Hướng mở cho nông sản hàng hóa sạch
Với thế mạnh về phát triển nông nghiệp, Dak Lak hiện có hơn 183.000 ha cà phê, 27.500 ha cao su, 35.500 ha điều và hàng nghìn héc-ta các loại cây ăn trái, cây trồng hoa màu khác. Hàng năm, hoạt động nông nghiệp đã thải ra môi trường một lượng hóa chất lớn từ phân bón, thuốc trừ sâu. Chính vì vậy, phát triển nông nghiệp sạch là giải pháp tối ưu để xây dựng một nền nông nghiệp bền vững, an toàn. Vậy đâu là hướng mở cho nông nghiệp hàng hóa sạch đi vào thực tiễn sản xuất để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong tiêu dùng và xuất khẩu?
Nông nghiệp hữu cơ mang lại nông sản sạch
Nông nghiệp hữu cơ không còn là khái niệm xa lạ đối với người sản xuất nông nghiệp ở Dak Lak, bởi đã có khá nhiều cuộc hội thảo, lớp tập huấn được tổ chức tại các địa phương nhằm khuyến khích người dân tìm hiểu và ứng dụng vào sản xuất. Mục tiêu hàng đầu của nông nghiệp hữu cơ là tối đa hóa năng suất nhưng chú trọng đến bảo vệ môi trường sinh thái và sức khỏe cộng đồng. Theo đó, sản xuất nông nghiệp hữu cơ phải hạn chế hoặc loại bỏ việc sử dụng phân bón tổng hợp, thuốc trừ sâu, các chất kích thích tăng trưởng cho cây trồng và gia súc mà thay vào đó là sử dụng bón phân vi sinh, thuốc diệt trừ sâu bệnh sinh học, các cây dẫn dụ… Khi ứng dụng nông nghiệp hữu cơ vào sản xuất, người nông dân cần luân canh cây trồng và tận dụng, chế biến các phần thừa sau thu hoạch, phân động vật thành phân bón. Đồng thời, dùng cơ giới để cày xới làm tơi xốp đất, duy trì độ màu mỡ để cung cấp các chất dinh dưỡng cho cây trồng. Chính vì vậy, nông nghiệp hữu cơ rất an toàn với con người từ khâu sản xuất đến tiêu thụ và bảo vệ tuyệt đối môi trường. Hiện nay, tại Dak Lak, từ những mô hình khảo nghiệm về ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh đã biết tận dụng các phế phụ phẩm nông nghiệp như: rơm, cám, mùn cưa, lõi ngô, vỏ cà phê... để sản xuất phân bón vi sinh. Theo tính toán của các hộ tham gia mô hình, chi phí mua nguyên vật liệu để sản xuất ra phân hữu cơ giảm khoảng 30% so với chi phí mua phân bón hóa học, bởi các nguyên liệu chủ yếu sẵn có tại chỗ, được tận dụng tối đa để bồi hoàn cho đất, góp phần giữ gìn sinh thái. Ngoài ra, các chế phẩm từ Oligoglucosamine (Oligo) với chức năng chất kích thích tăng trưởng thực vật, tăng khả năng đề kháng bệnh cho cây trồng đã được sản xuất và áp dụng thành công, giúp người dân giảm được lượng thuốc bảo vệ thực vật; một số dòng nấm đối kháng như Trichoderma được ứng dụng trong việc bảo vệ thực vật thay thế cho các loại hóa chất, góp phần bảo vệ môi trường và bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.
Nông dân huyện Cư M’gar ứng dụng công nghệ sinh học để làm phân bón vi sinh. (Ảnh: Thuận Nguyễn) |
Tuy nhiên, việc ứng dụng rộng rãi nông nghiệp hữu cơ vào sản xuất hiện đang gặp không ít khó khăn về thay đổi nhận thức của nông dân, trong chuyển đổi cách thức sản xuất… Các chuyên gia về nông nghiệp đã đưa ra các giải pháp như: xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích nông dân áp dụng nông nghiệp hữu cơ vào sản xuất; phát triển song song nông nghiệp vô cơ an toàn và nông nghiệp hữu cơ để đảm bảo sản lượng đề ra; xây dựng các cơ sở giống cây, con hữu cơ chất lượng tốt v.v... Để làm được điều này đòi hỏi sự quan tâm của các bộ, ngành chức năng tạo điều kiện cho các công trình nghiên cứu khoa học về nông nghiệp hữu cơ tại Dak Lak ứng dụng rộng rãi trong sản xuất, đồng thời sớm xây dựng bộ tiêu chuẩn cho nông nghiệp hữu cơ để bảo đảm bình đẳng về lợi ích giữa người sản xuất và người tiêu dùng.
Chương trình “3 giảm, 3 tăng”: Bước đệm để ứng dụng nông hữu cơ
Chương trình “3 giảm, 3 tăng” (viết tắt là ICM) trong sản xuất nông nghiệp gồm: giảm lượng giống gieo sạ, phân bón, thuốc trừ sâu; tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả đã được nhiều tỉnh thành trong cả nước áp dụng và hiệu quả ngày càng rõ nét. Ở tỉnh ta, đến nay tất cả 15 đơn vị huyện, thị xã, thành phố đều triển khai theo chương trình này, với tổng diện tích ngày càng được mở rộng. Chị Minh Thị Phượng, Trưởng phòng Kỹ thuật (Chi cục Bảo vệ thực vật) tỉnh cho biết, tính từ năm 2003 đến nay, Chi cục đã phối hợp với Trạm Bảo vệ thực vật các địa phương mở khoảng 120 lớp tập huấn về chương trình này; đã có trên 2.500 ha đồng ruộng áp dụng Chương trình ICM. Đó chỉ là tổng diện tích thí điểm sau mỗi lớp tập huấn, buổi hội thảo đầu bờ; còn thực tế con số đó có thể lớn hơn rất nhiều. Hiện, hầu hết các hộ dân sau khi thấy được những tác dụng của biện pháp “3 giảm, 3 tăng” thông qua các mô hình đều thử áp dụng trên ruộng lúa nhà mình. Theo họ cho biết, nếu như trước đây, nông dân thường gieo sạ khoảng 20kg/sào thì giờ đây chỉ còn 15kg, tức là giảm được 5kg. Tương tự, đối với thuốc trừ sâu cũng giảm từ 1 đến 2 lần/vụ… Nhờ vậy, số tiền chi phí cho sản xuất đầu vào/1 sào lúa của người nông dân giảm từ 300.000 đến 400.000 đồng. Không những thế, biện pháp này còn góp phần bảo vệ môi trường sinh thái và tập đoàn thiên địch trên ruộng lúa như nhện, bọ xít nước, ong ký sinh, nấm, vi khuẩn gây bệnh cho sâu hại…
Đông đảo bà con nông dân tham dự hội thảo đầu bờ về Chương trình “3 giảm, 3 tăng” tại huyện Lak. (Ảnh: Hoàng Tuyết) |
Cần VietGap cho sản phẩm rau, củ, quả
Có thể nhận thấy, Chương trình VietGap (chương trình sản xuất nông nghiệp an toàn của Việt Nam) là chiếc chìa khóa mở ra hướng sản xuất nông nghiệp sạch ở Dak Lak, nhất là đối với các sản phẩn rau, củ, quả. Bởi VietGap là chương trình kiểm tra an toàn thực phẩm xuyên suốt của cả quy trình sản xuất, bắt đầu từ khâu chọn giống, đến cày cấy, canh tác, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thu hoạch, bảo quản, tồn trữ và kể cả các chi tiết liên quan tới môi trường. Tại Dak Lak, chương trình đang được triển khai áp dụng trên khá nhiều loại cây trồng. Thành công rõ nhất là ở mô hình sản xuất rau an toàn, mà HTX sản xuất rau an toàn Thuận Hòa (phường Khánh Xuân, TP. Buôn Ma Thuột) là một minh chứng. Anh Phạm Văn Tiến, kỹ sư, cán bộ nông nghiệp của phường cho biết, khi triển khai mô hình này, Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thuỷ sản (Sở NN &PTNT tỉnh) và Trạm bảo vệ thực vật thành phố đã về địa phương khảo sát, lựa chọn địa điểm phù hợp với yêu cầu sản xuất, tiến hành lấy mẫu, kiểm tra, phân tích đánh giá điều kiện đất và nước. Mặt khác, tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho bà con kỹ thuật sản xuất rau an toàn, từ khâu chăm sóc, thu hoạch, sơ chế, đóng gói, công bố danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng, hạn chế sử dụng, cấm sử dụng trên rau do Bộ NN & PTNT ban hành. Ngoài ra, các sản phẩm làm ra đều được kiểm tra, lấy mẫu phân tích đánh giá chất lượng nhằm bảo đảm sản phẩm khi đến tay người tiêu dùng là rau an toàn thực sự. Khi xây dựng vùng sản xuất rau an toàn, ngoài việc mang lại hiệu quả về kinh tế thì nhận thức về bảo vệ môi trường sống ở khu dân cư của những người dân cũng nâng lên, góp phần thay đổi tập quán canh tác, không còn tình trạng lạm dụng phân bón, thuốc trừ sâu trong sản xuất. Ông Trần Đình Trọng, tổ trưởng tổ sản xuất rau an toàn HTX Thuận Hòa cho biết, bà con đã ý thức ủ hoai phân trước khi bón rau, sử dụng thuốc trừ sâu sinh học, phân vi sinh trong sản xuất.
Người trồng rau ở HTX Thuận Hòa, phường Khánh Xuân thực hiện phun thuốc sinh học trên rau trồng. (Ảnh: Lệ Văn) |
Có thể nói, việc sản xuất rau an toàn không khó và không mới lạ đối với bà con nông dân. Bởi lẽ, xét về khía cạnh nào đó, sản xuất rau an toàn chính là cách sản xuất thân thiện với môi trường, không lạm dụng phân hóa học, thuốc kích thích và thuốc trừ sâu vô tội vạ như trước đây. Đây là một bước tiến quan trọng cần được phối hợp tiến hành thường xuyên, liên tục, duy trì một cách bền vững, có hiệu quả để tiến tới một nền nông nghiệp sạch, an toàn.
Ý kiến bạn đọc