Khi nông dân làm cà phê được “tiếp sức”
Bài toán về chất lượng cà phê sẽ được giải quyết rốt ráo, nếu các nhà xuất khẩu cà phê có sự gắn kết mật thiết, cùng sống còn với người sản xuất để tạo ra chuỗi giá trị sản phẩm bền vững, ổn định và có tính cạnh tranh cao. Còn ngược lại, bài toán trên sẽ càng thêm bế tắc…
Việc ai, nấy lo!
Thực tế của ngành cà phê Dak Lak hiện nay cho thấy chưa có sự gắn kết giữa doanh nghiệp và người nông dân. Cả hai đang tồn tại khoảng cách rất xa. Từ đó hạt cà phê được làm ra, cho đến khi được xuất khẩu đều không tuân theo một quy trình nào cả. Người sản xuất một khi bán được sản phẩm của mình đến tay nhà xuất khẩu là hết, không còn quan hệ nào khác nữa. Doanh nghiệp cũng vậy, mua hàng được rồi là “phủi tay”, chỉ chăm chăm lo đường xuất khẩu dưới bất kỳ hình thức nào để tìm kiếm lợi nhuận. Ông Nguyễn Văn Sinh - Phó giám đốc Sở NN-PTNN cho rằng: sự “đứt gãy” đó là một trong những nguyên nhân cơ bản làm giảm giá trị của cà phê Dak Lak. Thử nhìn lại việc tổ chức sản xuất, tiêu thụ của ngành hàng này mà xem, còn quá nhiều bất cập hết sức đáng quan tâm.
Về phía người nông dân, họ trực tiếp làm ra hạt cà phê và là mắt xích đầu tiên quyết định chất lượng của sản phẩm này. Nhưng thử hỏi trong tay họ có gì? Nguồn tín dụng mà họ tiếp cận được với các ngân hàng thương mại để đầu tư cho sản xuất không phải lúc nào cũng dễ dàng, thuận lợi. Theo số liệu của ngành nông nghiệp, trong số hơn 190.000 ha cà phê trên địa bàn tỉnh hiện nay thuộc sở hữu của hơn 180.500 nông hộ. Diện tích cà phê của mỗi hộ từ 3 sào đến 5 sào chiếm hơn 60%, từ 6 sào đến 1 ha chiếm hơn 30%, còn từ 2 ha trở lên chỉ khoảng 7%. Rõ ràng, với điều kiện sản xuất nhỏ bé, manh mún như thế thì người nông dân không dễ tìm ra nguồn lực để phát triển sản xuất. Hầu hết họ phải “ăn đong” từng vụ, không tạo được tích lũy để đầu tư sân phơi, nhà kho, hệ thống tưới, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào đời sống sản xuất. Có thể nói, những khó khăn đó là nguyên nhân khiến chất lượng cà phê không bảo đảm, dẫn đến giá trị kinh tế của ngành hàng này bấp bênh, thiếu ổn định - ông Sinh nói thêm.
Nhiều người cho rằng, điều đó không phải các doanh nghiệp (trực tiếp là các nhà xuất khẩu) không nhận ra, nhưng tại sao họ không chia sẻ? Bởi vì họ “ỷ lại” là không cần đầu tư, xây dựng vùng nguyên liệu, họ vẫn có hàng hóa để kinh doanh, xuất khẩu(!?) Nói như ông Lương Văn Tự - Chủ tịch Hiệp hội cà phê - ca cao Việt Nam, đây là hạn chế rất lớn của nhóm ngành hàng này, nếu không sớm khắc phục thì cà phê Dak Lak nói riêng và cả nước nói chung sẽ mất chỗ đứng trên thị trường. Vậy nên, việc chia sẻ những khó khăn trên với người nông dân trực tiếp trồng cà phê ở Dak Lak hiện nay là trách nhiệm đối với các nhà doanh nghiệp, nhằm tạo sự gắn kết, hay nói cách khác là tạo “sân sau” để quá trình sản xuất và kinh doanh cà phê hiệu quả và bền vững hơn.
Anh Y Lim Niê (buôn Cư M'lim, xã Ea Kao) bên rẫy cà phê liên kết với doanh nghiệp. |
Nhìn từ mô hình liên kết “hai nhà”
Hiện nay, mô hình liên kết trồng cà phê đang được triển khai ngày càng nhiều. Hiệu quả của việc này thì cả nhà doanh nghiệp và nhà nông đều có lợi. Tương lai, mô hình này là bước đi đúng đắn nhằm hướng đến sản phẩm cà phê chất lượng cao và phát triển bền vững.
Tháng 5-2009, Công ty TNHH MTV xuất nhập khẩu 2-9, thực hiện liên kết với người nông dân sản xuất cà phê theo Bộ tiêu chuẩn UTZ CERTIFIED. Nội dung của mối liên kết này là người trồng cà phê ký cam kết sản xuất cà phê đúng tiêu chuẩn với công ty; phía doanh nghiệp hỗ trợ khoa học kỹ thuật, tập huấn kiến thức về sản xuất cà phê bền vững, an toàn sức khỏe lao động…và bao tiêu sản phẩm cho các hộ liên kết. Tính đến vụ cà phê 2010 – 2011, công ty đã thực hiện với trên 1.637 hộ ở Ea Kao, Cư Êbua (TP. Buôn Ma Thuột), Thị trấn Buôn Trấp (huyện Krông Ana), Quảng Tiến (Cư M’gar) và Ea Tân (Krông Năng) tổng cộng 2.484 ha (sản lượng đăng ký ước đạt gần 8.000 tấn), bình quân mỗi hộ tham gia 1,5ha, trong đó nhiều nhất 7ha. Vụ cà phê vừa qua, công ty đã xuất khẩu 5.550 tấn cà phê đúng tiêu chuẩn UTZ sang các nước châu Âu. Nói về hiệu quả của mô hình liên kết này, ông Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng phòng Dự án cà phê bền vững của công ty cho rằng: Bên cạnh doanh thu, lợi ích lớn nhất mang tính lâu dài là công ty giữ vững được vùng nguyên liệu; mặt khác người nông dân cũng có thu nhập cao hơn trên cùng một diện tích cà phê vì được bán trực tiếp cho nhà xuất khẩu mà không qua trung gian. Sau 2 năm triển khai và thấy được hiệu quả rất lớn từ việc liên kết trực tiếp với người nông dân, sắp tới, doanh nghiệp này đang có kế hoạch tăng thêm khoảng gần 100 ha ở các địa phương nói trên. Nhiều công ty kinh doanh cà phê khác cũng mở rộng mô hình này. Các doanh nghiệp đều đánh giá: cà phê đạt tiêu chuẩn UTZ đang được thị trường quốc tế ưa chuộng và lợi nhuận cao hơn 30-40 USD/tấn so với cà phê bình thường.
Đối với người nông dân, việc liên kết hai nhà trong sản xuất cà phê bền vững cũng sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao. Năm 2009, ông Trần Trọng Khánh ở thôn 2, Cư Êbua, TP. Buôn Ma Thuột đăng ký liên kết với Công ty TNHH MTV xuất nhập khẩu 2-9 chăm sóc 2 ha cà phê. Mặc dù mất mùa do nắng hạn, ông vẫn thu được gần 6 tấn cà phê nhân, cao hơn so với khi chưa thực hiện (chỉ 4 – 5 tấn), trong khi đó chi phí đầu tư giảm xuống do canh tác đúng khoa học.
Ông nói: “Trồng cà phê hàng chục năm nay, nhưng từ khi liên kết sản xuất bền vững, tôi mới biết cách bón phân, tưới nước hợp lý nên ít tốn kém mà năng suất vẫn cao hơn”. Còn anh Y Lim Niê (buôn Cư Mlim, xã Ea Kao –TP. Buôn Ma Thuột) thì chia sẻ: “Nghe công ty và mọi người trong buôn nói về liên kết trồng cà phê theo quy trình khoa học kỹ thuật rất có lợi, mình cũng đăng ký 1,2 ha. Sắp tới, có tiền đầu tư mình sẽ mở rộng thêm diện tích”.
Thạc sĩ Đặng Đinh Đức Phong, cán bộ kỹ thuật Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên đánh giá về mô hình liên kết sản xuất cà phê bền vững: Cái lợi lớn nhất là người nông dân biết cách canh tác cà phê đúng khoa học kỹ thuật nên năng suất tăng và hiệu quả sản xuất cao hơn. Đây là hướng đi đúng đắn hướng đến sản xuất cà phê bền vững và nâng cao chất lượng mặt hàng mũi nhọn và chiến lược này ở Dak Lak.
Ý kiến bạn đọc