triệu đồng, bằng 67% mức bình quân của cả nước.
Trồng và chế biến mủ cao su là thế mạnh và tiềm năng của Tây Nguyên. (Ảnh: Phương Đình) |
Chăm lo đời sống cho người dân để phát triển ổn định
Song song với việc đầu tư phát triển nhanh kết cấu hạ tầng kỹ thuật ở các thành phố, thị xã, thị trấn trên địa bàn toàn vùng như hiện đại hóa mạng lưới bưu chính viễn thông, hoàn chỉnh lưới điện, hệ thống cấp thoát nước, vệ sinh đô thị… thì hạ tầng nông thôn có có sự thay đổi đáng kể. Hiện đã có 91% số xã có đường ô tô đến trung tâm, trong đó có 24,2% được nhựa hóa, 98% thôn buôn có lưới điện quốc gia, 92% số hộ được dùng điện và 68% hộ được dùng nước sạch, 100% số xã có trường tiểu học, trường mẫu giáo, trạm xá và nối mạng thông tin viễn thông. Tất cả những thành quả đó đã từng bước đáp ứng nhu cầu đời sống vật chất và tinh thần cho người dân trong vùng. Đặc biệt là đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) đã được các cấp chính quyền quan tâm, chăm lo sâu sắc và kịp thời hơn.
Ông Mai Văn Năm - Phó ban Thường trực Ban chỉ đạo Tây Nguyên cho biết, cùng với chính sách chung trong cả nước, Đảng và Chính phủ đã có nhiều chính sách đặc thù đối với vùng đồng bào DTTS Tây Nguyên trên cơ sở đẩy mạnh thực hiện chính sách dân tộc, tập trung giải quyết những vấn đề cấp bách về đất đai, nhà ở, giải quyết việc làm và xóa đói giảm nghèo…để không ngừng nâng cao đời sống cho bà con. Các tỉnh Dak Lak, Lâm Đồng, Gia Lai, Kon Tum, Dak Nông đã dành một nguồn lực khá lớn từ các Chương trình 168, 135 và các chương trình mục tiêu quốc gia để xây dựng hạ tầng nông thôn và định canh định cư (ĐCĐC) cho đồng bào các DTTS. Được biết, thời kỳ 1991-2000, chỉ mới hoàn thành ĐCĐC ở vùng sâu, vùng xa và vùng căn cứ kháng chiến cũ; từ năm 2001 đến nay, Tây Nguyên tiếp tục triển khai 83 dự án bố trí lại dân cư cho 163.000 hộ với hơn 815.000 nhân khẩu, đạt gần 90% số hộ là đồng bào DTTS đang sinh sống trong khu vực. Theo đó, Chương trình 132,134 về giải quyết đất ở, đất sản xuất, nhà ở và nước sinh hoạt cũng được tổ chức triển khai quyết liệt và kịp thời, mang lại lợi ích, ý nghĩa kinh tế-xã hội sâu sắc trong các cộng đồng người bản địa. Từ năm 2002 đến nay, đã giải quyết được gần 650 ha đất ở cho gần 15.000 hộ và hơn 29.000 ha đất sản xuất cho gần 60.000 hộ. Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, giải pháp mang tầm chiến lược nhằm giúp đồng bào đầu tư phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, nâng cao đời sống cho người dân. Nhiều vùng nông thôn, nơi có người DTTS định cư, các cơ quan, ban ngành cùng chính quyền địa phương đã xây dựng nhiều mô hình liên kết làm ăn với doanh nghiệp (DN) có hiệu quả dựa trên cơ sở đất đai, lao động của người dân và DN tạo nguồn vốn, chuyển giao kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm. Những mô hình sản xuất này chủ yếu được các công ty, nông lâm trường cao su, cà phê trên địa bàn Tây Nguyên đứng ra làm “bà đỡ”, qua đó đã tạo công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho khoảng 16.000 lao động là người DTTS.
Có thể nói, trong khoảng thời gian chỉ 10 năm, kể từ khi thực hiện Nghị quyết 10 (tháng 1-2002) của Bộ Chính trị, vùng Tây Nguyên đã đạt được những thành tựu to lớn và có ý nghĩa trên các mặt. Trong đó đặc biệt là kinh tế đã có bước chuyển biến tích cực, từ chỗ mất cân đối, tốc độ tăng trưởng thấp, cơ cấu lạc hậu… đã và đang hình thành, phát triển theo hướng đa dạng với quy mô, chất lượng và hiệu quả ngày càng tăng. Đời sống vật chất, tinh thần của các bộ phận cư dân, nhất là đồng bào DTTS không ngừng được cải thiện. Đây là cơ sở vững chắc để Tây Nguyên phấn đấu trở thành vùng kinh tế động lực của cả nước trong những năm tiếp theo.
Ý kiến bạn đọc