Multimedia Đọc Báo in

Giảm thiểu rủi ro trong kinh doanh thương mại với châu Phi

19:28, 13/03/2011
Thị trường Châu Phi đang hấp dẫn giới doanh nghiệp (DN) quốc tế, nhưng còn nhiều hạn chế về môi trường kinh doanh nên tiềm ẩn nhiều rủi ro. DN làm ăn với thị trường này cần nắm rõ những rủi ro và các biện pháp hạn chế.
Đây là nội dung chính của Hội thảo “Giảm thiểu rủi ro trong thương mại với châu Phi” do Bộ Công Thương vừa tổ chức với sự tham gia của đông đảo DN trong nước.
Theo Bộ công thương, nhu cầu hàng hoá của châu Phi rất phù hợp với năng lực sản xuất của các DN Việt Nam do không đòi hỏi chất lượng sản phẩm cao. Hàng hoá Việt Nam hiện có mặt ở hầu hết 54 nước châu Phi. Năm 2010 kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang khu vực này đạt 1,8 tỷ USD, tăng 20% so với năm 2009, tăng hơn 10 lần so với năm 2001.
Tuy nhiên, khả năng thanh toán của các doanh nghiệp châu Phi rất hạn chế, thường muốn trả chậm. Những rủi ro chính trong thương mại với châu Phi thường gặp trong các khâu: tìm hiểu đối tác, ký  kết hợp đồng và thanh toán, đặc biệt là tình trạng lừa đảo kinh doanh. Thủ đoạn lừa đảo chủ yếu là chỉ giao dịch qua Internet; giả mạo giấy tờ, địa chỉ; đồng ý điều kiện mua hàng hấp dẫn; yêu cầu trả trước chi phí nhập khẩu, đăng ký…
Ngoài rủi ro về đối tác, một lỗi mà DN Việt Nam, kể cả các công ty lớn hay mắc phải là  văn bản hợp đồng không chặt chẽ, không tuân thủ các quy định về thương mại quốc tế. Hay như điều khoản giải quyết thông qua trọng tài nhưng không nêu  chính xác tên tổ chức trọng tài và luật áp dụng dẫn tới khi xảy ra tranh chấp sẽ gặp bất lợi. Khâu thanh toán cũng là một hạn chế, không chỉ bởi năng lực tài chính của doanh nghiệp châu Phi yếu, mà còn do thiếu hệ thống ngân hàng tốt. Để tránh rủi ro khi làm ăn với đối tác châu Phi, các doanh nghiệp có thể cân nhắc bán với giá rẻ hơn đôi chút, song thanh toán cần được bảo đảm chắc chắn, không cho trả chậm.
So với các khu vực khác, Trung Đông và châu Phi ít bị lo lắng về vấn đề thuế chống bán phá giá vì ở đây vẫn còn tình trạng thiếu hàng hóa nên chưa đưa ra chính sách bảo vệ hàng hóa trong nước. Nhưng Việt Nam vẫn còn gặp những rào cản về pháp lý, rào cản kỹ thuật và tập quán kinh doanh. Chẳng hạn UAE chủ yếu nhập hàng theo hình thức đại lý; cấm nhập rượu, bia, đồ uống có cồn, thịt heo, các vật dụng bằng da heo; chứng từ giao hàng phải bằng tiếng Anh, tiếng Ả Rập và có xác nhận của Đại sứ quán…Do đó, DN phải tìm hiểu kỹ đối tác, phong tục tập quán và văn hóa bản địa của thị trường muốn xâm nhập.
Ông Lý Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Phi, Tây Á, Nam Á khuyến cáo: DN Việt Nam muốn kiểm tra đối tác có thể đề nghị Bộ Công Thương, Thương vụ Việt Nam xác minh.

H.H (Nguồn: CTO)

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.