Multimedia Đọc Báo in

Áp lực kiềm chế tăng giá

11:52, 01/02/2011
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1-2011 đã tăng 1,74%, mức tăng khá cao so với cùng kỳ những năm gần đây. Các chuyên gia dự báo, mức tăng CPI tháng 2 sẽ tới 2%, gây áp lực lớn cho việc kiềm chế CPI cả năm 2011 ở mức 7%.
Theo Tổng cục Thống kê, CPI tháng 1 đã tăng 1,74%. Trong đó nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 2,47%, nhóm lương thực tăng 2,28%. Giá thịt lợn và dầu ăn tăng mạnh đã khiến nhóm thực phẩm tăng 2,74%. Nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 1,31%... Đặc biệt, nhóm giáo dục có mức tăng cao nhất trong tháng 1 do một số tỉnh, TP tăng học phí bậc tiểu học, trung học và dạy nghề. Theo dự báo của Tổ điều hành thị trường trong nước (Bộ Công thương), trong tháng 2 nhu cầu tiêu dùng chủ yếu tập trung vào các mặt hàng phục vụ Tết, như lương thực, thực phẩm, đồ gia dụng, dịch vụ vui chơi giải trí, ăn uống ngoài gia đình và sẽ tiếp tục có biến động về giá.
a
Nhóm thực phẩm có mức tăng cao
Những diễn biến trên thị trường khiến các chuyên gia dự báo, mức tăng CPI trong tháng 2-2011 sẽ lên tới 2%, đưa CPI 2 tháng đầu năm tăng tới 3,74%. Để kiềm chế CPI cả năm nay ở mức không quá 7% đòi hỏi các ngành sớm có những biện pháp quyết liệt nhằm giữ ổn định thị trường, nhất là dịp trước, trong và sau Tết. Theo quy luật, thời điểm trước, trong và sau Tết thường xảy ra những đợt biến động mạnh về giá. Để thực hiện mục tiêu bình ổn thị trường, kiềm chế tốc độ tăng giá, các chuyên gia kinh tế cần sớm triển khai nhiều giải pháp nhằm giữ ổn định kinh tế vĩ mô. Bên cạnh việc giữ ổn định tỷ giá, bảo đảm cung ứng đủ ngoại tệ cho DN nhập khẩu nguyên liệu phục vụ sản xuất, Ngân hàng Nhà nước sớm có biện pháp điều chỉnh giảm lãi suất cho vay, giúp DN giảm giá bán sản phẩm. Với các mặt hàng đầu vào thiết yếu như than, điện, xăng dầu... nên có kế hoạch điều chỉnh giá phù hợp, tránh gây bất ổn cho thị trường.

H.H ( Nguồn: HNMO)

Ý kiến bạn đọc