Multimedia Đọc Báo in

Sản xuất cà phê bền vững: Những thách thức từ thực tế

08:54, 23/02/2011

Diện tích tăng mạnh nhưng chủ yếu là tự phát, không theo quy hoạch; một phần lớn diện tích trồng bằng hạt, chất lượng kém lại già cỗi nhưng chậm được tái canh; các biện pháp canh tác tiên tiến chưa được áp dụng rộng rãi; thiếu khoa học trong chế biến và bảo quản… là những bất cập đang tồn tại trong việc sản xuất cà phê tại tỉnh ta, từ đó làm ảnh hưởng xấu đến chất lượng sản phẩm cà phê.

Cà phê cằn cỗi do thiếu nước tưới.
Cà phê cằn cỗi do thiếu nước tưới.

Còn đó những bất cập
Theo số liệu thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vài năm trở lại đây, diện tích cà phê trên địa bàn tiếp tục biến động theo chiều hướng tăng. Từ năm 2005 đến nay, diện tích cà phê của tỉnh đã tăng thêm khoảng 12.600 ha, bình quân mỗi năm tăng hơn 2.100ha. Có một điều đáng quan tâm là mặc dù diện tích liên tục tăng nhưng sản lượng lại trồi sụt thất thường. Cụ thể, năm 2005, diện tích hơn 166.000ha đang cho thu hoạch, sản lượng hơn 257.000 tấn, tính bình quân năng suất đạt khoảng 15,5 tạ/ha; năm 2006, năng suất bình quân gần 26 tạ/ha; năm 2007 chỉ gần 19 tạ/ha; năm 2008 xấp xỉ 24 tạ/ha; năm 2009 hơn 22 tạ/ha và năm 2010, khoảng 22,5 tạ/ha.

Trong những năm qua, tình hình thời tiết, sâu bệnh luôn diễn biến phức tạp đã khiến cho sản lượng cà phê trồi sụt thất thường. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia trong ngành cà phê, ngoài ảnh hưởng của thời tiết thì những bất cập trong sản xuất cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng làm ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng của cây cà phê. Bất cập đầu tiên có thể thấy ngay là tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ. Toàn tỉnh hiện có hơn 180.000 ha cà phê (khoảng 180.500 hộ trồng) nhưng có hơn 85% diện tích là của người dân tự trồng và quản lý. Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, số hộ có quy mô sản xuất dưới 0,5 ha chiếm khoảng 35%, từ 0,5 đến 1ha khoảng 34%, từ 1 đến 2 ha khoảng 24% và trên 2ha chỉ có 7%. Có thể nói, sự tăng nhanh diện tích không theo quy hoạch, sản xuất cà phê theo kinh nghiệm, tự phát, khai phá đất tùy tiện của những năm trước đây đã dẫn đến một số diện tích cà phê được trồng trong điều kiện đất đai không phù hợp, thiếu nguồn nước tưới, ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, gây khó khăn cho công tác quản lý, và còn đe dọa đến tính ổn định, bền vững của cả ngành cà phê và các cây trồng khác.

Cũng chính vì phát triển nhỏ lẻ nên việc chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật đến với người trực tiếp sản xuất rất khó khăn bởi không thể có đủ kinh phí lẫn con người để trực tiếp thực hiện công tác này đến từng hộ dân. Khi không có những kiến thức sản xuất cần thiết, người nông dân càng tin mù quáng vào kinh nghiệm của nhau, sử dụng phân bón, nước, thuốc bảo vệ thực vật bất hợp lý gây mất cân bằng sinh thái, gia tăng đáng kể chi phí nhưng kém hiệu quả. Một thực trạng đáng quan tâm nữa là phần lớn diện tích cà phê được người nông dân trồng bằng hạt nhưng không được chọn lựa kỹ càng hoặc trồng vào những năm 80, 90 của thế kỷ trước nên vườn cây phát triển kém, tỷ lệ cây không có quả và nhiễm bệnh cao, kích cỡ hạt nhỏ, không đồng đều. Bên cạnh đó, hằng năm, người dân vẫn tự chế biến hàng trăm nghìn tấn cà phê theo phương pháp phơi quả khô, xát dập phơi khô trên sân xi măng, trên bạt và sân đất; trong đó, phương pháp chế biến xát dập quả tươi và phơi trên sân đất đã làm ảnh hưởng xấu đến chất lượng sản phẩm cà phê. Việc bảo quản sản phẩm cà phê của các hộ gia đình cũng có nhiều vấn đề đáng bàn bởi người dân không có hệ thống kho riêng, thường bảo quản cà phê ngay trong nhà, trong bếp, thậm chí trong phòng ngủ; để chung sản phẩm cà phê với dụng cụ, vật tư nông nghiệp, xăng dầu, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Quá trình bảo quản có thể để bao cà phê tiếp xúc trực tiếp với nền kho, không xếp trên các sàn gỗ hoặc xếp lớp bao quá nhiều khiến khi gặp điều kiện thời tiết bất lợi như mưa nhiều, độ ẩm tăng  sẽ làm giảm phẩm cấp hạt cà phê.

Công ty Cà phê Thắng Lợi (Krông Pak) là một trong số doanh nghiệp chú trọng đến việc thu hái cà phê quả chín.
Công ty Cà phê Thắng Lợi (Krông Pak) là một trong số doanh nghiệp chú trọng đến việc thu hái cà phê quả chín.

Giải pháp nào để nâng tính chuyên nghiệp trong sản xuất cà phê?
Năm 2008, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết 08/NQ-TU về phát triển cà phê bền vững trong thời kỳ mới. Trong đó, đề cập đến nhiều nhiệm vụ và giải pháp toàn diện, từ sản xuất, chế biến, tiêu thụ nội địa, xuất khẩu đến đầu tư kết cấu hạ tầng, xây dựng chính sách, nâng cao năng lực, hiệu lực quản lý nhà nước… Tuy nhiên, cho đến nay, việc triển khai thực hiện Nghị quyết này vẫn còn ở bước đầu, chưa tạo được sự thay đổi rõ rệt về chất lượng trong sản xuất, kinh doanh cà phê. Theo các chuyên gia trong ngành cà phê, những tồn tại, hạn chế trên đã và đang làm xấu đi hình ảnh của hạt cà phê Việt Nam nói chung, Dak Lak nói riêng nên cần phải nhanh chóng khắc phục. Đây là một công việc không dễ thực hiện, cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.

Một trong những công việc cần tiến hành ngay là tổ chức lại ngành cà phê, trong đó chú trọng đến xây dựng các hình thức tổ chức sản xuất thích hợp như hợp tác xã, nhóm hộ sản xuất… nhằm khắc phục tình trạng sản xuất phân tán, nhỏ lẻ hiện nay. Kinh nghiệm tổ chức sản xuất theo mô hình này của một số doanh nghiệp như Công ty TNHH Một thành viên cà phê Thắng Lợi, Công ty TNHH Một thành viên Xuất nhập khẩu 2-9, Công ty liên doanh chế biến cà phê xuất khẩu Man - Buôn Ma Thuột… cho thấy rất hiệu quả. Nhờ tập trung được người sản xuất nên việc kiểm soát, hỗ trợ, nhất là hướng dẫn áp dụng các tiến bộ của khoa học kỹ thuật vào sản xuất tương đối dễ dàng, mang lại hiệu quả cao. Theo nhiều doanh nghiệp sản xuất cà phê, việc đầu tư hỗ trợ cho nông dân là rất khó khăn, cần nhiều vốn. Chính vì thế, cần có chính sách miễn hoặc giảm thuế, hỗ trợ lãi suất đối với những nguồn tài chính mà doanh nghiệp đầu tư hỗ trợ nông dân.

Vấn đề kế tiếp, cũng không kém phần quan trọng, đó là tỉnh phải có chính sách cụ thể nhằm khuyến khích, hỗ trợ người nông dân chuyển đổi những diện tích cà phê già cỗi, giống kém chất lượng bằng cách cưa ghép dòng cà phê vối chọn lọc hoặc trồng loại cây khác. Riêng những diện tích trồng ngoài quy hoạch, trên những vùng đất không thích hợp thì trước mắt vận động người dân chuyển sang trồng loại cây khác, về lâu về dài phải có biện pháp xử lý. Theo những người sản xuất cà phê, việc hỗ trợ người sản xuất cà phê đã được đặt ra từ lâu nhưng vẫn chưa được thực hiện đến nơi đến chốn và thiếu biện pháp phù hợp. Câu chuyện vay vốn tín dụng là một ví dụ. Hiện tại, không ít người sản xuất vẫn rất khó khăn trong việc vay vốn hoặc vay được nhưng không đủ để đầu tư. Những người sản xuất cà phê đề nghị tỉnh cần chỉ đạo các tổ chức tín dụng ưu tiên vốn cho ngành cà phê; yêu cầu các tổ chức tín dụng đưa nội dung “sản xuất phù hợp quy hoạch” vào tiêu chí để xét cho vay, nghĩa là hạn chế hoặc không cho vay đối với những trường hợp sản xuất ngoài quy hoạch.

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích các hộ sản xuất cải thiện chất lượng các vườn cà phê theo hướng thâm canh, sản xuất cà phê bền vững, cà phê có chứng nhận 4C, UTZ, RFA…; tăng cường đầu tư cho công tác chế biến cà phê, hạn chế tối đa việc thu hái quả xanh, áp dụng các biện pháp thực hành nông nghiệp tốt (GAP), quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), trong sản xuất cà phê, áp dụng công nghệ chế biến tiên tiến (GMP) để tạo ra sản phẩm cà phê có chất lượng cao đủ sức cạnh tranh. Ngoài ra, Nhà nước cũng cần tăng đầu tư phát triển kiến trúc thượng tầng trực tiếp phục vụ sản xuất cà phê như đường, thủy lợi, điện…; chú trọng đúng mức công tác nghiên cứu khoa học công nghệ phục vụ ngành cà phê; xây dựng chính sách “thu mua tạm trữ” dài hạn…

 

Thủy Ngọc

 


Ý kiến bạn đọc