Multimedia Đọc Báo in

Cuộc sống mới trên những vùng căn cứ

20:33, 05/02/2011

Đồng chí Lữ Ngọc Cư, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh trong nhiều cuộc họp với cán bộ các sở, ngành, các địa phương thường nhắc nhở rằng: Đầu tư để xây dựng và phát triển cho vùng căn cứ cách mạng chính là thể hiện lòng tri ân của chúng ta đối với đồng bào. Trong chiến tranh, đồng bào ta đã biết đoàn kết, đùm bọc, yêu thương nhau, chia sẻ với cách mạng từng miếng cơm manh áo; nhiều người đã hy sinh bản thân và cả gia đình để nuôi giấu cán bộ, tiếp tế lương thực cho cách mạng... Tất cả những việc làm ấy, dù nhỏ nhưng đã mang một ý nghĩa hết sức lớn lao là thể hiện tinh thần yêu nước bất khuất kiên cường vì độc lập tự do. Họ đã góp công, góp sức và cả máu để đánh đuổi kẻ thù xâm lược, để chúng ta có được cuộc sống ấm no hạnh phúc hôm nay... Những hy sinh, mất mát, những đóng góp to lớn ấy của đồng bào vùng căn cứ cách mạng thật khó có thể đền đáp được. Chính vì vậy, việc quan tâm đầu tư, để phát triển vùng căn cứ cách mạng chính là trách nhiệm, nghĩa vụ của chúng ta hôm nay...

Diện mạo của những vùng căn cứ cách mạng đã có những đổi thay đáng kể nhờ được đầu tư kết cấu hạ tầng. (Ảnh: Việt Cường)
Diện mạo của những vùng căn cứ cách mạng đã có những đổi thay đáng kể nhờ được đầu tư kết cấu hạ tầng. (Ảnh: Việt Cường)

Buôn Cháy bây giờ...
Buôn Cháy còn có tên buôn Ea M’droh thuộc xã Ea M’droh huyện Cư M’gar. Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, có thời kỳ tưởng chừng buôn đã bị xóa sổ, nhưng rồi với tinh thần bất khuất trước kẻ thù, đồng bào nơi đây vẫn kiên trì bám trụ. Giờ đây trên mảnh đất từng bị thiêu cháy ấy đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ...

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, buôn Ea M’droh là căn cứ hoạt động và nuôi giấu nhiều cán bộ cách mạng mà sau này là những cán bộ chủ chốt của tỉnh. Già Y Nuh Kbuôr nhớ lại, thời đó cả buôn đi theo cách mạng, tham gia nuôi giấu cán bộ nên bọn Mỹ, ngụy nhiều lần về buôn lùng sục tìm bắt cán bộ, chiến sĩ của ta. Chúng ra sức dụ dỗ đồng bào, không được thì chuyển sang bắt bớ, đánh đập nhưng không ai chịu khai báo nửa lời. Không có cách gì để khuất phục, bọn chúng đã phóng hỏa đốt cháy hết cả buôn vào năm 1961 hòng xua đuổi không cho bà con ở đây nữa. Từ đó buôn có thêm tên mới; buôn Cháy. Toàn bộ nhà cửa trong buôn bị thiêu rụi, bà con phải tản mát ở rải rác các buôn xung quanh nhưng vẫn bị địch thường xuyên quấy nhiễu. Vững một lòng tin theo Đảng, cách mạng, từ 1963 bà con trong buôn tập trung về khu căn cứ Cư Kbang (huyện Ea Súp) tiếp tục hoạt động và năm 1967, một lần nữa lại bị địch dồn về sống tập trung ở Buôn Đôn. Những năm sau giải phóng một số người trở  về buôn cũ sinh sống và tìm cách xây dựng lại buôn. Từ đó, được sự quan tâm của Đảng, chính quyền, đời sống của đồng bào dần ổn định. Ban đầu cả buôn chỉ có 36 nóc nhà xiêu vẹo, được sự giúp đỡ của Tiểu đoàn 303 đóng quân ở buôn Ja Wâm, xã Ea Kiết (Cư M’gar) về xây dựng 66 căn nhà, những gia đình trước đây bị đốt nhà phải bỏ buôn đi lần lượt quay trở về... Tính đến thời điểm hiện tại buôn có 214 hộ với 986 khẩu.

Niềm vui được mùa của người dân buôn Cháy. (Ảnh: Văn Lệ)
Niềm vui được mùa của người dân buôn Cháy. (Ảnh: Văn Lệ)


Năm 2003, Ea M’droh được tách thành 2 xã là Quảng Hiệp và Ea M’droh, các công  trình điện, đường, trường, trạm, trụ sở đều ở xã mới Quảng Hiệp. Đời sống người dân xã Ea M’droh lại gặp rất nhiều khó khăn, mọi cơ sở vật chất phải xây dựng lại từ đầu. Thế nhưng chỉ trong một thời gian ngắn, được sự hỗ trợ đầu tư của Nhà nước, các công trình dân sinh lại tiếp tục được xây dựng khang trang, hiện đại hơn. Bây giờ cuộc sống của người dân Ea M’droh đã thực sự đổi thay, đường điện đã được kéo về tận từng thôn buôn. Trong những ngôi nhà dài truyền thống đã có điện chiếu sáng, bà con có thể xem ti vi, nghe đài nắm bắt thông tin, chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước. Tuyến đường liên xã đến trung tâm huyện được nhựa hóa thuận tiện cho việc đi lại, giao thương kinh tế.

Buôn trưởng buôn Ea Mdroh Y Rang Niê K’đăm không giấu được niềm vui, so sánh: “So với mấy chục năm về trước, buôn Ea M’droh đổi thay nhiều lắm, buôn đã có trường mầm non, có nhà sinh hoạt cộng đồng khang trang rộng rãi, có công trình nước sạch ngay cạnh nhà văn hóa. Cả buôn bây giờ ai cũng được dùng nước sạch, lũ trẻ đến trường cũng sướng hơn, được đi trên những con đường thảm nhựa phẳng lì. Người dân trong buôn giờ đã có của ăn của để, biết tập trung đầu tư cho con em đi học nhiều hơn...” Y Rang nhẩm tính: Buôn hiện có 12 em đang theo học tại các trường trung cấp, cao đẳng và đại học trên cả nước, trong tương lai các em sẽ là những cán bộ chủ chốt của địa phương... Buôn trưởng Y Rang cho biết thêm, UBND xã đang lập đề án xây dựng buôn Ea M’droh thành buôn du lịch. Nếu đề án này được cấp trên phê duyệt thì diện mạo của buôn Cháy ngày nào sẽ còn có nhiều khởi sắc hơn nữa. Buôn sẽ không chỉ là điểm tham quan du lịch mà còn là địa chỉ “đỏ” để giáo dục cho thế hệ trẻ về lịch sử, truyền thống yêu nước của buôn, của đồng bào các dân tộc đang sinh sống tại đây.

Buôn Bir chuyển mình vươn lên
Về buôn Bir (xã Ea Hiao, huyện Ea H’leo), chúng tôi nghe được câu chuyện người dân ở đây đã sửa câu thành ngữ của đồng bào mình từ “uống nước bầu, ăn gạo râu” thành “chóe nước đầu, ăn gạo râu” để khẳng định rằng đời sống của bà con nơi đây đã đổi thay nhiều, người dân đã vươn lên làm chủ được cuộc sống...

Ông K’sơr Bố, một trong những người gắn bó với buôn căn cứ Bir  hơn 60 năm qua, kể lại: Trước đây, vùng này còn gian khó lắm, đồi núi hoang vu, nhà cửa thưa thớt. Những rẫy cà phê, lô cao su xanh bạt ngàn bây giờ là rẫy bầu bí, nương lúa hồi trước. Bà con trồng để có cái ăn là chính, vậy mà cũng chẳng đủ nên tỉnh, huyện phải trợ cấp, cứu đói thường xuyên. Sau này, nhờ có sự hướng dẫn, giúp đỡ của Nhà nước thì đồng bào mới dần dà biết cách trồng cà phê, lúa nước, hồ tiêu, chăn nuôi gia súc lớn thành đàn... Giờ đây, năng suất các loại cây trồng, nhất cà phê, lúa nước của bà con không thua kém gì những hộ người Kinh.

Được sự hỗ trợ tích cực của Nhà nước, người dân buôn Bir đã vươn lên làm chủ được cuộc sống của mình. (Ảnh: Lê Ngọc)
Được sự hỗ trợ tích cực của Nhà nước, người dân buôn Bir đã vươn lên làm chủ được cuộc sống của mình. (Ảnh: Lê Ngọc)


Hồi còn ở trong núi Cư Jú (cách vị trí của buôn Bir bây giờ chừng 2 ngày đi bộ đường rừng), nhà K’sơr Bố cũng nghèo lắm. Vợ chồng con cái làm quần quật quanh năm nhưng chưa giáp hạt đã hết sạch thóc. Từ ngày được Nhà nước đưa ra định cư tại đây, cuộc sống đã đổi thay trông thấy. Nhà K’sơr Bố có khoảng 2 ha cà phê và vài sào ruộng lúa cùng hoa màu khác, cho thu nhập mỗi năm cả trăm triệu đồng. Làm ăn khấm khá, cách đây mấy năm, K’sơr Bố đã dựng được căn nhà dài bằng gỗ rộng đến 130m2, trị giá hơn 70 triệu đồng;  đầu tư mua sắm nhiều phương tiện lao động hiện đại, giải trí đắt tiền, như: máy cày tay, máy xới, tivi, xe máy… Điều được K’sơr Bố phấn khởi nhất là ngoài có đủ cái ăn, cái mặc, con cái còn được học hành chứ không phải chịu cảnh mù chữ như thế hệ của ông. Cơ ngơi của K’sơr  Bố là vậy, nhưng ông cũng chỉ dám nhận mình thuộc hạng “thường thường bậc trung”, bởi trong buôn còn có nhiều hộ khá hơn như gia đình Nay Bik, Nay Klới, K’sơr H’Chơi… 

Ông K’sơr Chot, Bí thư Chi bộ buôn Bir nhớ lại: “Sau khi đưa đồng bào ra định cư tập trung, ngoài việc cấp đất ở, đất sản xuất… các cấp chính quyền đã bắt tay ngay vào việc hướng dẫn đồng bào cách sản xuất nông nghiệp khoa học. Trong nhiều năm liền, lực lượng cán bộ khuyến nông đã phải bám trụ, chỉ dẫn đồng bào cách gieo trồng, chăm sóc từng loại cây trồng, vật nuôi. Nhờ làm theo hướng dẫn của cán bộ, cuộc sống của đồng bào đã thay đổi thấy rõ, cái đói, cái nghèo nhanh chóng bị đẩy lùi. Toàn buôn có 159 hộ (770 khẩu) chỉ còn khoảng 45 hộ nghèo”.

Theo lời nhiều người trong buôn, vài năm gần đây, đồng bào đã sửa nửa đầu của câu nói “Uống nước bầu, ăn gạo râu” thành “Chóe nước đầu,…” là muốn nói lên sự thay da đổi thịt của buôn mình. Nước đầu tiên của chóe rượu cần là nước ngon nhất. “Chóe nước đầu” ý muốn nói phần lớn đồng bào đã thoát khỏi đói nghèo, đã có quyền lựa chọn thứ ngon để ăn, đồ đẹp để mặc. Hiện đồng bào đang dốc sức phấn đấu vươn lên làm giàu, khi nào thành công sẽ sửa tiếp phần còn lại của câu nói.

Ngày mới ở buôn Dlei Ya A
Chúng tôi tìm về với buôn căn cứ cách mạng Dlei Ya A thuộc xã Dlei Ya (Krông Năng) trên con đường nhựa phẳng phiu nối dài từ trung tâm xã về đến tận buôn. Về Dlei Ya bây giờ nhìn đâu đâu cũng thấy những rẫy cà phê chè mơn mởn xanh ngút ngàn, những lô cao su thẳng tắp khơi gợi lên hình ảnh một cuộc sống yên bình no ấm.

Già làng Y Bliết Ksor, một trong những cán bộ lão thành cách mạng của buôn cho biết: Ngày xưa trong chiến tranh, già cũng như đồng bào trong buôn Dlei Ya này luôn quý trọng, yêu thương đùm bọc cán bộ cách mạng. Dlei Ya trong chiến tranh là vùng căn cứ cách mạng vững chắc, đã từng là nơi hoạt động, làm việc của cơ quan đầu não của Tỉnh ủy Dak Lak... Nhưng đó chỉ là chuyện trong quá khứ. Chuyện đáng nói hôm nay chính là cuộc sống mới của đồng bào buôn Dlie Ya với những đổi thay khó mà mơ thấy được...

Đưa chúng tôi đi một vòng quanh buôn, già Y Bliết nhớ lại: Con đường nhựa từ trung tâm xã vào đến tận buôn đã được hoàn thành từ cuối năm 2004. Có đường, việc đi lại của người dân rất thuận tiện. Cũng nhờ con đường này mà nông sản của bà con làm ra dễ tiêu thụ hơn, hàng hóa nhu yếu phẩm phục vụ đời sống bà con cũng đã được chở về đến tận nơi. Trước đây khi chưa có đường nhựa, từ buôn đi ra xã, hoặc lên rẫy chỉ có một con đường đất đỏ nắng bụi, mưa lầy. Hầu như đời sống của bà con trong buôn  biệt lập với bên ngoài do giao thông trắc trở. Từ khi được Nhà nước đầu tư làm đường nhựa, việc lên nương lên rẫy, hay ra trung tâm xã cũng dễ dàng và nhanh hơn trước rất nhiều.

Trẻ em ở buôn Dliê Ya đã được học trong những ngôi trường mới khang trang... (Ảnh: V.L)
Trẻ em ở buôn Dliê Ya đã được học trong những ngôi trường mới khang trang... (Ảnh: V.L)


Cùng với việc hoàn thành hệ thống đường giao thông, trong năm 2004 lưới điện quốc gia cũng được kéo về buôn. Từ đó, đời sống tinh thần của đồng bào trong buôn được nâng lên rõ rệt. Bà con có thêm nhiều kênh thông tin giải trí, có thể học tập nhiều mô hình làm kinh tế mới qua truyền hình, biết được nhiều chủ trương chính sách mới, càng thêm tin tưởng vào đường lối lãnh đạo của Đảng, Nhà nước.

Ngoài việc đầu tư xây dựng điện, đường, trường, trạm, việc đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi, đập chứa nước trên địa bàn cũng đã và đang góp phần quan trọng làm nên một buôn Dlei Ya “lột xác” như ngày hôm nay. Trước đây, việc nương rẫy của bà con chủ yếu phụ thuộc nước trời nên sản xuất không hiệu quả. Nhờ được đầu tư xây dựng hai đập chứa nước là Ea K’né (năm 2006) và Ea Kút (năm 2010) nên hàng trăm héc-ta cà phê và hàng chục héc - ta lúa nước của bà con trong vùng không còn phải lo “khát” nữa.

Hoàng Ngọc Lệ

Ý kiến bạn đọc