Multimedia Đọc Báo in

Những nông dân năng động làm giàu

16:07, 20/03/2011

Trong những năm qua, phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói, giảm nghèo và làm giàu chính đáng” thu hút hàng vạn người tham gia, trở thành động lực quan trọng khai thác tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương và nội lực của mỗi gia đình. Cũng từ đó xuất hiện nhiều nông dân năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, vươn lên làm giàu.

Y Jú và ước mơ có một ngôi nhà khang trang
Trở về địa phương sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, anh Y Jú Mlô (phường An Lạc, thị xã Buôn Hồ), bắt đầu lập nghiệp từ hai bàn tay trắng. Sau khi lập gia đình, vợ chồng anh đồng lòng bảo ban nhau làm ăn nên cũng dành dụm đủ tiền mua được mấy sào đất trắng. Do không có vốn nên trước tiên hai vợ chồng bàn nhau trồng hoa màu để “lấy ngắn nuôi dài”. Tích lũy được vốn đến đâu, anh đầu tư trồng dần cà phê đến đó. Năm 1994, giá cà phê tăng cao khoảng 40.000 đồng/kg cũng là thời điểm vườn cà phê nhà anh bắt đầu cho thu hoạch. Số lãi thu được đủ để Y Jú dựng một căn nhà gỗ khác kiên cố hơn, làm nơi che mưa, trú nắng cho cả gia đình. Không bằng lòng với những gì đã đạt được, vợ chồng Y Jú lại tập trung mở rộng diện tích cà phê và phát triển thêm mô hình chăn nuôi heo. Để có thêm kiến thức phát triển kinh tế gia đình, Y Jú quyết định đăng ký tham gia sinh hoạt HND. Từ đó, mỗi khi hội tổ chức tập huấn hay tham quan mô hình, anh đều tham gia đầy đủ để tích lũy thêm kinh nghiệm. Nhờ vậy, anh đã biết thêm nhiều kỹ thuật làm cỏ, tỉa cành, bón phân cho cây cà phê vừa hiệu quả lại tiết kiệm chi phí, công lao động. Đến nay, với 3,7 ha cà phê, năng suất 4 tấn/ha và xuất bán 3 lứa heo/năm, gia đình anh cũng có thu nhập ổn định hơn 100 triệu đồng. Từ số tiền đó, anh đã xây được căn nhà khang trang, với đầy đủ tiện nghi sinh hoạt, sản xuất. Y Jú bộc bạch: “Nhìn cảnh vợ con sống trong căn nhà gỗ chật chội mình thấy chạnh lòng lắm. Ước mơ về một căn nhà xây kiên cố, rộng rãi là động lực thúc đẩy mình ngày đêm chăm chỉ làm ăn, và giờ điều đó đã trở thành hiện thực”.

Cơ ngơi khang trang của gia đình anh Y Jú Mlô.
Cơ ngơi khang trang của gia đình anh Y Jú Mlô.


Cách làm giàu của anh Minh “thỏ”
Sau khi lập gia đình, anh Đậu Thanh Minh (ngoài cùng, bên phải), ở phường Thống Nhất, thị xã Buôn Hồ cũng bắt đầu khởi nghiệp từ mô hình trồng cà phê. Với 2 ha cà phê và một quán nhỏ bán hàng ăn, tuy không giàu nhưng thu nhập cũng đủ trang trải cuộc sống. Tuy nhiên, thời điểm những năm 2000, giá cà phê lên, xuống thất thường, bấp bênh, anh chị phải vay mượn thêm để đầu tư cho vườn cây, nên cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Với quyết tâm vươn lên, từ các tài liệu của hội cung cấp và qua tham quan một số trang trại kinh tế, anh Minh mạnh dạn vay vốn ngân hàng và quyết định thử sức với mô hình chăn nuôi thỏ. Ban đầu, anh chỉ làm chuồng trại quy mô nhỏ, nuôi thử nghiệm vài chục cặp thỏ giống để tích lũy kinh nghiệm, sau đó đầu tư nhân rộng, chuyển sang nuôi thỏ thương phẩm. Để phục vụ cho ý tưởng của mình, anh đã tìm tới một cơ sở chăn nuôi thỏ uy tín học hỏi kinh nghiệm và mua con giống, đồng thời mua thêm sách hướng dẫn kỹ thuật nuôi thỏ thương phẩm về đọc… Nhờ vậy, anh Minh đã nắm chắc quy trình, kỹ thuật chăn nuôi. Để tăng số lượng nuôi lên 200 thỏ mẹ, anh Minh đã mày mò nghiên cứu cách đổ bê tông máng nước giúp thỏ uống dễ dàng lại tiện lợi cho việc vệ sinh chuồng trại. Bên cạnh đó, anh còn tự học hỏi thiết kế kiểu chuồng thuận lợi và an toàn cho thỏ, tránh sự tấn công của các loài vật khác. Không chỉ cung cấp nguồn thỏ giống, chuồng cho các hộ nông dân có nhu cầu, mà anh Minh còn sẵn sàng cho mượn tài liệu, truyền đạt kinh nghiệm chăn nuôi. Nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, anh Minh đã học hỏi thêm kỹ năng chế biến các món ăn từ thỏ để mở quán bán. Nhờ vậy, từ mô hình chăn nuôi thỏ, gia đình anh đã có thu nhập ổn định hơn 100 triệu đồng/ năm.

 


Phá thế độc canh để làm giàu
Gia đình chị Trịnh Thị Luyên (phường Thiện An, thị xã Buôn Hồ) có 5 ha đất trồng cà phê. Với bản chất cần cù, chịu khó, anh chị đã dồn công sức chăm sóc, vay mượn thêm các nguồn vốn do Hội Nông dân (HND) phường tín chấp với Ngân hàng Chính xách – Xã hội để đầu tư nên vườn cây khá xanh tốt, cho năng suất ổn định. Tuy nhiên, với suy nghĩ đa dạng hóa cây trồng sẽ hạn chế rủi ro khi giá thị trường có sự biến động, chị Luyên quyết định trồng xen canh tiêu và các loại cây ăn trái như sầu riêng, bơ, chuối trong vườn cà phê. Ban đầu, do chưa có kinh nghiệm nên chị chỉ trồng thử nghiệm trên một số ít diện tích, sau đó mới nhân rộng. Đến nay, các loại cây trồng xen đều đã cho thu hoạch. Theo tính toán của chị, chỉ sau 3-4 năm trồng xen, mỗi cây sầu riêng, bơ sáp cho thu hoạch từ 800.000 đến 1 triệu đồng, trong khi đó, năng suất cà phê vẫn ổn định khoảng 3 tấn/ha. Niên vụ vừa qua, giá nông sản tăng cao, trừ chi phí đầu tư, gia đình anh chị thu lãi khoảng 300 triệu đồng. Chị Luyên cho biết: “Hiệu quả của việc trồng xen không chỉ làm tăng thêm thu nhập mà còn giảm công lao động, giảm chi phí nước tưới, tiết kiệm nguồn vốn đầu tư. Cả 2 loại cây trồng đều có tác dụng che bóng cho nhau nên năng suất, chất lượng cây trồng chính lẫn cây trồng phụ đều tăng”.

Đoàn công tác Thường trực Tỉnh ủy và HĐND tỉnh thăm, trò chuyện với gia đình chị Trịnh Thị Luyến.
Đoàn công tác Thường trực Tỉnh ủy và HĐND tỉnh thăm, trò chuyện với gia đình chị Trịnh Thị Luyến.

 Nguyễn Xuân

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.