5 mặt hàng thiết yếu có thể phải dự trữ lưu thông bắt buộc
Theo dự thảo về dự trữ lưu thông bắt buộc đối với một số mặt hàng thiết yếu hiện đang được Bộ Công Thương lấy ý kiến thì thương nhân sản xuất, kinh doanh (bao gồm cả thương nhân nhập khẩu, xuất khẩu các mặt hàng thiết yếu) sẽ phải thực hiện việc dự trữ lưu thông bắt buộc đối với 5 mặt hàng thiết yếu, bao gồm: gạo, đường, thép, phân bón, thức ăn chăn nuôi. Mức dự trữ phổ biến từ 3 %- 12%, tuỳ theo từng mặt hàng.
Gạo là một trong những mặt hàng thiết yếu có thể phải dự trữ lưu thông bắt buộc trong thời gian tới. Ảnh:minh họa |
Mục đích của quy định trên là nhằm bảo đảm cung cấp kịp thời, đầy đủ nhu cầu tiêu dùng đối với các mặt hàng thiết yếu tại từng khu vực địa lý khi xảy ra mất cân đối cung cầu đột biến, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân và tình hình kinh tế- xã hội. Chủ động kiểm soát và hạn chế tăng giá bất hợp lý, phòng chống đầu cơ, găm hàng gây thiệt hại đến lợi ích của người tiêu dùng.
Căn cứ vào biến động trên thị trường, Bộ trưởng Bộ Công Thương quyết định điều chỉnh tăng (mua vào) hoặc giảm (bán ra) mức dự trữ bắt buộc đối với từng loại hàng hoá.
Thời gian giữa hai lần điều chỉnh mức dự trữ lưu thông bắt buộc tối thiểu là 10 ngày đối với trường hợp giảm mức dự trữ lưu thông bắt buộc và tối thiểu là 30 ngày đối với trường hợp tăng mức dự trữ lưu thông bắt buộc.
Giá bán lẻ hàng hoá dự trữ lưu thông bắt buộc thấp hơn giá thị trường tại thời điểm bán ra ít nhất 10% giá thị trường do Bộ Tài chính công bố tại thời điểm bán ra.
Về phía doanh nghiệp khi thực hiện dự trữ lưu thông bắt buộc sẽ được ưu tiên vay vốn với lãi suất ưu đãi bằng lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố vào thời điểm quyết định mức dự trữ lưu thông có hiệu lực. Ngoài ra, chi phí dự trữ lưu thông cũng được hạch toán vào chi phí chung của doanh nghiệp.
Theo VnEconomy
Ý kiến bạn đọc